Cái bắt tay liên minh xuất bản sách của NXB Tri Thức và NXB Trẻ tuần qua khiến thị trường sách có vẻ chộn rộn, và nếu môi trường kinh doanh tử tế, người đọc và cả nhà đầu tư sách hiện nay đều hưởng lợi. Tuy nhiên, scandal về một cuốn du ký lại cho thấy yếu tố thị trường trong lĩnh vực xuất bản có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào, bởi các quyết định hành chính nông nổi chịu áp lực từ đám đông.

{keywords} 

Tưởng thưởng lẫn sự trừng phạt lớn nhất với nhà văn đều đến từ người đọc. Ảnh: một buổi giao lưu, giới thiệu sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: TL

Quyền cao nhất của nhà xuất bản (đồng thời đại diện cho tác giả) chính là quyền được tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị. Còn quyền của người đọc là khen chê, thậm chí tẩy chay để khỏi mua phải sách dởm. Nhưng nhà văn, người tạo ra tác phẩm cũng có quyền bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình dưới bất kỳ hình thức tranh luận nào, kể cả quyền được im lặng.

Hai cái quyền giữa người đọc và người viết thật rõ ràng như vậy. Sau khi nhà văn viết ra một tác phẩm, anh ta hết trách nhiệm vì đã cật lực lao động cho một sản phẩm mà anh ta tạo ra; thế giới và không gian ấy, người đọc thấy thích thì bước vào, không thích thì bước ra. Sòng phẳng, công bằng.

Nhưng câu chuyện về một nhà văn trẻ viết du ký và bị công kích dữ dội đến nỗi có độc giả đề nghị các cơ quan chức năng thu hồi sách lại là một câu chuyện khác. Đó là khi người đọc tự cho mình cái quyền làm quan toà phán xét tội lỗi, thì đã đi quá xa. Đưa một cuốn sách và nhà văn của nó ra làm tội đồ và kết án là cách hành xử của thời Trung cổ. Bị kết án vì viết sách, đã có Salman Rushdie chịu án tử hình của thế giới Hồi giáo vì dám báng bổ thượng đế của họ. Nhưng kết cục của câu chuyện đó như thế nào, ai cũng biết.

Nhắc nhở đám đông giữ bình tĩnh là chuyện vô vọng, nhưng trong câu chuyện về nhà văn trẻ nói trên, nếu một vài người đã quá khích đến mức muốn dùng quyền lực nhằm giết chết cuốn sách và làm tan vỡ mọi hy vọng về một thế giới người lớn tốt đẹp, có thể sẽ khiến người trẻ không còn muốn dấn thân nữa. Hãy để người đọc trừng phạt họ bằng cách tẩy chay, quay lưng với tất cả những gì họ viết sau đó – mới chính là sự trừng phạt nặng nề nhất.

Cho đến nay, chẳng biết ai là nạn nhân, ai hưởng lợi trong scandal này. Nhưng nếu đây đúng là trò PR thì quả là một kịch bản tồi với kết thúc vô hậu.

Theo SGTT