Thiếu gia và bản án giết người
Trung tá Nguyễn Trọng Tuấn – Phó giám thị trại giam Xuân Lộc cho biết, trong đợt lễ 2/9 này toàn trại có 373 phạm nhân được đặc xá, 787 phạm nhân khác được giảm án vì có những nỗ lực cải tạo tốt, chấp hành nội quy nghiêm chỉnh.
Cũng theo trung tá Tuấn, “hầu hết các phạm nhân vào đây đều học được một điều quý giá đó là ý thực tự chủ, tự lập mà sau này sẽ giúp ích cho họ rất nhiều”, mà phạm nhân Phạm Hiển là một điển hình.
Khi gặp tôi, phạm nhân Phạm Hiển (SN 1991, ngụ huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) khá cởi mở, khi nói về quá trình cải tạo và niềm vui khi chuẩn bị cho ngày đoàn tụ.
Mở đầu câu chuyện, Hiển nói “em bị kêu án 7 năm tù về tội “giết người” lúc 16 tuổi 11 tháng 15 ngày, khi ấy em đang học lớp 11 trường PTTH Định Quán thuộc huyện Đình Quán, tỉnh Đồng Nai. Giờ đã thụ án được 3 năm 4 tháng thì được đặc xá”.
Trong dịp đặc xá đợt này của trại giam Xuân Lộc (Z30D), PV VietNamNet đã gặp những mảnh đời, đủ loại người vì tình cảnh éo le phải dính vào vòng lao lý. Qua quá trình cải tạo, ngày đặc xá ra về thì họ bộn bề nỗi lo |
Hiển không buồn như các phạm nhân khác khi nói về gia đình, về quá trình phạm tội, vì em cải tạo ở trại giam chỉ cách nhà vài cây số, còn cái bản án giết người thì đến giờ Hiển vẫn biện bạch, rằng “hôm đó em nhậu say quá chẳng biết gì”.
Nhưng Hiển nói thêm “em chỉ luyến tiếc nhất là đã tham gia buổi nhậu đó. Ngày đó trở thành định mệnh và nó hủy hoại cuộc đời em”.
Hiển kể, trước khi nhập trại, Hiển từng là một thiếu gia trong một gia đình giàu có, nhà có hẳn 1 quán ăn lớn ở xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Hàng ngày Hiển chẳng phải đụng tay gì đến việc nặng nhọc, chỉ biết cặm cụi để học hành, thời điểm gây án Hiển là học sinh khá.
Đó là đêm 19/4/2008, Hiển gặp lại một số bạn bè cấp 2 trong một buổi sinh nhật của một người bạn gái cũ. Chỉ vì, một người bạn cùng buổi nhậu chạy hớt hơ hớt hải về thông báo vừa bị đánh vô cớ, thế là Hiển cùng 3 người bạn khác đang trong trạng thái là ngà hơi rượu lên 1 xe gắn máy rảo khắp tuyến đường tìm “địch thủ” rửa hận cho bạn.
Không tìm được người cần tìm, trên đường về, nhóm của Hiển vào một nhà dân ven đường vô cớ đập cửa và đã đã giật được hung khí đánh hội đồng, giết chết chủ nhà, tức ông Lê Khắc Hùng (SN 1979, ngụ ấp 2, xã Phú Hòa, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Hiển bị mức án 7 năm tù, các đối tượng khác trong nhóm bị 6 – 12 năm tù cùng về một tội danh.
Các phạm nhân làm việc tại xưởng mộc |
Khi tôi hỏi về chuyện gia đình thăm nuôi, Hiển cười cười: “Đúng quy định mỗi tháng 1 lần, mẹ lên thăm và cho em 1 triệu xài cho đỡ buồn”. Khi tôi nói rằng ở tù mà vẫn có… lương, và hỏi Hiển làm gì với số tiền lớn đó, thì Hiển chỉ cười cười.
Khi mới nhập trại, Hiển mệt nhọc khi được bố trí lao động nhưng hiện giờ phạm nhân này là một thợ lành nghề trong tổ xây dựng của trại K5. Hỏi về kế hoạch ngày về, Hiển vẫn nụ cười tự tin “em sẽ đi học hệ bổ túc văn hóa, rồi kiếm 1 cái nghề để học, để có thể kiếm sống đàng hoàng, không cần phải sống dựa vào gia đình nữa”.
Gã lực điền và nỗi lo ngày trở về
Đối với người ở tù mà như Phạm Hiển được gia đình chăm nuôi sung túc thì cũng là trường hợp ít có. Có nhiều phạm nhân khi vào trại bơ vơ, rồi ngày trở về bộn bề với những lo toan.
Khi được cán bộ trại đưa vào gặp nhà báo, phạm nhân Nguyễn Văn Thọ (SN 1983, ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, bị án 9 năm tù về tội “giết người”) cứ buồn buồn, chẳng thèm trò chuyện.
Khi được hỏi, Thọ tâm sự “em cũng chẳng muốn về nữa, nếu ở lại đây được thì em cũng ở luôn, chứ về mà nhìn bà con làng xóm đã khó, mà nhìn mặt người xưa lại biết xử sự ra sao đây? Về cũng lẩn quẩn việc làm ruộng, làm rẫy”.
Vẫn không ít phạm nhân được đặc xá ra về nhưng lo lắng như trường hợp phạm nhân Nguyễn Văn Thọ |
Thọ kể, anh học hết lớp 3 phải nghỉ để nhà làm ruộng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cáng đáng công việc nương rẫy để lo cho gia đình. Thọ nói rằng, trình độ thấp kém, học ít nên cũng chẳng biết, chẳng nhớ người yêu của mình họ gì, chỉ biết tên là Phượng, năm ấy chỉ mới 16 tuổi đời.
Kể về khoảng thời gian yêu nhau, Thọ cứ khoe “hạnh phúc lắm”. Nào là gia đình Phượng rất thương Thọ và hai bên gia đình đã nói chuyện với nhau, chờ đợi ngày Phượng đủ tuổi thì sẽ tổ chức một lễ cưới đàng hoàng.
Liên tục trong một thời gian dài, cứ vác cuốc về là chiều chiều Thọ ghé vào nhà Phượng ăn cơm đến tối mịt mới về đến nhà mình, dù 2 gia đình cách nhau vài cây số.
Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, nghe lời bạn rỉ tai, Thọ biết được người yêu đang “quen” với 1 thanh niên khác. Thọ kể rằng, những ngày ấy anh bất lực, cứ hễ tìm đến nhà người yêu thì bị người yêu thóa mạ, chửi bới thậm tệ đến nhục nhã.
Thế rồi trong một ngày giữa tháng 6/2007 trong một lần đi sửa xe, Thọ tình cờ thấy Phượng đi xe gắn máy một mình.
Thọ gọi người yêu lại, yêu cầu chở về nhà để nói chuyện… một lần cho xong. Thế nhưng người yêu chở Thọ đến trước 1 quán cà phê. Tại đây, cả hai lại cự cãi, bị chửi rủa Thọ lấy 1 con dao thủ sẵn trong người ra tấn công và đâm người yêu 4 nhát gục tại chỗ và sau đó là thương tích 52% vĩnh viễn.
Thọ còn kể, ngày anh lên tòa, bị kêu án 9 năm tù tội “giết người” thì Phượng đi cùng người yêu đến tham dự. Thọ nói, khi ấy buồn không tả xiết.
Rồi ngày nhập trại cho đến giờ, gia đình cũng bị… bỏ rơi, vì gia đình không đủ điều kiện thăm nuôi như các phạm nhân khác. Khi tôi hỏi khi về nhà anh sẽ làm gì, Thọ tâm sự “chắc cũng làm ruộng như ngày xưa thôi. Trại mà cho ở lại thì em cũng ở lại luôn cho quên đời. Nhưng em phải về để làm lụng phụ giúp gia đình trả nợ, đó là món nợ đời em phải trả”.
Theo Thọ kể, thì khi vụ việc xảy ra, gia đình phải vay mượn 20 triệu đồng để lo thuốc thang cho Phượng cho đến ngày phục hồi, đó là một số tiền quá lớn đối với một gia đình nông dân như anh.
Và với Thọ, đặc xá là niềm vui nhưng ngày về còn bao nhiêu là nỗi lo.
- Đàm Đệ