Vụ cháy xảy ra vào khoảng 2h sáng ngày 2/10/2019 khiến hơn 400 gian hàng của 200 hộ tiểu thương bị cháy rụi.
Tháng 1/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 169/QĐ-UBND phê duyệt phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ, kinh doanh, khai thác chợ Còng. Đơn vị trúng thầu là Tổng công ty Thương mại và xây dựng Đông Bắc (Công ty Đông Bắc).
Hiện trường vụ cháy chợ Còng tạm ngày 2/10/2019 |
Để thực hiện xây dựng chợ mới, Công ty Đông Bắc đã làm khu chợ tạm để các hộ tiểu thương kinh doanh buôn bán. Chợ tạm mới đưa vào sử dụng đã xảy ra hỏa hoạn.
Theo các tiểu thương, việc để xảy ra hỏa hoạn trách nhiệm thuộc về Công ty Đông Bắc.
Bởi, khi xây dựng chợ tạm, các tiểu thương đã thực hiện nghĩa vụ đóng các khoản phí như PCCC, bảo vệ, vệ sinh môi trường…
Tuy nhiên, khi đi chợ đi vào hoạt động, tiểu thương đã có ý kiến về việc chợ chưa đảm bảo PCCC, lợp mái tôn lụp xụp, thiết bị PCCC không có nước, dây điện chằng chịt, lối đi lại chật hẹp… nguy cơ cháy nổ sẽ rất khó lường, nhưng phía chủ đầu tư phớt lờ.
Tiểu thương khóc lịm sau khi đống tài sản của gia đình bị cháy rụi. |
Chị Lê Thị Hiếu, tiểu thương ở đây cho biết, gần 1 năm qua, 200 hộ tiểu thương đã gửi rất nhiều đơn từ tới cơ quan chức năng yêu cầu Công ty Đông Bắc phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại, nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh.
“Gia đình tôi buôn bán quần áo, cả 2 bố con có 4 quầy bị lửa thiêu rụi hoàn toàn, ước tính thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Ở đây hộ bị thiệt hại ít cũng vài trăm triệu, nhiều lên tới 3 - 4 tỷ đồng”, chị Hiếu cho biết.
Chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường
Đơn kêu cứu của các tiểu thương |
Ông Lê Trương Được, Chủ tịch UBND phường Hải Hòa thừa nhận, đến thời điểm này các tiểu thương bị ảnh hưởng của vụ cháy chợ Còng chưa nhận được tiền đền bù. Người dân đã làm đơn phản ánh tới nhiều cơ quan chức năng, tuy nhiên phải chờ kết luận của cơ quan điều tra thì mới có cơ sở đền bù cho dân.
Trao đổi với VietNamNet, bà Mai Thị Thắm, Phó Tổng giám đốc Công ty Thương mại và xây dựng Đông Bắc cho biết, đến thời điểm này cơ quan cảnh sát điều tra chưa có kết luận vụ việc nên chưa có cơ sở xem ai phải là người bồi thường thiệt hại cho các tiểu thương.
Chị Hiếu cho biết, đã gần 1 năm trôi qua, Công ty Đông Bắc chưa đền bù cho dân |
“Bản thân Công ty Đông Bắc cũng là bị hại. Sau khi xảy ra vụ cháy, phía công ty đã làm đơn tố giác tội phạm (nghi có kẻ đốt chợ), đề nghị công an điều tra, làm rõ đối tượng đốt chợ. Tuy nhiên, đến nay công an chưa có kết luận”, bà Thắm nói.
Theo luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân (Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc chợ Còng tạm bị cháy ngày 2/10/2019, cần phải xem xét bồi thường, hỗ trợ cho tiểu thương.
Các tiểu thương đang mòn mỏi chờ đền bù sau vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản |
Vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho các hộ dân, cần phải được cơ quan điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân khách quan hay chủ quan, lỗi cố ý hay vô ý để xử lý hình sự hoặc hành chính.
“Việc xây dựng chợ tạm để Công ty Đông Bắc tiến hành đầu tư xây dựng chợ chính là do yêu cầu của Công ty Đông Bắc, được sự chấp thuận của chính quyền. Đồng thời, phía công ty thu tiền của tiểu thương về công tác bảo vệ, vệ sinh, PCCC… Căn cứ khoản 3 điều 3 Luật Phòng cháy, chữa cháy thì Công ty Đông Bắc phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các hộ dân kinh doanh do vụ cháy gây ra.
Nếu điều tra có căn cứ xử lý hình sự thì người phạm tội có trách nhiệm bồi thường lại cho Công ty Đông Bắc”, luật sư Triển nhìn nhận.
Lê Dương
"Bạn đọc có khúc mắc, bày tỏ quan điểm hay cần truyền thông tham gia giải quyết các vấn đề cá nhân, cộng đồng...hãy liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ email banxahoi@vietnamnet.vn . Mọi thắc mắc, kiến nghị, đề xuất đều được xem xét hỗ trợ trong thời gian sớm nhất. Trân trọng!" |
Cháy chợ ở Thanh Hóa, nữ tiểu thương ngã quỵ bên 5 ki-ốt hóa than
Hàng trăm tiểu thương ở chợ Tĩnh Gia (Thanh Hóa) khóc cạn nước mắt nhìn khối tài sản của mình mất trắng trong chớp mắt, khi ngọn lửa bao trùm.