Từ nay đến 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí hơn 2.160 tỷ đồng.

Với việc đầu tư này, Lâm Đồng nhắm tới mục tiêu đưa tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,7%, tỷ lệ tái hộ nghèo, tái cận nghèo còn dưới 10%; riêng huyện Đam Rông thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Những năm qua, Lâm Đồng là một trong những tỉnh khẳng định được tính bền vững trong công cuộc giảm nghèo. Trong giai đoạn 2011 - 2015, bình quân mỗi năm toàn tỉnh giảm 5.868 hộ nghèo, tương đương với tỉ lệ giảm 2,17%/năm.

Theo kết quả điều tra rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, đầu năm 2016, Lâm Đồng có hơn 20 ngàn hộ nghèo (6,67%). Dựa trên chuẩn nghèo đa chiều thì hộ nghèo ở Lâm Đồng vẫn còn nhiều thiếu hụt trong việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Hiện có gần 8 ngàn hộ có nhà ở thiếu kiên cố (chiếm 39,36% hộ nghèo) và hơn 8 ngàn hộ khác nhà cửa chật hẹp (chiếm 41,26%) cần được làm mới, sửa chữa, xây dựng thêm. Nhà vệ sinh ít được hộ nghèo quan tâm nhất khi có đến hơn 10.292 hộ (chiếm 51,22% hộ nghèo) chưa có hoặc tạm bợ. Tình trạng bỏ học và ốm đau không đi khám, chữa bệnh của trẻ em tuy chiếm tỉ lệ thấp hơn nhưng là biểu hiện đáng lo ngại về tình trạng nghèo “lâu dài” trong một bộ phận dân cư của địa phương…

Sau nhiều nỗ lực, đến đầu năm 2017, theo chuẩn nghèo đa chiều, toàn tỉnh còn 15.908 hộ nghèo, chiếm 5,19%, so với đầu năm 2016, thì số xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 7% (chuẩn nông thôn mới) tăng 20 xã, xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 15% giảm 9 xã.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững, từ đầu năm 2017 đến nay tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư trên 70,4 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội cho các xã nghèo, thôn nghèo và hộ hộ nghèo.

Trong đó, đầu tư theo Chương trình 30a trên 40 tỷ đồng, Chương trình 135 gần 35 tỷ đồng. Ngoài huyện nghèo Đam Rông, được thủ hưởng những chính sách ưu đãi về chương giảm nghèo nhanh và bền vững, tại các huyện, các xã vùng xa, vùng khó khăn nguồn vốn đã có tác động tích cực trong sản xuất và cuộc sống người dân; các vấn đề điện chiếu sáng, nước sạch sinh hoạt, hệ thống đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, dạy nghề được đảm bảo…

Bên cạnh những giải pháp đã được thực hiện hiệu quả, Lâm Đồng tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm giúp bà con thoát nghèo bền vững.

Cụ thể như: hỗ trợ hộ vừa thoát nghèo, đồng bào dân tộc thông qua ưu tiên dạy nghề, giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước, hỗ trợ đất sản xuất, cho vốn vay ưu đãi,… Lồng ghép Chương trình xây dựng nông thôn mới với Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình 135 giai đoạn III. Đặc biệt, không huy động đóng góp của gia đình nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mà đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tạo điều kiện cho các hộ thoát nghèo bền vững.      

D.Minh - Bích Thủy