- Trong nửa đầu năm 2014, thuê bao ĐTDĐ 2G có phát sinh lưu lượng giảm khoảng 5 triệu thuê bao, nhưng thuê bao 3G lại tăng khoảng trên 3 triệu thuê bao.

{keywords}

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông trong dự thảo Báo cáo Sơ kết 6 tháng đầu năm 2014, cả nước hiện có 121,12 triệu thuê bao phát sinh lưu lượng, trong đó thuê bao 3G đã chiếm 20% tổng thuê bao. Do chênh lệch về biến động thuê bao 2G và 3G nên so với đầu năm, tổng số thuê bao di động vẫn giảm khoảng 2,1 triệu. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 6 ước đạt 128.12 triệu thuê bao, nhưng điện thoại cố định chỉ còn chiếm khoảng 5,5%, tương đương với 7 triệu thuê bao.

Nhận định về tốc độ phát triển 3G tại Việt Nam, báo cáo của Bộ TT&TT đánh giá hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet của VN đã tiếp tục được đầu tư, phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, đặc biệt là mạng di động 3G. "Các doanh nghiệp như VinaPhone, MobiFone, Viettel đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư mạng lưới và cung cấp dịch vụ như đã cam kết".

Điều này cho thấy những lo ngại của một số chuyên gia về việc cước truy cập 3G tại 3 nhà mạng tăng đồng loạt vào cuối năm ngoái sẽ khiến tốc độ phát triển 3G chậm lại đã không xảy ra. Nhu cầu sử dụng 3G của người dùng vẫn rất thực tế và ở mức cao, thể hiện ở việc số lượng thuê bao từ thời điểm tăng cước đến nay không những không giảm mà còn tăng thêm. Việc tăng cước 3G tại thời điểm đó được các nhà mạng cũng như cơ quan quản lý giải thích là "rất cần thiết" để bù lỗ cho những khoản đầu tư nặng ký vào hạ tầng dịch vụ, nhất là khi thời gian đầu triển khai, nhà mạng buộc phải đưa ra mức cước thấp dưới giá thành để thu hút người dùng.

Cũng theo báo cáo, Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông sáu tháng đầu năm ước đạt 122.000 tỷ đồng, đạt khoảng 44 % kế hoạch năm 2014. Trong 6 tháng cuối năm, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ sẽ là đẩy nhanh xây dựng các chính sách, văn bản quản lý và phát triển thị trường viễn thông bền vững, quản lý dịch vụ trên mạng Internet di động (OTT); hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuê bao di động trả trước, đầu số tin nhắn, quy hoạch và quản lý kho số viễn thông... Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là việc triển khai đề án Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT và xây dựng kế hoạch cổ phần hóa MobiFone để trình Thủ tướng Chính phủ.

Riêng tại thị trường Hà Nội, số liệu từ Sở TT&TT cho biết tính đến hết quý II/2014, thành phố hiện có 1,3 triệu thuê bao điện thoại cố định và 11,5 triệu thuê bao di động. Số lượng thuê bao Internet khoảng 3,5 triệu, tăng 133% so với năm 2013 và gần 750.000 thuê bao truyền hình cáp, tăng 40% so với năm ngoái. Doanh thu hết quý II của lĩnh vực viễn thông ước đạt 8500 tỷ đồng, tăng 6,25% so với cùng kỳ, lĩnh vực bưu chính ước đạt 500 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ.

Trọng Cầm