Thiệt hại của thế giới lớn gấp 8 lần thu nhập của tội phạm mạng...
Trong số 12,5 tỷ USD, giới hacker nói tiếng Anh chiếm 40% “thị phần”. Tội phạm mạng nói tiếng Nga “kiếm” 4,5 tỷ USD, chiếm 36%. Còn giới hacker nói tiếng Trung chiếm 18%. Đó là những số liệu do Công ty Group IB (Nga) đưa ra trong một nghiên cứu về thị trường của các tội phạm máy tính.
Bogdan Vovchenko, đại diện Group IB cho biết đã thu thập thông tin từ các tin báo cảnh sát của những nạn nhân tội phạm mạng ở Nga cũng như nhiều nước khác. Các nguồn tin khác lấy từ việc giám sát các mạng máy tính ma (botnet) – nếu truy cập được vào máy chủ điều khiển botnet thì sẽ biết tổng số tiền mà tội phạm mạng trộm được từ các thẻ tín dụng của người khác. Số liệu trung bình ở các nước khác được Group IB thu gom từ 54 công ty trên khắp thế giới. Trên cơ sở tất cả các dữ liệu này, Group IB đánh giá thu nhập của tội phạm theo một công thức tính toán đặc biệt.
Giám đốc phụ trách an toàn thông tin của Microsoft ở Nga nhận xét các số liệu của Group IB là có thể tin được, còn chuyên gia cao cấp của Kaspersky Lab Alexander Gostev cho rằng, không có phương pháp duy nhất nào cho việc tính toán các khoản thu của tội phạm mạng.
Theo Group IB, trong năm ngoái, có xu hướng rõ nét là tội phạm mạng đã tham gia vào các nhóm tội phạm truyền thống. Bản nghiên cứu của Group IB viết: “Phạm tội thông qua máy tính không còn thuần túy là “việc” của những chuyên gia kỹ thuật, vì đòi hỏi quan trọng nhất không phải là kiến thức chuyên ngành mà là vốn đầu tư”.
Theo các số liệu của Kaspersky Lab, tổn thất của các doanh nghiệp từ các phần mềm máy tính độc hại trong năm 2011 trên toàn thế giới là vào khoảng 100 tỷ USD. Đó là đánh giá những thiệt hại trực tiếp của các công ty, chưa tính tới chuyện mất cắp tiền từ tài khoản ngân hàng, tổn thất do spam… Kết luận là, thiệt hại thực tế do tội phạm mạng gây ra cho thế giới ít nhất cũng gấp 8 lần so với “thu nhập” của chúng.
(Theo PC World VN)