Thời đại ngày nay, không khó để bắt gặp hình ảnh những vlogger hoạt động trên YouTube là chính nhưng độ nổi tiếng có thể sánh ngang các tên tuổi trong showbiz, gọi chung celeb cũng chẳng quá lời. Bên cạnh tài ăn nói có duyên, kỹ năng quay dựng video và hoàn thành sản phẩm nịnh mắt khán giả chắc chắn sẽ là nền tảng chính yếu nhất để có thể bắt đầu sự nghiệp YouTuber chuyên nghiệp của họ.
Cộng đồng làm YouTube Việt Nam hiện nay cũng đong đầy những mầm non mới sẵn sàng cống hiến thời gian và sức lực thử sức với loại hình kiếm tiền online thông qua hợp tác cùng YouTube. Tuy nhiên, bất kể là làm video chơi hay hoạt động nghiêm túc, rất nhiều bạn trẻ vẫn mắc 2 sai lầm to đùng ngay từ khâu quay video, khiến cho nội dung dù có hay đến đâu nhưng hình thức khó mà thuyết phục người xem bấm nút Like + Subscribe.
1. Video rung lắc, không ổn định
Tình trạng này xuất hiện cực kỳ phổ biến với những người "tập sự", các kênh YouTube mới thành lập hoặc chủ kênh tập tành tham gia làm video. Việc để video rung lắc dù chỉ là rải rác thôi cũng rất dễ gây khó chịu cho trải nghiệm xem liền mạch, kể cả là vài giây ngắn ngủi trong một video dài 10 phút.
Thông thường, 2 phương pháp khắc chế hiện tượng này là giữ yên camera một vị trí cố định, hoặc sử dụng các thiết bị tay cầm chống rung hiện đại. Nhiều vlogger hiện nay áp dụng rất hiệu quả cách 1, chẳng hạn như Giang Ơi, mvcthinh, Trinh Phạm..., tuy nhiên điều này cần tới gu nói chuyện có duyên cùng nội dung được lèo lái bài bản, lên kế hoạch chi tiết để thu hút liên tục sự hứng thú của khán giả. Nếu không, video rất dễ gây nhàm chán vì góc quay ít thay đổi, không có cảnh dựng và hiệu ứng đi kèm.
Giang Ơi là một trong những YouTuber/vlogger nhận được rất nhiều sự mến mộ từ cộng đồng mạng.
Mặt khác, cách thức dùng tay cầm chống rung sẽ giúp video chuyển động đa dạng hơn, phù hợp với loại hình nội dung di chuyển và trải nghiệm phụ thuộc vào môi trường, địa hình thực tế. Thế nhưng, trừ khi bạn đã nắm vững được các kỹ năng chọn góc và chuyển cảnh khi thực hiện các thước phim lẻ, toàn bộ sản phẩm cuối cùng của bạn có thể gây phản tác dụng vì hướng quay quá rườm rà, kịch bản thiếu đồng nhất. Sau cùng, khoản đầu tư vào trang thiết bị của bạn sẽ coi như đổ sông đổ bể nếu không tìm cách trau dồi kiến thức, rất dễ nản lòng mà từ bỏ cả chì lẫn chài.
2. Video... quay dọc
Dù ít xuất hiện hơn nhưng mỗi khi có dịp ai đó ngây ngô mắc lỗi, chắc chắn video đó sẽ gần như bị coi là thảm hoạ nếu như không có nét đặc biệt hoặc ý nghĩa sâu xa tính toán từ trước. Không phải tự nhiên mà từ xưa tới nay định dạng làm phim và video luôn nằm ngang, vì nó giúp thể hiện cảnh rộng phù hợp với tầm nhìn mắt người cũng như nhiều hiệu ứng bố cục cảnh quay đa dạng khác có thể áp dụng.
Kết quả xem video dọc trên máy tính cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bực mình.
Hầu hết các video mắc lỗi quay dọc đều xuất phát từ thói quen sử dụng smartphone để quay thay vì camera chuyên dụng, bởi hình thức cầm tay đứng dọc theo thói quen chung mà không nhận ra đó là một cái gai khó chịu đối với mắt nhìn của người xem. Vẫn biết nghệ thuật là sáng tạo vô biên, nhưng những lối áp dụng mới thực sự cần tới kỹ năng, kinh nghiệm cùng cả những lời cố vấn cũng như tài năng bẩm sinh một phần.
Kể cả khi trên thế giới vẫn xuất hiện các định dạng bố cục quay phim, video độc đáo so với khung ngang truyền thống, nhưng đó không có nghĩa chúng ta nên "cố đấm ăn xôi" bắt chước theo mọi lúc để gây ấn tượng một cách gượng ép. Nền tảng IGTV của Instagram đã cố tận dụng phổ biến hoá hình thức quay dọc nhưng tới nay đã nhận thất bại khá trì trệ, thậm chí đành phải chuyển sang du nhập thêm định dạng ngang như cũ cho những ai có nhu cầu.