Em muốn mua cái gì đó cho mình, mà nghĩ không ra chị ạ!

Câu chia sẻ thật tình của Linh làm chị đồng nghiệp… choáng, không biết nói sao. Linh giải thích, thứ mắc mỏ, sang trọng thì cô không đủ tiền, còn mấy thứ “tầm thường” như váy áo, giày dép hay mỹ phẩm gì đó, Linh có nhiều quá rồi, đến mức chẳng tha thiết gì cả. Nếu như một tháng không giặt ủi, thì Linh cũng chưa mặc giáp vòng tủ đồ của mình.

Linh tếu táo đùa, chắc là em “bịnh nặng” dữ lắm rồi. Sống mà không có ước mơ thèm muốn gì hết kiểu này, tiền vào thẻ cũng chẳng buồn rút, thì lấy đâu ra động lực, niềm vui để phấn đấu. Chị đồng nghiệp hỏi thêm, chẳng lẽ nhà em không thiếu vật dụng gì, hoặc tích cóp để dành đó, mai mốt lo cho con ăn học cũng được mà. Bao nhiêu người giật gấu vá vai, em dư giả quá nên nói vậy, thiên hạ nghe được là tha hồ hứng gạch đá đó nha!

{keywords}

Thật ra, nhà Linh không giàu có no đủ đến mức ấy. Đồ dùng cá nhân đều đẹp đẽ, dư thừa, nhưng trong nhà, cái bếp gas hư đã lâu, mỗi khi cần nấu đều phải bật hộp quẹt mồi lửa, Linh tiếc tiền, chưa thay mới. Chồng mấy lần bảo, hay là đóng tiền cho bé Xíu học thêm tiếng Anh ở trung tâm, Linh đều bàn ra. Con còn nhỏ, học chi cho phí. Ai đời lại để trẻ con cả tuần chỉ biết có học với học như vậy, biết có tiếp thu được gì, hay chỉ thêm bày vẽ ra. Cứ "trường làng" gần nhà cho tiện, bon chen với những bậc phụ huynh thích kỳ vọng ở con làm gì, chỉ thêm áp lực… Lý lẽ của Linh như thế, dù chồng Linh thừa hiểu, cô không muốn tốn thêm “tiền triệu” cho việc học ngoại ngữ của một đứa bé mới lên chín, lên mười. Cứ sống đơn giản, bình thường là được rồi. “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, có lần nói qua nói lại với chồng, Linh tuôn ra câu ấy. Đi làm vất vả cực khổ, phải biết thương mình nhiều nhất…

Bởi quan niệm ấy mà Linh chăm sóc bản thân rất kỹ. Quán đẹp, nhà hàng ngon, spa hay giải trí tốt, Linh đều rành rẽ. Năm rồi, khi dắt con vô cơ quan dự tiệc Trung thu, Linh thản nhiên không nhận thấy nhiều ánh mắt ngạc nhiên xen lẫn ái ngại đồng nghiệp dành cho hai đứa con gái mình. Trong khi mẹ xúng xính đồ hiệu, con chỉ có những bộ áo quần rẻ tiền, lại chẳng còn mới, giày dép cũng cũ và sờn, thật chẳng tương xứng chút nào. Con nít mau lớn, mua gì là chật ngay ấy mà, nên ai hỏi, có lấy đồ cũ con họ thải ra không, Linh đều hồ hởi gật đầu.

Con đã vậy, chồng còn "thảm" hơn. Linh vui vẻ khoe, chồng mình dễ tính lắm, cho gì mặc nấy. Tiền hai vợ chồng làm được, sau khi đóng góp vào chi dùng chung xong, của ai nấy biết. Nhưng chồng vụng chi, lại hay bị vợ “bòn”, nên chả còn là bao. Linh mà không thương tình sắm sửa cho, thì chắc quanh năm không có thêm món gì mới.

Vậy mà đùng một cái, Linh lu loa lên là chồng có bồ. Loại đàn ông một xu dính túi cũng không có, vậy mà gái chịu theo, thật lạ. “Con đó” đúng là cái thứ dại trai, hóa ra mấy món đồ đạc của ổng là do nó bỏ tiền sắm. Hèn chi lâu lâu ổng mang về nhà cái này cái nọ, bảo là được đối tác tặng. Chồng đúng là thứ cho không ai thèm lấy, nhưng hở ra là mất, Linh mai mỉa. Càng “đắng” hơn khi chồng Linh không tỏ ra hối tiếc, sẵn có bồ “đấu lưng”, anh tuyên bố ly hôn luôn, chịu đựng đủ rồi, giờ không còn muốn sống chung với người chỉ biết bản thân…

2. Ra tòa, chị Hường khóc, chị hỏi chồng rằng, em có lỗi gì, em đã chăm sóc cho mấy cha con anh chỗ nào không được chu đáo mà anh còn chê bai, đành đoạn như thế? Chồng chị im lặng quay đi, nét mặt khó tả. Trả lời câu hỏi của tòa, anh chỉ ngắn gọn: "Chúng tôi không hợp nhau. Tôi cần một người vợ, chứ không cần bà mẹ bảo bọc".

Ở dưới có tiếng cười vang lên, tưởng anh nói xỏ vợ. Nhìn mà coi, chị Hường quả là trông “cứng” hơn chồng rất nhiều. Mái tóc chắc đã từng được nhuộm uốn gì đấy, giờ đuôi thì xơ xác cháy, chân tóc đã mọc dài thêm ra, sợi bạc sợi đen, lam nham. Những ngón tay chị to bè, móng tay cái xước cái gãy, tưởng như chị là người quanh năm lao động tay chân không bằng.

Thật ra, chị Hường có công việc văn phòng, ăn lương đàng hoàng. Tháng trước, vừa lãnh tiền thưởng là chị vội gọi ngay cho chồng, khoe và hỏi anh muốn ăn gì không, em đãi; để em đưa tiền phụ anh đổi cái điện thoại hôm bữa anh săm soi nhé. Chồng chưa kịp đồng ý, chị bảo thêm, hay anh cứ mua cái tốt nhất mà xài, ra ngoài làm ăn cũng nên có bề ngoài tươm tất chút. Chồng chị tất nhiên là không từ chối. Anh quen được chị lo lắng trong ngoài, nên cứ yên tâm tận hưởng những thứ tốt nhất, đẹp nhất chị dành cho, chẳng mảy may áy náy hoặc “đáp lễ” gì.

Nhà cũng không thiếu thốn, nhưng kiếm người giúp việc thì chị Hường không thích. Đâu có ai hiểu ý chồng và mấy đứa nhỏ bằng mình. Làm gì có người giúp việc nào chịu bỏ tâm trí vô việc chế biến món ăn; có dọn dẹp, ủi đồ cũng không thể quan tâm hết mấy cái tiểu tiết, mà chồng chị thì vốn kỹ lưỡng. Chị quen phục vụ chồng con, bao sân mọi thứ rồi, giờ nghĩ tới thì cảnh ngồi không cho người giúp việc tung hoành trong nhà, thật không sao chấp nhận được.

Với lại, có người giúp việc trong nhà cũng nguy hiểm lắm chứ. Chị Hường cười hì hì kết lại các lý do mà chị cương quyết muốn mình làm “đại tổng quản” trong nhà chứ không muốn thuê Ôsin. Coi bộ chị yêu chồng và giữ chồng cẩn thận lắm đây, không muốn tạo bất kỳ điều kiện gì cho ai đó có cơ hội xen vào mái ấm của mình.

Nhưng cuối cùng, chồng chị cũng phản bội. Anh theo một con nhỏ “trơ trẽn, lười biếng, chỉ muốn ăn của người khác mà không biết nhục”. Đó là những lời điên cuồng đầy cay nghiệt chị dành cho tình địch, khi biết chồng đang cung phụng, chu cấp và hầu hạ một người phụ nữ làm nghề cắt tóc ráy tai gần cơ quan anh. Cô gái không quá trẻ, nhưng toát lên vẻ khỏe mạnh xinh xắn của mẫu phụ nữ biết chăm sóc, chưng diện cho bản thân.

Chồng chị Hường thật ra cũng không muốn đạp đổ gia đình, nhưng chị thì cương quyết chia tay, không thể nào tha thứ được. Phải như anh ta cặp với ai đó trẻ măng hoặc giỏi giang hơn mình, lo cho anh ta được nhiều hơn mình thì còn đỡ tức. Chứ “đu” theo cái thứ đàn bà con gái suốt ngày chỉ biết lo điệu đà làm đẹp, phủ nhận bao nhiêu công sức của vợ con, thì chị thà bỏ hẳn còn hơn. Nói vậy, nhưng chị vẫn tức, chẳng hiểu một ông chồng được cưng chiều và chăm bẵm mọi thứ tận răng như chồng chị, vậy mà vẫn giở chứng, phải đi săn đón chiều chuộng kẻ khác, cho tan cửa nát nhà, là vì lẽ gì?

Chị Hường càng không sao tin được, khi chồng bảo, lỗi cũng một phần do chị, chị ôm đồm quá, ngày càng già, dữ và cáu bẳn, anh nhàn rỗi, vô lo nên đâm ra không tha thiết gì hết. Vậy đấy, chứ anh cũng không chủ tâm đèo bồng bên ngoài. Đã sai mà còn ngụy biện! Chị nức nở nói trong nước mắt, ly hôn đi, thà tôi kiếm thằng khác tôi “hầu”, còn đỡ hơn phải nhìn thấy kẻ sướng mà không biết hưởng, như anh…

(Theo PNO)