Việt Nam đang đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới, năm 2016 xuất khẩu thu về hơn 3 tỷ USD. Với tiềm năng to lớn, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo ngành nông nghiệp tới năm 2025, thậm chí sớm hơn thời điểm này, con tôm “xuất ngoại” phải mang về cho đất nước 10 tỷ USD.
Tại Hội nghị ngành tôm Việt Nam, diễn ra ngày 6/2 tại Cà Mau, đại diện Bộ NN-PTNT cho hay, với sản lượng từ 600.000-650.000 tấn/năm, Việt Nam đang đứng sau Trung Quốc và Indonesia về sản xuất tôm, song dẫn đầu về sản xuất tôm sú với sản lượng 300.000 tấn/năm, luôn nằm trong 5 nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới.
Chúng ta cũng là nhà cung cấp tôm lớn thứ nhất cho Nhật Bản, thứ 3 cho Hoa Kỳ, và thứ 4 cho EU.
Nhờ sự hồi phục về giá (năm 2015 giá tôm giảm 15-20%), xuất khẩu tôm Việt Nam năm qua thắng lớn khi đạt 3,13 tỷ USD, tăng 7% so với năm trước đó và tăng đều tại các thị trường trọng điểm, bất chấp cả việc tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khoảng trên 188.000 ha do hạn, mặn khốc liệt tại các tỉnh ĐBSCL.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị về phát triển ngành tôm (ảnh VGP) |
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tốt nhất với 24,3%. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng lần lượt là 7,9%, 9,4%, 2,7% và 13,6%.
Tuy nhiên, để thành công hơn nữa, con tôm Việt Nam vẫn phải vượt qua nhiều “cửa ải”. Đầu tiên là về thị trường. Tại thị trường Hoa Kỳ, tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Năm qua, Việt Nam đã mất vị trí thứ 2 về vị trí xuất khẩu vào thị trường này. Chưa kể, giá tôm Việt Nam còn cao hơn 1-1,2 USD/kg nên khó cạnh tranh với các đối thủ. Gần đây, Hoa Kỳ lại giảm mức thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ ở mức 2,2% (so với mức trước đó là 4,98%).
Thị trường EU lớn thứ 2, có sức mua tốt và ổn định, song, lại đòi hỏi ngặt nghèo về chất lượng nên sản phẩm của Việt Nam thường bị cảnh báo về mức dư lượng kháng sinh, kim loại nặng vượt giới hạn tối đa cho phép (trong năm 2016, số vụ cảnh báo tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ).
Với các thị trường khác như Nhật Bản, Trung Quốc, con tôm Việt Nam gặp thuận lợn và tăng trưởng tốt hơn, nhưng vẫn vướng các vấn đề liên quan đến chất lượng và độ rủi ro.
Cùng với nỗi lo về thời tiết, sản xuất giống, dịch bệnh,... chưa giải quyết triệt để nên trong kế hoạch, Bộ NN-PTNT chỉ đề ra mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 4,5 tỷ USD và năm 2030 là 10 tỷ USD.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đề ra cho ngành tôm đạt 10 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2030 là quá thấp. “Tại sao không đạt 10 tỷ USD sớm hơn”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Bởi, riêng Cà Mau đến năm 2021 đã có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD, còn lại 27 tỉnh có biển và rất nhiều doanh nghiệp lớn thì phải đạt mục tiêu 10 tỷ USD sớm hơn.
“Tôi đặt vấn đề phải trước năm 2025 hoặc đến năm 2025 phải đạt 10 tỷ USD xuất khẩu tôm, trở thành ngành chủ lực trong nông nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng thảo luận về các giải pháp phát triển ngành tôm để đạt mục tiêu 10 tỷ USD sớm hơn, cụ thể như về giống, thức ăn, quy trình, kỹ thuật canh tác, chế biến, thương hiệu,... Từ đó, mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ các cơ chế, chính sách để phát triển con tôm của Việt Nam.
Ngọc Hà