Bà T. vừa tranh thủ cúi xuống lấy vội khay cơm ăn trưa, 2 con khỉ đã sà xuống gian hàng giật nhanh bịch bim bim rồi trèo tót lên cây.
Đây không chỉ là tình trạng của riêng bà T. mà nhiều người bán hàng tại khu du lịch Đầm Long (Ba Vì- Hà Nội) cho biết cũng không ít lần bị khỉ “chôm” đồ. “Khỉ ở đây khôn lắm, cứ rời mắt là chúng sà xuống lấy đồ, từ quả trứng luộc, gói bim bim,…thậm chí là đôi dép nhựa cho khách thuê nó cũng chôm", một người bán hàng nói.
Gian hàng bán đồ ăn vặt, nước giải khát của bà T. nằm gần cửa rừng số 7 của khu du lịch, người đi lại không nhiều nên khỉ sà xuống đông hơn. Được biết, trước kia Đầm Long chỉ có 2-3 cặp khỉ, nhưng chúng nhát người nên chẳng bao giờ xuống đường hay sà vào hàng quán. Người dân săn bắt nhiều, hiếm lắm mới thấy 1-2 con xuống đường, nhưng hễ nhìn thấy bóng người là chạy sâu vào rừng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, khi công ty cải tạo bảo vệ thú rừng, mở rộng thành khu du lịch, họ đưa thêm vài cặp khỉ đến, chúng sinh sản chóng mặt. Hiện tại đàn khỉ lên đến gần 2.000 con.
Khỉ tại Đầm Long rất bạo người và ham ăn. |
Cũng theo bà T., đàn khỉ sống với số lượng lớn, tiếp xúc khách thập phương hàng ngày, nguồn ăn lại không phong phú nên chúng rất bạo người, đặc biệt thích đồ ăn của trẻ con như bánh quy, bim bim, bỏng ngô hay nước ngọt.
Bán hàng tại khu du lịch gần 10 năm nay, bà T. chia sẻ chẳng mấy ngày là không bị khỉ giật đồ. Để tránh khỉ "chôm" đồ, bà T. thường hạn chế bày đồ ăn trên quầy, chỉ khi khách gọi mới mang ra. "Bọn khỉ nhanh mà tham lắm, lơ là một chút là nó lấy ngay, chỉ trong giây lát, đuổi theo cũng không kịp".
Từng bị khỉ “cướp” 5 quả trứng, 2 đôi dép trong vài phút, chị H. bán nước giải khát ở quầy kế bên cho biết: “Khỉ ở đây đặc biệt không lấy nước lọc. Món chúng nghiền ăn nhất là bim bim và trứng luộc. Ngoài ra những đồ không ăn được như dép, mũ… chúng cũng lấy chơi, đến khi nào chán mới chịu buông ra”.
Chị H. kể, có lần đàn khỉ còn sà xuống tha 2 đôi dép rồi trèo lên cành cây, chị phải vào rừng dụ mất 2 gói bim bim để chúng thả ra, nhưng tìm mãi cũng chỉ thấy 3 chiếc dép với nhiều vết cào xước.
"Vũ khí" đuổi khỉ tại các quầy hàng ở đây là súng cao su |
Theo bà T., mỗi lần khỉ sà xuống, người bán chạy lại xua hay cầm que huơ huơ đuổi, chúng chỉ lăng quang lùi lại phía sau rồi lại mon men tới. Chỉ khi thấy người giơ nỏ cao su chuẩn bị bắn là chúng mới sợ chạy vào rừng. Vì thế, hầu hết trong những hàng bán đồ tại đây đều có sẵn 1-2 cái súng cao su và một hộp sỏi, sẵn sàng bắn doạ khi chúng lại gần.
Không chỉ chứng kiến cảnh khỉ giật đồ tại quầy hàng mà nhiều khách du lịch cũng dở khóc dở cười khi đến đây chơi. Chị Đỗ Triệu Bích, một lần đến tham quan tại khu du lịch Đầm Long chia sẻ, khi thấy khỉ ở đây bạo người nên 2 cô cháu lại gần cho chúng ăn. Ai ngờ, chưa kịp giơ miếng bim bim ra thì chúng đã giật mất 2 gói sau đó chạy ra xa.
“Mình thì buồn cười mà đứa cháu nhỏ khóc ầm lên, giỗ mãi không chịu nín”, chị chia sẻ.
Từng là nạn nhân của những con khỉ “ranh mãnh” tại đây, anh Dũng cho biết, có lần dẫn con đi chơi, 2 cha con vừa cho khỉ ăn bánh mì thì thoắt một cái chúng đã vội giật chiếc iphone trong tay con rồi leo tót lên cành cây nghịch. Anh Dũng dỗ mãi bằng gói bánh nó mới chịu thả xuống. Kết quả là chiếc điện thoại của anh Dũng bị trầy xước nặng nề.
Rút kinh nghiệm cho những người đi chơi sau, anh Dũng chia sẻ: “Khỉ là loài vật thông minh, lại dễ bắt chước người, do đó khách tới chơi đừng đem những đồ giá trị ra trước mặt chúng, và cũng nên cảnh giác với những con khỉ như những tên trộm vậy!”.
(Theo Zing)