Sự xuất hiện của OS X có lẽ là bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử của Mac. Năm 1997, Steve Jobs đã "vác thêm" một hệ điều hành phần mềm từ NeXT, một công ty riêng của Jobs sau khi rời khỏi nhà Táo trước đó, khi quay trở lại Apple, tạo ra tiền đề cho Mac OS X.

Nhìn lại 20 năm Mac OS X: hệ điều hành quan trọng nhất lịch sử Mac, cứu sống Apple

Ngày nay, Apple đã trở thành công ty nghìn tỉ đô-la, nhưng trước khi đạt được điều đó, những cỗ máy tính của công ty đã rất chật vật, cận kề bờ vực thẳm. Thậm chí nhiều người còn nghĩ rằng thương hiệu này khó có thể tồn tại được.

Có rất nhiều nhà sản xuất microcomputer (một thuật ngữ được sử dụng vào thời điểm đó), có thể kể đến những chiếc máy tính Amiga, OS/2 và CP/M. Ba năm trước khi phiên bản Mac OS X (X là 10, đọc theo tiếng Anh là "ten") đầu tiên được phát hành vào ngày 24/03/2001, trong một nỗ lực tránh bị coi là độc quyền, Microsoft đã đầu tư 150 triệu USD cho Apple nhằm giúp Táo khuyết tiếp tục sống sót.

Một khởi đầu đầy thử thách

Nhìn lại 20 năm Mac OS X: hệ điều hành quan trọng nhất lịch sử Mac, cứu sống Apple

Đánh giá đầu tiên của PCMag đối với OS X mới không mấy khả quan. Trang tin này viết: "Những người dùng Mac sẽ không thích thứ này. Ban đầu là không, và có lẽ là 1 – 2 ngày sau cũng vậy. Việc nâng cấp hệ điều hành nên giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn chứ không phải buộc bạn dành hàng giờ để tìm ra cách thực hiện những tác vụ hàng ngày thông thường."

Lý do đằng sau sự cảnh báo này cũng khá dễ hiểu. Phiên bản hệ điều hành mới này được xây dựng mới hoàn toàn, thay thế nền tảng đàn anh, nâng cấp sang UNIX nhằm đảm bảo độ ổn định cao hơn. Thú vị thay, kernel của OS X và macOS lại là mã nguồn mở, bởi nó bắt nguồn thứ cơ sở mã đó. Tuy vậy, bản thân hệ điều hành này cũng như bất kỳ thành phần giao diện nào của nó lại không phải là mã nguồn mở. Điều này giúp Apple có thể thử nghiệm độ ổn định mã nguồn mở đối với kernel của mình mà vẫn đảm bảo toàn bộ hệ thống là một kiến trúc khép kín, chỉ họ mới có thể can thiệp.

Quá trình tái cấu trúc hoàn toàn trên OS X này có thể gợi cho chúng ta nhớ đến việc Microsoft thiết kế lại hệ điều hành desktop của mình với Windows Vista. Dẫu vậy, có một sự khác biệt quan trọng giữa chúng. Cả hai hệ điều hành mới đều khiến người dùng khó chịu bởi một số phần cứng (đặc biệt là máy in) cũng như phần mềm cũ không tương thích, nhưng chúng lại ổn định hơn nhiều so với những thế hệ tiền nhiệm. Tuy nhiên, Apple khá thông minh khi nhúng một bản sao của OS 9.1 vào OS X để người dùng có thể tiếp tục sử dụng phần mềm cũng như phần cứng cũ của mình. Sau đó, công ty sẽ loại bỏ nó khi những sản phẩm mới hơn xuất hiện.

Trong suốt 20 năm, Apple đã mang đến vô số công nghệ mới cho hệ điều hành desktop OS X của mình. Và chúng ta sẽ cùng đề cập đến những điều đó trong bài viết này.

1. iTunes và iPod

Nhìn lại 20 năm Mac OS X: hệ điều hành quan trọng nhất lịch sử Mac, cứu sống Apple

Ngay sau khi ra mắt OS X, chiếc iPod đầu tiên của Apple đã xuất hiện. Nó đã cách mạng hóa hoàn toàn ngành công nghiệp âm nhạc. iTunes đã có trên những cỗ máy Mac trước khi iPod ra mắt. Bề ngoài của iPod có những thành phần được lấy cảm hứng từ OS X, bao gồm thanh tiến trình Aqua màu xanh, hay những đường viền kim loại. Đến macOS, iTunes đã bị khai tử, nhưng thú vị là nó vẫn tồn tại trong khi ứng dụng của Windows 10. Apple vẫn còn đang bán một mẫu iPod, đó là iPod touch thế hệ 7. Dù không được cập nhật trong vài năm qua, thế nhưng, nó lại chạy iOS 14, phiên bản phần mềm di động mới nhất của Apple.

2. Hỗ trợ CD-ROM/DVD

Nhìn lại 20 năm Mac OS X: hệ điều hành quan trọng nhất lịch sử Mac, cứu sống Apple

Sau 6 tháng kể từ phiên bản đầu tiên phát hành, OS X v10.1 chính thức xuất hiện. Trong thông cáo báo chí cho bản cập nhật này, Apple tiết lộ, đây là "hệ điều hành đầu tiên cho phép người dùng ghi trên 4GB dữ liệu vào đĩa DVD". Dù điều đó có lẽ khá kỳ lạ ở hiện tại, thế nhưng, lĩnh vực đa phương tiện siêu hot thời ấy lại là những chiếc đĩa lấp la lấp lánh. Khá thú vị là, dù phiên bản OS X 10.1 có tên mã là Puma, thế nhưng, Apple đã không sử dụng những cái tên này trong các tài liệu không khai. Đến phiên bản tiếp theo, nhà Táo mới áp dụng cách đặt tên mới, chẳng hạn như Jaguar 10.2.

Đĩa không phải là media duy nhất mà phiên bản mới này có thể xử lý. Theo đánh giá từ PCMag, hệ điều hành này còn có thể nhập ảnh số. "OS X 10.1 hoạt động liền mạch với nhiều hệ thống truyền tải ảnh độc quyền, chắng hạn như những hệ thống được các máy ảnh Kodak và Nikon sử dụng, và hệ điều hành này có thể truyền tải hình ảnh mà không cần đến phần mềm đặc biệt nào."

3. Tích hợp VPN và hỗ trợ doanh nghiệp

Đến năm 2003, Apple tích hợp thêm VPN vào phiên bản OS X 10.3 Panther. Tuy vậy, nó lại chỉ hỗ trợ giao thức PPTP, được các nhân viên sử dụng để đăng nhập vào mạng công ty, thay vì những chức năng bảo mật và bỏ chặn nội dung mà chúng ta thường dùng với VPN ngày nay. Phiên bản này cũng bổ sung những thứ khác để giúp cho OS X trở nên hấp dẫn hơn đối với người dùng doanh nghiệp, bao gồm hỗ trợ các sản phẩm Active Directory và Exchange của Microsoft.

4. Chuyển sang Intel

Nhìn lại 20 năm Mac OS X: hệ điều hành quan trọng nhất lịch sử Mac, cứu sống Apple

Năm 2005, Apple chuyển từ kiến trúc Power PC sang Intel, giúp những cỗ máy Mac có các thành phần tương tự như trên một chiếc PC Windows. Đến năm 2006, khi OS X 10.4.4 Tiger được tung ra, những CPU Intel mới chính thức được hỗ trợ. Phiên bản Tiger này cũng mang đến thanh tìm kiếm Spotlight được nhiều người yêu thích cùng những widget Dashboard (đã ngừng hỗ trợ). May mắn thay, việc hỗ trợ các ứng dụng PowerPC không bị xóa hoàn toàn cho đến khi bản Snow Leopard xuất hiện trong năm 2009. Để làm được điều đó, Apple đã sử dụng công nghệ Rosetta do mình tự phát triển.

Mãi đến năm 2020, kỉ nguyên Mac Intel mới kết thúc, khi Apple chuyển sang sử dụng các CPU ARM Apple Silicon của mình, và Apple M1 chính là thành viên đầu tiên. Việc chuyển đổi này sẽ khiến những cỗ máy Mac mất đi một lợi thế: sử dụng Boot Camp để cài đặt Windows. Điều này khá dễ hiểu bởi những cỗ máy Mac cũng như Windows sử dụng cùng một kiến trúc chip Intel. Dẫu vậy, may mắn là Apple cũng đưa Rosetta vào Big Sur để những cỗ máy Mac mới có thể khai thác tài nguyên cũ.

5. Bổ sung kho ứng dụng App Store cho Mac

Bản cập nhật OS X 10.6.6 vào tháng 01/2011 cho Snow Leopard là một trong những ý tưởng lớn đầu tiên được chuyển từ nền tảng iOS trên iPhone cho Mac OS X, đó là kho ứng dụng App Store. Cụ thể hơn là Mac App Store. Ý tưởng này không chỉ cung cấp cho nhà phát triển một nơi thống nhất để làm nổi bật ứng dụng của mình mà còn để người dùng có thể dễ dàng cài đặt. Các bản cập nhật cũng được xử lý thông qua App Store, và bạn có thể sử dụng những ứng dụng đã mua trên cùng một máy Mac, miễn là đăng nhập cùng một tài khoản. Đáng tiếc, các kho ứng dụng trên desktop lại khác biệt so với kho ứng dụng trên di động. Rất nhiều phần mềm bị thiếu trong kho ứng dụng của cả hai nền tảng desktop chính.

6. Phiên bản Lion trở nên mạnh mẽ hơn

Trước Mac OS X 10.7 Lion, phiên bản 10.5 Leopard đã bổ sung nhiều công cụ mới tiện lợi, bao gồm Time Machine và Spaces (desktop ảo). Đến phiên bản 10.6 Snow Leopard tiếp theo, toàn bộ nền tảng được tối ưu hóa tốt hơn.

Phiên bản 10.7 Lion ra mắt năm 2011 thực sự là một bản cập nhật lớn, đúng như tên mã của nó. Với phiên bản này, toàn bộ mã hiệu điều hành đã được chuyển sang 64-bit thay vì 32-bit như trước đây, dù rằng vẫn có thể chạy các ứng dụng 32-bit. Về giao diện, phiên bản này bổ sung thêm Mission Control (một giao diện thống nhất cho Expose, Spaces và Dashboard) cũng như sự xuất hiện của LaunchPad – một sự đáp trả từ Apple đối với menu Start của Windows ở một mức độ nào đó.

Tuy nhiên, có lẽ bước tiến lớn nhất của Lion đó chính là sự ra đời của các tính năng giống iOS, điều mà Apple vẫn đang duy trì, thậm chí còn chuyển sang dùng cùng một kiến trúc CPU. AirDrop, một tính năng của cả hệ điều hành di động lẫn desktop của Apple, cũng đã cập bến trên Lion.

7. Công nghệ đám mây phát triển mạnh mẽ với iCloud

Nhìn lại 20 năm Mac OS X: hệ điều hành quan trọng nhất lịch sử Mac, cứu sống Apple

Sau sự ra mắt cũng như sụp đổ thảm hại của dịch vụ trực tuyến Apple MobileMe, cùng năm Lion được phát hành, iCloud chính thức xuất hiện. Không như MobileMe, iCloud là một dịch vụ đồng bộ hóa và sao lưu. MobileMe thực sự cung cấp dịch vụ lưu trữ và xây dựng trang web, vốn không có sẵn trong iCloud. Giống MobileMe, iCloud lưu trữ tài khoản email, nhưng được bổ sung tính năng lưu trữ và chia sẻ ảnh, cũng như cộng tác chỉnh sửa tài liệu với phiên bản iWork trực tuyến của Apple. Một số người dùng cảm thấy phiền phức khi thường xuyên nhận được các thông báo trên Mac cho biết họ cần phải nâng cấp lên những gói lưu trữ trả phí, nhưng iCloud chắc chắn là một công cụ thành công và tạo ra doanh thu khá lớn cho Apple.

8. iMessage trên Mac

Khả năng nhắn tin liền mạch từ desktop mà không cần bất kỳ cài đặt bất kỳ thứ gì chính là điểm khác biệt của macOS. Khả năng này cập bến phiên bản kế nhiệm của Lion, đó là Mountain Lion, ra mắt vào năm 2012. Apple thường sử dụng kết hợp tên của thế hệ tiền nhiệm đối với các bản cập nhật nhỏ, chẳng hạn Leopard – Snow Leopard; Lion – Mountain Lion, Sierra – High Sierra,… Dĩ nhiên, khả năng tích hợp này chỉ hoạt động khi bạn có iPhone. Tính năng Your Phone trên Windows 10 gần đây cũng cung cấp chức năng tương tự cho những chiếc điện thoại Android, dù không mượt mà bằng. Việc sử dụng FaceTime trên Mac cũng giống như khi bạn sử dụng trên điện thoại, giúp khả năng giao tiếp trên những thiết bị của Apple trở nên vô đối. Thời điểm đó, FaceTime là một ứng dụng có trong Mac App Store, nhưng giờ đã trở thành một phần không thể thiếu của hệ điều hành.

9. Từ họ nhà mèo cho đến địa lý California

Nhìn lại 20 năm Mac OS X: hệ điều hành quan trọng nhất lịch sử Mac, cứu sống Apple

Bắt đầu từ phiên bản Mac OS X 10.9 Mavericks ra mắt năm 2013, Apple đã chuyển quy ước đặt tên của mình từ họ mèo sang đường bờ biển cũng như những danh lam thắng cảnh địa lý tại bang California – nơi đặt trụ sở của Apple. Mavericks là phiên bản đầu tiên được Apple đưa ứng dụng Apple Maps lên desktop. Thực tế, phiên bản này chủ yếu tập trung vào việc bổ sung các ứng dụng phụ trợ hơn là cải thiện hệ điều hành, cùng những bổ sung khác, bao gồm iBooks, cải thiện Calendar và các ứng dụng iLife (iMovie, GarageBand và Photos), iWork (Pages, Numbers và Keynote).

10. Cập nhật miễn phí

Mavericks đã bắt đầu xu hướng không tốn phí cập nhật những phiên bản Mac OS X. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng Apple từng thu phí 129 USD đối với một số bản cập nhật OS X đầu tiên. Động thái này đã khiến Microsoft thực hiện điều tương tự với Windows 10 khi cho phép người dùng nâng cấp miễn phí từ Windows 7 trong suốt hơn một năm. Tất cả những bản cập nhật Windows 10 đều hoàn toàn miễn phí. OS X Mavericks cũng có khả năng cập nhật hệ điều hành thông qua Mac App Store, nhưng sau này, Apple đã đưa chức năng này quay lại System Preferences.

11. Chia tay Skeuomorphism, chào đón Handoff

Nhìn lại 20 năm Mac OS X: hệ điều hành quan trọng nhất lịch sử Mac, cứu sống Apple

Những biểu tượng đẹp như tranh vẻ đã lỗi thời. Tiếp nối việc loại bỏ phong cách Skeuomorphism trên iPhone, phiên bản Mac OS X 10.10 Yosemite ra mắt năm 2014 cũng chuyển sang thiết kế 2D phẳng. Điều này giúp giao diện trông trở nên nhất quán và gọn gàng hơn.

Không chỉ vậy, để tiếp tục tích hợp chặt chẽ hơn với iPhone, Yosemite cũng được bổ sung thêm tính năng Continuity, cho phép bạn thực hiện và nhận cuộc gọi cũng như tin nhắn SMS trên máy Mac khi điện thoại nằm ở gần đó. Tính năng Handoff cho phép bạn thực hiện thứ gì đó trên một thiết bị, chẳng hạn như viết tin nhắn, email, lướt web trong Safari hay viết văn bản, rồi chuyển sang một thiết bị khác để tiếp tục thao tác với chúng. Ngoài ra, các tab đang mở trên Mac cũng sẽ xuất hiện trong ứng dụng Safari của điện thoại.

12. Siri cập bến Mac, OS X đổi tên thành macOS

Nhìn lại 20 năm Mac OS X: hệ điều hành quan trọng nhất lịch sử Mac, cứu sống Apple

Các trợ lý AI đã trở thành một phần cuộc sống của chúng ta. Siri là một tính tính năng quan trọng đối với iOS trong nhiều năm qua, nhưng sau hơn một năm rưỡi Cortana xuất hiện trên Windows, Apple mới chịu tích hợp trợ lý ảo của mình lên Mac với phiên bản macOS 10.12 Sierra, ra mắt vào năm 2016. Với phiên bản này, Apple cũng thống nhất lại sơ đồ đặt tên hệ điều hành của mình, loại bỏ cái tên OS X để chuyển sang macOS nhằm phù hợp hơn với iOS, watchOS và tvOS. Phiên bản kế nhiệm của Sierra, High Sierra, đã cải tiến phần lớn cấu trúc bên trong hệ điều hành, đặc biệt là việc chuyển từ hệ thống file HFS+ sang Apple File System, giúp hệ điều hành này trở nên nhanh hơn và an toàn hơn.

13. Chế độ tối (Dark Mode)

Nhìn lại 20 năm Mac OS X: hệ điều hành quan trọng nhất lịch sử Mac, cứu sống Apple

Chế độ tối (Dark Mode) đã trở thành một xu hướng thịnh hành trên cả nền tảng di động và desktop. Và Apple cũng bổ sung chức năng đó cho hệ điều hành desktop của mình với sự xuất hiện của macOS Mojave 10.14 trong năm 2018. Cách triển khai chức năng này trên Mojave nhất quán và thu hút hơn so với Dark Mode của Windows 10.

14. Tạm biệt iTunes và Mac OS X, chào đón macOS 11

Nhìn lại 20 năm Mac OS X: hệ điều hành quan trọng nhất lịch sử Mac, cứu sống Apple

Thành viên cuối cùng của gia đình OS X, macOS 10.15 Catalina, đã loại bỏ trình phát đa phương tiện iTunes cũ kỹ và thay thế bằng 3 ứng dụng mới, bao gồm Music, TV và Podcasts. Phiên bản này cũng có một vài sự bổ sung đáng chú ý, bao gồm dịch vụ thuê bao chơi game Apple Arcade hay Sidecar, cho phép bạn sử dụng iPad làm màn hình phụ.

Với sự xuất hiện của macOS 11 Big Sur, nó mở một thế giới mới cho Apple Silicon cũng như khả năng tích hợp sâu hơn với iOS. Dẫu sao đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể phủ nhận một điều: sẽ chẳng có Big Sur nếu OS X không xuất hiện vào đúng lúc Apple cần.

(Theo PCMag, VnReview)

 

Sau MacBook, đến lượt PS5 bị bẻ khóa thành máy đào coin

Sau MacBook, đến lượt PS5 bị bẻ khóa thành máy đào coin

Điều đáng nói, hiệu suất khai thác coin trên PS5 của Sony được cho là vượt xa các card đồ họa cao cấp.