Bình Định là tỉnh thuộc khu vực Trung bộ với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó nhiều người dân tộc Chăm, Bana và H’rê... cư trú lâu đời.
Theo kế hoạch, Bình Định triển khai Dự án 7 Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tại 22 xã khu vực III và 7 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 5 huyện: Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Ơn, An Lão, Vân Canh.
Bình Định đặt ra mục tiêu trong giai đoạn từ 2022-2025, tại các xã có triển khai can thiệp tại khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc và miền núi, mỗi năm có 25% nam, nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; 20% bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh; 25% trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh.
Bên cạnh đó, 60% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần năm tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài ra, tăng thêm 60% người sử dụng dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình tại các xã có triển khai chiến dịch tại khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc và miền núi; Thực hiện công tác truyền thông, tư vấn về bệnh Thalassemia tại khoa sản của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện.
Với nhiệm vụ về sàng lọc trước sinh, sơ sinh, lãnh đạo ngành dân số tỉnh Bình Định đánh giá điểm đáng mừng là các huyện miền núi đã làm khá tốt. Đồng thời, tại các huyện miền núi, hoạt động quản lý thai, theo dõi thai kỳ cũng được giám sát, quản lý chặt chẽ hơn trước rất nhiều.
Tại huyện vùng cao An Lão, nơi có 3 dân tộc Kinh, Hre và Bana cùng sinh sống, trong đó 40/57 thôn là đồng bào dân tộc thiểu số, nhu cầu sàng lọc trước sinh, sơ sinh tăng lên sau khi triển khai Dự án 7.
Đại diện Khoa Ngoại Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện An Lão, chia sẻ đầu năm 2023, huyện nhận 43 mẫu sàng lọc trước sinh, 48 mẫu sàng lọc sơ sinh. Người dân ở 8 xã thuộc khu vực 3 của huyện đều được thực hiện sàng lọc miễn phí, không chỉ riêng hộ nghèo, cận nghèo như trước. Do vậy, nhu cầu sàng lọc cũng nhiều hơn.
Việc thực hiện sàng lọc trước sinh, sơ sinh miễn phí không chỉ giúp phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn được tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật, mà còn tiếp cận các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số khác.