Xem video:

Chúng tôi biết đến em Hoàng Thanh Tùng (21 tuổi, trú tại Khu phố 4, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, Quảng Trị) qua những bài đăng bán các mô hình tiểu cảnh tái hiện lại cuộc sống xưa trên Facebook.

Thanh Tùng tâm sự, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, Tùng không học tiếp như bè bạn mà quyết định ở nhà phụ ba mẹ làm nghề vàng mã. 

Mô hình ngôi nhà miền Tây sông nước sau khi hoàn thiện.
Sản phẩm của Tùng rất ấn tượng, giống như thật.

Gia đình Tùng có truyền thống hơn 20 năm làm đồ vàng mã. Bản thân Tùng, từ lúc lên lớp 6, lớp 7 đã phụ ba mẹ làm công việc này.

Tùng bộc bạch: “Quá trình tạo ra những đồ thủ công cần sự tỉ mỉ, chăm chút và hết sức cẩn thận. Em thấy bản thân phù hợp với công việc này và em cũng muốn có thêm sự mày mò, sáng tạo hơn nữa.

Trước đó, em có chơi thủy sinh nên em tìm cách làm mô hình tiểu cảnh kết hợp với bể cá thủy sinh để thêm sinh động. Nhiều lần, nhìn thấy các mô hình tiểu cảnh trên internet, em đã tự làm để thỏa trí tò mò. 

Nguyên liệu làm ra những sản phẩm ấn tượng gồm bìa carton, thanh tre và các que kem, que đũa...

Lúc hoàn thiện, em thấy sản phẩm thú vị nên chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội. Từ bài đăng này, em nhận được nhiều sự quan tâm, động viên và bắt đầu có những đơn đặt hàng đầu tiên”.

Trong những mô hình tiểu cảnh tí hon của Tùng, đa số em tái hiện cuộc sống xưa của người dân miền Tây Nam bộ. Đó là những ngôi nhà bằng gỗ nổi trên sông, ở đó có chiếc đò là vật dụng đi lại của bà con vùng sông nước; có cả con người trong bộ đồ bà ba và vô số những vật dụng như: quần áo, bàn, ghế, kệ sách, chum đựng nước, chậu hoa, cầu thang, giá phơi và có cả những cuộn dây thừng và cục đá che chắn trên mái nhà,… Ngoài ra, Tùng còn tái hiện cả cuộc sống nơi phố cổ Hội An sống động, hiện đại.

Thanh Tùng bên mô hình tiểu cảnh về phố cổ Hội An với những gam màu ấm, cổ kính.

Tùng chăm chút kiểm tra lại các chi tiết sau khi làm xong các sản phẩm.

Tùy từng vật dụng, Tùng lựa chọn màu sơn và cách pha sơn khác nhau. Mỗi cảnh vật và đồ dùng mang một màu riêng biệt khiến sản phẩm Tùng làm ra rất đa dạng về màu sắc.

Những ngôi nhà miền Tây đã nhuốm màu thời gian, Tùng chọn màu chủ đạo là xanh rêu, nâu, đen cho những bộ bàn ghế cũ kĩ nhưng những ngôi nhà nơi phố cổ Hội An, Tùng lại chọn gam màu ấm, cổ kính.

Biến rác thành tiền, tạo ra nguồn thu ổn định

Tròn một năm từ ngày Tùng mày mò làm những mô hình tiểu cảnh đầu tiên, em bộc bạch, những nguyên liệu làm nên tiểu cảnh cực kì dễ kiếm: bìa carton bỏ đi, các thanh tre, đũa, que kem và những vật dụng được tận dụng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Sau khi sưu tầm được, em quét sơn và dán keo để cố định mô hình.

Tùng chia sẻ, các nguyên liệu đều dễ tìm và dễ làm, tuy nhiên việc làm các mô hình tốn khá nhiều thời gian.
Mô hình ngôi nhà nơi miền Tây sông nước.

Những mô hình tiểu cảnh nhỏ nhất có kích thước khoảng 20cm, hình tiểu cảnh to có chiều dài từ 30 - 40cm, rộng 25 - 30cm. Tùy theo kích thước mà giá thành dao động từ 900.000 - 4.600.000 đồng/ sản phẩm.

Đối với những tiểu cảnh nhỏ, Tùng cần 1 ngày để hoàn thành, những sản phẩm vừa và to cần tới một tuần. Tuy nhiên, khi đã thành thạo, thời gian hoàn thiện sản phẩm của Tùng ngày càng được rút ngắn hơn.

Từng chi tiết trên mô hình thể hiện sự chăm chút của người làm ra nó.

Tháng cao điểm nhất, Tùng làm được 30 sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập hơn 20 triệu đồng. Tùng cho biết, thời điểm năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc giao sản phẩm đến tay khách hàng gặp nhiều khó khăn.

Đến nay, Tùng đã bán ra khoảng 150 bộ tiểu cảnh lớn và nhỏ, gửi đi hầu hết các tỉnh, thành lớn trong nước. Ngoài ra, qua các bài đăng bán hàng trên Facebook, các đứa con tinh thần của Tùng đã len lỏi đến tay người dân ở Nhật Bản và Campuchia.

Bức tiểu cảnh những ngôi nhà ở phố cổ Hội An.

Tùng tâm sự: “Em thích làm mô hình tiểu cảnh miền Tây Nam bộ để tái hiện cuộc sống xưa cũ, mộc mạc của cảnh quan và con người nơi đây. Nhiều người khi thấy em làm tiểu cảnh mà giống thật quá, họ cứ nghĩ em đang sinh sống ở miền Tây.

Đa số khách hàng của em khi nhận được sản phẩm đều tỏ ý hài lòng, có khách mua hàng rồi còn quay lại mua lần thứ 2 cho bạn bè”.

Khi được hỏi về khó khăn khi tái hiện cuộc sống xưa, Tùng cười và chia sẻ, những lúc trời mưa, em sợ độ ẩm ảnh hưởng đến độ bền hoặc gây nên sự ẩm, mốc cho sản phẩm nên em chỉ sơn sản phẩm vào những ngày nắng, sau đó đem đi phơi. Còn lại, làm những thứ này rất đơn giản chỉ cần sự cẩn thận và tỉ mỉ một chút là có thể làm được.

Thanh Tùng bên các bức tiểu cảnh hoàn chỉnh của mình.

Ông Hoàng Xuân Châu (SN 1963, bố của Tùng) chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống hơn 20 năm làm nghề thủ công truyền thống là vàng mã. Tôi rất vui khi thấy con trai cũng làm các sản phẩm thủ công nhưng còn có thêm sự sáng tạo, có tính giải trí và thẩm mĩ. 

Nhiều người ghé nhà tôi chơi, thấy các sản phẩm do Tùng làm, họ rất bất ngờ và dành nhiều lời động viên để Tùng tiếp tục sản xuất thêm nhiều mô hình tiểu cảnh, góp phần tạo thêm nguồn thu giúp gia đình”.

Hương Lài