Với hầu hết công ty, 2020 là một năm đầy biến động. Ngược lại, đối với những ông trùm lĩnh vực công nghệ, bức tranh kinh doanh trong năm 2020 thậm chí xuất hiện nhiều triển vọng hơn. Theo giới đầu tư chứng khoán, ngành công nghệ tại Mỹ là một trong những lĩnh vực giành thắng lợi lớn trong năm. Nhờ đó, giá thầu của các công ty lĩnh vực này đã tăng tới 42%.
Tuy nhiên, sự thành công của các Big Tech đang gây ra nhiều phản ứng dữ dội trên toàn cầu. Không nằm ngoài khả năng, các công ty công nghệ sẽ phải đón nhận làn sóng chỉ trích từ giới phê bình, cơ quan quản lý, các đối thủ cạnh tranh, chính trị gia hay từ chính đội ngũ nhân viên, nhằm tìm kế hoạch kiềm chế quyền lực quá mức.
Bước sang năm mới 2021, các Big Tech sẽ phải đối mặt với 3 câu hỏi quan trọng.
Liệu nhà đầu tư có còn mặn nồng với công nghệ?
Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, ngay cả khi vaccine Covid-19 khống chế thành công đại dịch, thế giới sẽ vẫn tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ ngoại tuyến sang trực tuyến. Rõ ràng, các công ty công nghệ đang là những đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng này.
Sự thành công của Big Tech thu hút nhiều nhà đầu tư toàn cầu. Ảnh: Ryan Olbrysh. |
Theo Financial Times, giống sự sụp đổ của bong bóng dot.com vào năm 2000, giá cổ phiếu của các công ty công nghệ cũng tăng vọt lên trong năm 2020. Với số tiền khoảng 640 tỷ USD, giá trị của Tesla hiện tương đương 6 công ty ôtô cộng lại. Với giá khoảng 90 tỷ USD, Airbnb có giá trị bằng 1/3 25 chuỗi khách sạn lớn nhất được báo giá. Bên cạnh giá trị, những công ty như vậy vẫn còn rất nhiều điều để chứng minh.
Tuy nhiên, khác với sự kiện năm 2000, nhiều công ty công nghệ đang thống trị các lĩnh vực kinh doanh hàng đầu. Cả Apple, Amazon, Alphabet, Microsoft, Facebook đều đã trở thành những gã khổng lồ với hàng loạt nhượng quyền sinh lợi cao. Giờ đây, số phận của những công ty này phần lớn phụ thuộc vào câu hỏi thứ 2.
Các cơ quan quản lý sẽ phản ứng như thế nào?
Trong năm 2020, các cơ quản quản lý cuối cùng cũng quyết định hành động. Giới chức các nước như Mỹ, EU, Ấn Độ và Anh đều ban hành các chính sách siết chặt Big Tech theo nhiều cách khác nhau.
Theo Financial Times, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cũng sẽ trở thành một nhà hoạt động tích cực kiềm chế Big Tech. Nhưng, sức mạnh của những biện pháp này sẽ chỉ thực sự phát huy tác dụng sau nhiều năm.
Các công ty công nghệ của tỷ phú Jack Ma đang trở thành mục tiêu của nhà cầm quyền Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, các cơ quan quản lý tại Trung Quốc đang nhanh chóng loại bỏ đế chế kinh doanh của Jack Ma. Vào tháng 10, Bắc Kinh đã chặn ngang thương vụ IPO trị giá 37 tỷ USD của Ant Group, công ty fintech được vị tỷ phú này đầu tư. Bên cạnh đó, đầu tháng 12, Alibaba cũng trở thành mục tiêu điều tra chống độc quyền của giới chức Bắc Kinh.
Động thái này rõ ràng sẽ tạo ra những tác động to lớn đối với định hướng và sức sống của nền kinh tế Trung Quốc. Ẩn số lớn nhất lúc này là liệu Bắc Kinh chỉ đang kiềm chế quy mô kinh doanh của Jack Ma, hay tượng trưng cho một nỗ lực rộng lớn hơn.
Các công ty công nghệ sẽ thay đổi như nào?
Big Tech luôn tự hào về hàng núi tiền mặt, lượng dữ liệu người dùng khổng lồ và tham vọng xâm chiếm các ngành chăm sóc sức khỏe, tài chính, ôtô....
Nhưng, dù lợi thế của các công ty này có mạnh đến đâu, công nghệ vẫn là công việc của con người. Giá nhà cao ngất ngưởng và chế độ thị thực khó khăn đang ngăn cản nhiều người lao động nước ngoài chuyển đến Thung lũng Silicon. Theo The Information, ngày một nhiều lao động có xu hướng di chuyển khỏi Mỹ.
Các ông chủ công ty công nghệ Mỹ đã phải đối mặt hàng loạt vấn đề pháp lý trong năm 2020. Ảnh: Telegraph. |
Trên hết, các mô hình khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon đã vươn tới phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo của Mosaic Ventures, châu Âu hiện có hơn 120 kỳ lân (các công ty công nghệ trị giá hơn 1 tỷ USD) với tổng giá trị khoảng 600 tỷ USD. Giờ đây, các doanh nhân nước ngoài đang tìm thấy nhiều cơ hội hứa hẹn gần quê nhà hơn.
Như chính các lãnh đạo điều hành Big Tech thừa nhận, công ty của họ sẽ chỉ tiếp tục phát triển nếu họ giữ chân và thu hút được những lao động giỏi nhất.
Tuy nhiên, các ông lớn công nghệ đang gặp nhiều vấn đề ngay trong nội bộ của mình. Gần đây, Google thường xuyên bị các cuộc biểu tình của nhân viên khuấy động, đặc biệt nhất là sự ra đi của Timbit Gebru, nhà nghiên cứu đạo đức trong công ty. Bên cạnh đó, trong một cuộc thăm dò nội bộ của Facebook hồi tháng 10, chỉ 51% nhân viên của công ty tin rằng mạng xã hội này có tác động tích cực đến thế giới.
(Theo Zingnews)
2020: Năm thế giới ‘chán ngấy’ việc Big Tech tự quản lý
Các ông lớn công nghệ trên thế giới trải qua một năm ‘tối tăm mặt mũi’ khi Mỹ, châu Âu và Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp kiềm chế quyền lực của họ.