Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Phú Thọ có gần 400.000 trẻ em, chiếm 26,3% dân số. Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, do đó việc xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ là cần thiết, cấp bách. Luật Trẻ em năm 2016, quy định rõ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em...

Nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại, bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em, thời gian qua, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đặc biệt, ngày 24/2/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 627/KH-UBND về hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu phấn đấu 100% gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau; 100% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi.

Việc xây dựng và nhân rộng mô hình “Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em” đã góp phần tích cực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ, làm giảm rõ rệt tội phạm xâm hại trẻ em và góp phần truyền thông tốt cho nội dung này trong toàn xã hội, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cả cộng đồng.

Đến nay, 100% các huyện, thành, thị đã triển khai xây dựng mô hình “Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em”. Qua thực tế hoạt động cho thấy, đây thực sự là mô hình thiết thực để các cấp, các ngành cùng chung tay đẩy lùi tội phạm xâm hại trẻ em, từ đó tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cộng đồng.

Theo chức năng, nhiệm vụ, các sở, ngành trong tỉnh cũng đồng loạt triển khai nhiều hoạt động, mô hình nhằm phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng, xây dựng kế hoạch tổ chức diễn đàn trẻ em các cấp. Sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng miễn phí tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã đẩy mạnh Phong trào xây dựng mô hình trường học “An toàn- Thân thiện - Bình đẳng”; phối hợp với Công an các huyện, thị, thành tổ chức tuyên truyền, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật, phòng, chống tội phạm và bạo lực học đường trong năm học.

 Cùng với đó, thực hiện đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thực hiện các quyền của trẻ em… Việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh nơi công cộng, trang bị hệ thống kỹ thuật giám sát an ninh, nhất là tại khu vực trường học, cơ sở trợ giúp xã hội, khu vui chơi, giải trí của trẻ em đã từng bước được quan tâm thực hiện.

Bảo Hiền