- Hàng chục đứa trẻ buộc phải làm việc ngày đêm, từ 15-16 tiếng, bị hạn chế ra ngoài. Đã có những em không chịu nổi cực khổ phải bỏ trốn.

Liên quan đến vụ “giải cứu 20 trẻ em lao động ở cơ sở may” như VietNamNet đã thông tin, ngày 13/11, lãnh đạo cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an cho hay: bước đầu 2 ông Nguyễn Văn T (SN 1976, ngụ tỉnh Thái Bình) và Hoàng Văn V (SN 1959, ngụ tỉnh Bắc Giang) – là 2 chủ cơ sở may ở hẻm số 91 đường Trần Tấn, KP.7, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM - đã thừa nhận hành vi vi phạm Bộ luật lao động, sử dụng lao động chưa đủ tuổi vị thành niên tại các cơ sở may của mình.


21 lao động trẻ em gồm 9 nam, 12 nữ sẽ được đưa về quê đoạn tụ gia đình vào chiều 14/11

Sau khi giải cứu 21 lao động trẻ em (không phải 20 như thông tin ban đầu – P.V) gồm 9 nam và 12 nữ, các em đã khai báo chi tiết về công việc và khoảng thời gian sống tại 2 cơ sở may của ông T và ông V.

Được biết, 21 trẻ em, vị thành niên, tuổi từ 12 – 16 đều là người dân tộc, quê ở huyện Mường Áng, tỉnh Điện Biên, người làm lâu nhất tại 2 cơ sở may là hơn 2 năm, người mới cũng gần 4 tháng.

Theo tường trình của các em, tại 2 cơ sở may, các em phải làm việc từ 7h sáng đến tận 1 – 2h rạng sáng hôm sau. Trừ những khoảng thời gian nghỉ ngơi, ăn uống hiếm hơi; trung bình mỗi ngày các em phải làm từ 15 – 16 tiếng.

Làm việc ngày đêm như thế nhưng các em được trả mức lương rẻ bèo, 700 – 800 nghìn đồng/tháng/em. Điều oái oăm là tiền lương của các em bị các ông chủ giữ lại, chỉ 1- 2 năm mới trả 1 lần hoặc khi các em có nhu cầu về quê.

Không chỉ thế, một số em còn bị chủ cơ sở may mắng chửi thậm tệ, thường xuyên. Một số em kể, có lần chứng kiến chủ cơ sở dùng ghế nhựa đánh vào lưng 1 em bị thương tích nhẹ.

Lò Thị H (SN 1995, là người dân tộc) cho biết, em đã làm ở đây 2 năm nhưng chỉ được chủ cơ sở cho ra ngoài chơi 2 – 3 lần, Tết thì nhiều em không được về quê; nếu ra ngoài thì các em bị cấm, hạn chế trò chuyện với người lạ.

“Có một vài lần, bố mẹ gọi vào hỏi thăm, nhưng ông chủ không cho nghe điện thoại; nếu được nghe thì ông chủ dặn trước không được kể về cuộc sống, công việc ở xưởng may” 

Những cuộc bỏ trốn và chi tiết cuộc giải cứu

Ngoài Lò Thị H còn có người em ruột là Lò Văn H (SN 1996), 3 đứa trẻ khác cũng có quan hệ họ hàng con cô cậu, chú bác gần với chị em Lò Thị H.

Cách đây hơn 2 năm, 5 chị em Lò Thị H bị người đàn chị Lò Thị K (đã làm ở cơ sở may nhiều năm) về quê dụ dỗ vào TP.HCM làm may với mức lương 16 triệu đồng/năm.

Tin thật, 5 chị em Lò Thị H xin gia đình theo K vào TP.HCM. Nhưng khi vào đến nơi, sự thật lại hoàn toàn khác. Khi đó 5 chị em đổi ý nhưng không có tiền về quê, kêu cứu về gia đình, nhưng cả nhà không có điều kiện giúp đỡ. 2 năm qua, 5 chị em đã phải làm việc cực khổ trong điều kiện thiếu thốn, ăn uống kham khổ…


Cơ sở may sử dụng lao động trẻ em xảy ra tại khu phố văn hóa mà nhiều năm nay chính quyền địa phương không hay biết?

Ấy vậy mà sau 2 năm, mẹ của Lò Thị H chỉ nhận được 17 triệu đồng tiền lương của con gái. Còn tiền công của cậu em trai và 3 người bà con thì gia đình không hề nhận được đồng nào.

Ngoài chiêu thức “người làm trước dụ dỗ người làm” sau như trường hợp 5 chị em Lò Thì H, đa số các em bị chính người của cơ sở may ra tận Điện Biên chiêu dụ.

Cụ thể người của cơ sở may là ông T, ông V tiếp xúc với bố mẹ các em, ứng trước cho họ 1 – 3 triệu đồng/trường hợp để giao con em vào TP.HCM, làm việc.

Có trường hợp em Lò Thị L (SN 2000) kể: “Con vào làm được gần 4 tháng, hàng ngày sau giờ làm không được ra ngoài, không được tiếp xúc với ai. Ông chủ có dặn, nếu ai có hỏi thì phải nói là con sinh năm 1995”.

Theo nhiều em kể lại, trong khoảng 2 năm, đã có 3 đứa trẻ bỏ trốn thành công. Trường hợp em Lò Văn H như trên, do không cam chịu khổ cực nên mới đây em đã bàn bạc với 4 em khác định bỏ trốn. Tuy nhiên kế hoạch của Lò Văn H và nhóm bạn chưa kịp thực hiện thì may mắn được giải cứu.

Theo dự kiến 15h chiều 14/11, 21 đứa trẻ sẽ được cơ quan chức năng di chuyển ra Hà Nội và được đưa về quê đoàn tụ với gia đình.

• Đàm Đệ