- Thời điểm lấy ý kiến nhân dân về sửa Hiến pháp 1992 sẽ kéo dài khoảng 3 tháng, bắt đầu từ tháng 1/2013. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh để trình tại kỳ họp Quốc hội sau đó. Dự kiến, bản Hiến pháp sửa đổi sẽ được thông qua vào kỳ họp đầu tiên của năm 2014.
Lấy ý kiến dân 3 tháng
Theo Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc, việc sửa Hiến pháp lần này sẽ tập trung vào các vấn đề như: các chương về chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước...
Nội dung sửa đổi Hiến pháp sẽ được Quốc hội dành hai ngày để thảo luận. Lập hiến là một nội dung quan trọng của kỳ họp lần này.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc tại cuộc họp báo. Ảnh: Lê Nhung |
Cũng theo dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp (1992).
Nội dung lấy ý kiến nhân dân là về toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó tập trung vào các nội dung sau đây: lời nói đầu, chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp, kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Nội dung Nghị quyết sẽ xác định rõ về yêu cầu, nội dung, phạm vi, thời gian lấy ý kiến và việc tiếp nhận, thu thập ý kiến phản hồi của dân
Thời điểm lấy ý kiến nhân dân khoảng 3 tháng, bắt đầu từ tháng 1/2013, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 3. Sau đó sẽ được tiếp thu, hoàn chỉnh để trình ra tại kỳ họp Quốc hội sau đó. "Quốc hội sẽ cố gắng thông qua Hiến pháp sửa đổi vào kỳ họp đầu tiên của năm 2014", ông Phúc cho hay.
Tín nhiệm thấp sẽ phải xem xét bỏ phiếu
Một nét mới của kỳ họp lần này là Quốc hội sẽ nghe báo cáo về kết quả thực hiện lời hứa của các bộ trưởng tại các kỳ họp thứ 2, thứ 3 vừa qua.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, kể cả khi nghe báo cáo việc thực hiện lời hứa hoặc nghe các báo cáo mới của bộ trưởng thì đương nhiên Quốc hội cũng sẽ chọn lọc xem vấn đề nào để thảo luận sâu hơn, ví dụ thảo luận về ùn tắc giao thông, về kinh tế - xã hội....
"Sắp tới vì chúng ta sẽ thông qua Đề án về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nên nếu như bộ trưởng nào hứa trước Quốc hội mà không thực hiện được thì đương nhiên tín nhiệm thấp, sang năm tới chúng ta lấy phiếu tín nhiệm, đương nhiên nếu tín nhiệm thấp, hai lần mà không đạt 50% thì sẽ chuyển sang bỏ phiếu. Đó là chế tài. Sau khi thực hiện được nghị quyết về Đề án bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm thì chế tài cũng sẽ được sử dụng", ông Phúc nói.
Cũng theo dự kiến, trong 26 ngày làm việc, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh việc xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, giám sát, thì Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.
Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến mở rộng việc truyền hình, phát thanh trực tiếp với một số phiên thảo luận về các dự án luật quan trọng, nhất là những dự án luật được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Bao gồm: luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi; luật Đất đai sửa đổi; dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; báo cáo của Thường vụ QH giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai.
Như vậy, sẽ có tới 13 buổi sẽ được truyền hình trực tiếp (tăng 5 buổi so với kỳ họp trước).
Kỳ họp thứ 4 khai mạc vào ngày 22/10, dự kiến bế mạc vào ngày 22/11.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật (luật Phòng chống tham nhũng, luật Thuế thu nhập cá nhân, luật Thủ đô...) và 2 nghị quyết. Cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và 6 dự án luật khác (luật Đất đai, luật Khoa học công nghệ...). 2 nghị quyết được Quốc hội xem xét thông qua là Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm và Nghị quyết về thí điểm thừa phát lại. |