Hìn hảnh chiếc khăn Piêu của người Thái Đen vốn quen thuộc của nhiều người qua lời bài hát đầy chất thơ của nhạc sĩ Doãn Nho.
"Nghe con chim cúc cu kìa nó hát lên một câu rằng
Có một nàng ở trong rừng
Tìm trong rừng
Kiếm trong rừng
Chiếc khăn piêu
Chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng
Theo gió cuốn bay về đâu
Chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng
Theo gió cuốn bay về đây
Vương trên cây
Astri ơi tới đây nhặt lấy chiếc khăn đẹp này
Thôi này đừng tìm trong rừng
Lạc trong rừng
Nát hoa rừng
Khăn piêu đây
Á ơi có phải thắm thiết duyên nhau
Chiếc khăn để làm mối nối duyên nhau
Thời tôi chờ"
“Piêu” là loại khăn đội đầu của nữ giới, phổ biến nhất ở người Thái Đen vùng Tây Bắc. “Piêu” thường được may bằng vải sợi bông dệt thủ công, màu đen hoặc màu chàm. Hai đầu "piêu" gọi là "nả piêu" (mặt piêu) được viền bằng vải đỏ và đính các "cút piêu" hình tròn. Hoa văn “nả piêu” thêu bằng sợi tơ tằm hoặc chỉ màu với các hình dáng như răng cưa, quả núi, đường song song...
Từ các bé gái đến các cụ bà người Thái đều có thể đội “piêu”. Khi đội, một đầu khăn phủ lên đỉnh đầu rồi trải trùm xuống trán, đầu kia buông thõng ra sau, có khi xuống đến ngang lưng. “Piêu” in đậm dấu ấn cá nhân, thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ của người đội khăn. “Piêu” còn là vật làm tin của các đôi trai gái, quà của các cô gái biếu gia đình nhà chồng khi về làm dâu. “Piêu” còn được sử dụng làm “tài sản” chia cho người chết khi về thế giới bên kia.
Thu Huyền
Ảnh: Ngọc Chính