- Từ vụ WikiLeaks công bố hàng loạt điện tín mật của ngoại giao Mỹ, người đứng đầu đảng Bảo thủ của Anh nhậm chức Thủ tướng, tới nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên hay làn gió kêu gọi cải tổ chính trị Trung Quốc … Tất cả làm nên dấu ấn của 2010 - một năm của những thay đổi lớn.

Nhìn lại Trung Quốc 2010

Mỹ lao đao vì điện tín, đảng Dân chủ thất thế

Làn sóng thông tin mật được tiết lộ, khiến các nhà lãnh đạo thế giới nổi cơn thịnh nộ và cái tên WikiLeaks nóng hơn bao giờ hết. Một lượng thông tin mật của chính phủ Mỹ lớn nhất từ trước tới nay đã được đưa lên các trang web của những tờ báo lớn tại Mỹ và châu Âu, cung cấp cho độc giả những chi tiết chưa từng có về Iran, Afghanistan, Nga…

Mỹ lúng túng đối phó, tìm mọi cách cáo buộc Julian Assange - nhà sáng lập ra trang web dám “phơi bày sự thật”. Ngoại trưởng Mỹ lên án mạnh mẽ và tuyên bố “tất cả các nước, gồm cả Mỹ, đều phải có những cuộc đối thoại riêng tư, trung thực với những quốc gia khác”. Dù bị tấn công ráo riết cả về mặt công nghệ, tài chính, chính trị, nhưng trang web vẫn tiếp tục công bố thêm nhiều bức điện tín mật và được sự ủng hộ mạnh mẽ của báo chí, người dân các nước, những nhà hoạt động xã hội vì mục tiêu “tự do thông tin”.

Ảnh: blogspot

Trong cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra đầu tháng 11 tại Mỹ, Đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát ở Hạ viện, giành thêm ít nhất 6 ghế ở Thượng viện, đồng thời chiến thắng áp đảo ở cuộc bầu cử thống đốc các bang. Không hài lòng với nền kinh tế Mỹ, bất bình với cách điều hành đất nước của đảng Dân chủ, đảng của Tổng thống đương nhiệm Obama, cử tri Mỹ đã đưa đảng Cộng hòa quay lại nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức: tỉ lệ thất ghiệp cao (9,6%), thu hồi nhà đất thế nợ ở con số kỷ lục, mức tăng trưởng đáng thất vọng và người dân không còn đủ kiên nhẫn khi cho rằng kinh tế tăng trưởng quá chậm.

Cuba: Tạo điều kiện cho tư nhân phát triển

Cuba ngày 13/9 đã công bố hàng loạt biện pháp cải cách như cắt giảm ít nhất nửa triệu việc làm trong lĩnh vực công vào đầu năm tới, giảm bớt các hạn chế với doanh nghiệp tư nhân để tạo ra các việc làm mới. Theo giới phân tích, đây là bước đi mạnh mẽ nhất của Chủ tịch Raul Castro trong nỗ lực cải cách triệt để lực lượng lao động ở quốc đảo này.

Theo Larry Birns, giám đốc Hội đồng Các vấn đề bán cầu có trụ sở tại Washington, tuyên bố mà chính phủ Cuba đưa ra có tiềm năng trở thành “cú hích” rất lớn. "Cuba đang nhanh chóng trở nên giống các nước khác”, ông nói. “Không có sự lui lại, những thay đổi lớn đang diễn ra”.

Trong tháng 8, ông Castro cảnh báo sẽ tiến hành tinh giản biên chế và mở rộng doanh nghiệp tư nhân, tăng cường cơ hội để người Cuba có thể tự kinh doanh. Ông khẳng định tìm kiếm cải cách hệ thống trả lương để công nhân có trách nhiệm với sản xuất.

Châu Âu trong cơn khủng hoảng nợ công

Cơn bão nợ của Hy Lạp lan rộng ra khắp châu Âu. Pháp, Đức, Anh đặt trong báo động nợ, hai nước trên bờ khủng hoảng là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ý và Ireland nghiêng ngả… Hàng loạt nền kinh tế châu lục đưa ra khẩu hiệu “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm mạnh chi tiêu công.

Những cuộc biểu tình, đình công bùng nổ phản đối chính sách tiết kiệm của chính phủ. Bất ổn kinh tế đã trở thành bất ổn chính trị. Các nước châu Âu lún sâu vào nợ nần lại càng thêm chất chồng khó khăn, vì những tổn thất hàng triệu USD từ biểu tình, đình công, bãi công của người lao động.

Anh: Công đảng chấm dứt cầm quyền

Lãnh đạo của đảng Bảo thủ là David Cameron đã thay thế ông Gordon Brown làm Thủ tướng Anh nhiệm kỳ mới ở tuổi 43. Ông trở thành Thủ tướng trẻ nhất của nước Anh trong hơn 200 năm qua.

Ngoài ra, ông cũng trở thành lãnh đạo đầu tiên của đảng Bảo thủ nắm giữ chức Thủ tướng từ 13 năm nay, chấm dứt sự trị vì hơn một thập kỷ qua của Công đảng.

Có vẻ như nước Anh đã chọn được người họ mong muốn: trẻ trung, danh giá, nhiều triển vọng. Cameron từ nhỏ học tại một trong những trường tư truyền thống nhất ở Anh. Ông vào Đại học danh tiếng Oxford và năm 1988, tốt nghiệp ngành triết học, chính trị và kinh tế với thành tích cao nhất.

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Cameron tuyên bố: “Chúng tôi gạt qua một bên những bất đồng về đảng phái để giải quyết các thách thức vì mục đích và lợi ích chung là xây dựng đất nước vững mạnh”.

Australia có nữ Thủ tướng đầu tiên

Julia Gillard đã trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Australia sau khi ông Kevin Rudd rút lui khỏi vị trí lãnh đạo Công đảng.

Julia Gillard sẽ lãnh đạo chính phủ tới khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra. Bà giành được sự đồng thuận cao trong cuộc bỏ phiếu tại cuộc họp gồm 112 nghị sĩ Công đảng hôm 24/6. Bà Gillard sinh ra ở Barry, Wales, năm 1961, là con gái thứ hai trong một gia đình di cư tới Adelaide, Australia. Bà là một luật sư thành công.

Người ủng hộ bà - thượng nghị sĩ Kate Lundy - cho biết. "Tôi nghĩ bà ấy sẽ truyền cảm hứng cho sự tin tưởng mới trong Công đảng. Tôi cho rằng, chúng tôi có nguy cơ thất thế trong cuộc bầu cử tới và sự hiện diện của bà Julia sẽ tạo cơ hội mạnh mẽ hơn với chúng tôi".

Thái Lan còn đâu đất nước của nụ cười

Bắt đầu từ trung tuần tháng 3, hàng nghìn người biểu tình Áo đỏ ở Thái Lan đã bắt đầu cuộc biểu tình lớn nhất đòi giải tán Quốc hội và bầu cử sớm, quyên góp máu của người biểu tình, ném vào trụ sở chính phủ và nhà riêng của Thủ tướng Abhisit.

Sau khi phe Áo đỏ chiếm đóng khu trung tâm thương mại ở Bangkok, chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô.

Tình trạng tê liệt liên tục của Bangkok lên đến mức không thể chấp nhận đối với chính phủ, buộc họ phải dùng bạo lực. Những cuộc đụng độ trên đường phố diễn ra giữa các lực lượng chính phủ và người biểu tình, một số có trang bị súng ngắn, thậm chí là thiết bị phóng tên lửa thô sơ tự chế. Đụng độ đã làm 91 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương.

Đất nước của những nụ cười chào mời đón khách du lịch quốc tế trở thành đất nước của biểu tình, bạo lực và bất an. Chính phủ Thái Lan đang bắt tay vào thực hiện một kế hoạch hòa giải dân tộc, nhưng chính họ cũng phải thừa nhận rằng quá trình hòa giải sẽ không hề dễ dàng.

Làn gió cải cách chính trị thổi tới Trung Quốc

Lời kêu gọi của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về cải tổ chính trị được coi là “làn gió mới” thổi tới chính trường nước này. Trong một cuộc phỏng vấn trên CNN, ông khẳng định: "Mong mỏi của mọi người, sự cần thiết cho mọi người, dân chủ và tự do là không thể cưỡng lại được. Những ai đi cùng xu thế này sẽ thịnh vượng, những ai đi ngược lại sẽ thất bại".

Trước đó, vào tháng 8, phát biểu nhân kỷ niệm 30 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến, ông nhấn mạnh: "Không tiến hành tái cơ cấu chính trị, Trung Quốc có thể mất những gì đã đạt được trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và các mục tiêu hiện đại hóa cũng có thể không thành công".

Sau nhiều sự kiện, một cuộc tranh luận về cải cách chính trị đã nổ ra ở Trung Quốc. Một số tờ báo trong nước gồm cả Tin tức Bắc Kinh, Bưu điện Buổi sáng Phương Đông của Thượng Hải - đưa ra những tin bài bàn luận sôi nổi về cải cách chính trị.

Bán đảo Triều Tiên bên bờ vực chiến tranh

Theo đánh giá của giới phân tích, nhìn vào mức độ chung, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên năm nay đã ở mức độ cao hơn hẳn, đặt ra yêu cầu cấp bách tìm giải pháp ngăn chặn để đụng độ không trở thành một cuộc xung đột đẫm máu.

Quan hệ hai miền Triều Tiên được hy vọng sẽ tốt đẹp khi năm 2010 bắt đầu. Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã làm dịu đi quan điểm cứng rắn của mình, khi tuyên bố sẵn sàng cho nỗ lực đối thoại hai bên. Về phần mình, Bình Nhưỡng cũng tái khẳng định cam kết một bán đảo phi hạt nhân.

Tuy nhiên, những cam kết ấy có sức sống quá ngắn ngủi. Ngày 26/3, tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị chìm ở khu vực biển phía tây bán đảo Triều Tiên, 46 thủy thủ thiệt mạng. Một tổ điều tra quốc tế do Seoul dẫn đầu đưa ra kết luận ngư lôi Triều Tiên là thủ phạm làm tàu chìm. Bình Nhưỡng phủ nhận mạnh mẽ cáo buộc này.

Đáp trả vụ chìm tàu, Hàn Quốc và Mỹ áp dụng hàng loạt biện pháp chống lại Triều Tiên, điển hình là những cuộc tập trận quân sự phô trương sức mạnh, để ngăn chặn “hành động gây hấn” từ phía Bình Nhưỡng. Căng thẳng chưa được xoa dịu thì ngày 23/11, trong khi quân đội Seoul diễn tập ở gần biên giới biển tranh chấp, Triều Tiên đã nã pháo vào hòn đảo biên giới Yeonpyeong làm 4 người thiệt mạng, lực lượng Hàn Quốc sau đó đã bắn trả.

Sau hơn một thập niên, quan hệ hai miền được đánh giá là ở mức tồi tệ nhất. Hàn Quốc thay thế hàng loạt quan chức quân sự cao cấp bằng các nhân vật cứng rắn hơn; tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật chưa từng có ngay gần biên giới, cùng hàng loạt cuộc tập trận không quân, hải quân khác. Tổng thống Lee tuyên bố “đáp trả không nao núng” bất kỳ hành động gây hấn nào từ Triều Tiên. Còn Bình Nhưỡng cho hay không ngại ngần tiến hành “cuộc chiến tranh thần thánh” sử dụng hạt nhân nếu bị Seoul tấn công.

Hơn bao giờ hết, hòa bình trở nên mong manh trên bán đảo cho dù người dân cả hai miền vẫn luôn nguyện cầu chiến tranh sẽ không xảy ra.

  • Thái An