2017 được coi là năm thành công bất ngờ của ngành lúa gạo Việt Nam, với việc xuất hiện một số thị trường xuất khẩu mới; giá gạo xuất khẩu tăng; tăng nhập khẩu gạo ở nhiều thị trường truyền thống. Sản lượng dự kiến đạt khoảng 6 triệu tấn, vượt xa mục tiêu 5 triệu tấn.
Theo Bộ Công Thương, tính tới hết tháng 11, xuất khẩu (XK) gạo đã đạt 5,52 triệu tấn với trị giá 2,49 tỷ USD, tăng hơn 24% về lượng và 24,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, XK gạo tính đến cuối tháng 11 đã cao hơn 500 nghìn tấn so với mục tiêu XK 5 triệu tấn gạo trong năm 2017. Đáng chú ý, về giá cả, XK gạo cũng đón nhận những tín hiệu tích cực khi trung bình 11 tháng đầu năm, giá gạo XK đạt 452 USD/tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở góc độ thị trường, cập nhật mới nhất đến hết 10 tháng đầu năm, gạo Việt đã được XK tới 132 thị trường trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc chiếm 40% tổng khối lượng gạo XK của Việt Nam với khối lượng đạt 2,03 triệu tấn, tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, lượng gạo XK sang nhiều thị trường khác như Philippines, Malaysia, Bờ Biển Ngà cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước với các mức tăng lần lượt là 41,3%, 97,3%, 39,7%. Đặc biệt, một số thị trường có sự tăng trưởng đột biến như: Iraq tăng hơn 9.000%, Hàn Quốc tăng hơn 470%, Ả rập Xê út tăng hơn 210%, Senegal tăng hơn 17.700% Bên cạnh sự gia tăng NK đột biến kể trên, XK gạo tới một số thị trường như Ghana, Cuba, Hồng Kông, Đông Timor lại ghi nhận sụt giảm với các mức giảm lần lượt là 23,9%, 15,8%, 45,2% và 46,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Bộ Công Thương dự báo, trong tháng cuối cùng của năm, XK gạo sẽ đạt khoảng 400 - 450 nghìn tấn, đưa tổng khối lượng gạo XK cả năm lên mức 5,9 6 triệu tấn gạo, tăng 1,1 1,2 triệu tấn gạo so với năm 2016 và vượt xa mục tiêu XK 5 triệu tấn gạo đặt ra từ đầu năm.
Dù vậy, thực tế gạo Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế; nhiều về lượng nhưng chủ yếu ở phân khúc chất lượng thấp và trung bình. Để khắc phục vấn đề này, tạo sự phát triển vững bền cho ngành lúa gạo, Bộ NN&PTTN đang tổ chức lấy ý kiến, hoàn thiện Dự thảo Quy chế quản lý nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam (Vietnam Rice).
Theo dự thảo này, các loại gạo mang nhãn hiệu chứng nhận phải là gạo trắng, gạo thơm trắng và gạo nếp trắng được trồng tại các vùng được Nhà nước quy hoạch và đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo quy định. Cùng với đó, để sản phẩm gạo được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia, gạo trong nước phải áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương khác nhằm đảm bảo sản phẩm gạo có đặc tính và chất lượng ổn định, đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng theo quy định và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Q.Hiếu - Thu Trà