- Mới học lớp 7 nhưng Tiến (*) nhiều lần có ý định và đã tự tử song được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Tâm sự với nhân viên tư vấn em nói thẫn thờ “cuộc đời em đã chết rồi, em không sợ chết”. Nhà trường, gia đình xa lạ, bạn bè xa lạ, Tiến chỉ có một người bạn duy nhất để tâm sự.

Tấm bảng được bố trí trong phòng Tư vấn học đường Trường THPT Nguyễn Tất Thành. HS có thể ghi mọi điều mình thích, suy nghĩ lên tấm bảng này.
Trong số hàng trăm hoàn cảnh từng được biết, câu chuyện về Tiến có lẽ là đáng nhớ, “ám ảnh” nhất với chị Trần Thị Dung (Văn phòng tham vấn gia đình&trẻ em Vala).

Nhìn vào gia đình Tiến ai cũng nghĩ em sẽ có cuộc sống đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. Bố mẹ em giàu có, sẵn sàng mua cho em bất cứ thứ gì con muốn. Ban đầu tới lớp em không lười học vì có nhiều bạn để chơi. Nhưng liên tiếp những xung đột xảy ra tại trường, lớp khiến em ngày càng cảm thấy mình bị cô lập giữa biển người.

Tới lớp, Tiến chỉ thích học tiếng Anh (em học lớp chọn tiếng Anh). Thầy cô các môn khác dạy em nghe tai này chạy qua tai kia ra ngoài, gần như không ghi chép. Bạn bè với em chỉ mang ý nghĩa để “tầm phào, không có ai hiểu em”.

Xung đột đầu tiên xảy đến là khi cô giáo phát hiện em dùng điện thoại trong lớp. Em kể, khi ấy vừa cầm để tắt nguồn máy. Giải thích như thế nào cô cũng không nghe và bị xử phạt đuổi ra khỏi lớp chuyên Anh. Uất ức, Tiến đã trèo lên cửa sổ lớp học định nhảy xuống thì được phát hiện và kịp thời ngăn lại.

Lần thứ hai là khi lớp làm bài kiểm tra. Bạn bên cạnh quay bài không may để rơi tài liệu. Chớ trêu quạt gió lại thổi bay tới chỗ chân Tiến. Cô giáo phát hiện và vẫn xử phạt mặc cho em giải thích, thanh minh.

Chị Dung chia sẻ: “Em là người biết che giấu tình cảm rất tốt. Nhìn bên ngoài chắc không ai nghĩ em đau khổ đến vậy. Tiến nói về nhà em chỉ thích nằm ngủ, ngủ một giấc không bao giờ dậy. Mất điểm tựa là nhà trường, em cũng rơi vào tình cảnh không ai hiểu.

Tiến nói như vô hồn: “Em đã uống thuốc ngủ nhưng bố mẹ kịp thời phát hiện, cho đi rửa ruột. Em đã chết nhiều lần rồi nên không sợ cái chết nữa”.

Về trường hợp này, trung tâm của chị Dung đã có nhiều buổi làm việc riêng với em. Biện pháp trước mắt được đưa ra: trung tâm mời em về làm trợ giảng cho chị Dung vì Tiến có khả năng giao tiếp, tiếng Anh và khả năng hội họa tốt.

“Hơn nữa với các bạn ít tuổi hơn Tiến cảm thấy mình được thể hiện, không bị cô lập nữa” – Chị Dung chia sẻ.

Trước mắt là vậy, về lâu dài, trung tâm của chị Dung đã chuyển trường hợp của Tiến đến một địa chỉ có đầy đủ các liệu pháp để chạy chữa cho em.

  • Văn Chung (Ghi)

(*)Tên nhân vật đã được thay đổi

Chuyện khóc, cười ghi ở phòng tư vấn học đường
Âm thầm, lặng lẽ ngày qua ngày những người làm trong phòng tư vấn học đường tại trường THPT luôn mở rộng cửa tiếp nhận mọi thắc mắc, rắc rối, chia sẻ của HS từ chuyện học hành, bạn bè, gia đình; vui có mà buồn cũng thật nhiều.