Sai lầm 1: Tiêu hao thể lực một cách mù quáng

Theo phản xạ tự nhiên, khi một người bị lạc ở nơi hoang dã, ngay lập tức họ cố gắng hết sức để tìm kiếm lối thoát, cố gắng hết sức để tìm kiếm thức ăn, bơi qua sông, leo núi, trèo cây, đuổi bắt chim thú... những hành động ấy sẽ làm tiêu hao hết năng lượng trong cơ thể. 

Chúng ta chỉ vận động khi thực sự cần thiết để tồn tại. Thể lực đóng vai trò quyết định trong việc sinh tồn nơi hoang dã vì thế mà thể lực không dành cho những hoạt động không cần thiết. Chưa kể những hoạt động đó có thể gây nguy hiểm, ví dụ như cành cây rơi vào người, trượt ngã, đuối nước hay các tai nạn bất cẩn khác.

Sinh tồn trong tự nhiên cần phải từ tốn và bình tĩnh, bởi khi lo lắng và phấn khích, xác suất mắc lỗi sẽ tăng lên, bất kì một lỗi nhỏ nào cũng có thể phải trả cái giá rất đắt. Ví dụ sử dụng dao, do mệt mỏi và lo lắng dẫn đến đứt tay, vết rách da ở thành phố không đáng quan tâm, nhưng khi bị lạc trong rừng sâu là cả một vấn đền nghiêm trọng, vết thương có thể nhiễm trùng và mất mạng. Môi trường càng khắc nghiệt, bạn càng phải kiểm soát áp lực tâm lí, giữ bình tĩnh, suy nghĩ bình tĩnh.

Ảnh minh họa

Để tồn tại trong tự nhiên, bạn phải học cách tiêu thụ thể lực một cách hợp lí, không thu nhận năng lượng không kinh tế. Ví dụ, bạn tiêu thụ 500kcal để kiếm được thức ăn 200kcal năng lượng, đi bộ vài cây số để hái một ít rau rừng, đó là cách thu nhận năng lượng không kinh tế. Trong môi trường hoang dã, bạn có thể mất vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng để tìm kiếm cứu hộ hoặc tự cứu được chính mình. Hãy nhớ những điểm quan trọng để sinh tồn trong tự nhiên, bao gồm nơi trú ẩn, nước, lửa, thức ăn, cứu hộ. Môi trường càng khắc nghiệt, càng phải hành động khoa học, suy nghĩ tích cực và lạc quan, tiết kiệm năng lượng thể chất để tồn tại.

Sai lầm 2: Tìm kiếm thực phẩm và ăn ngay khi đói

Ăn là một trong những bản năng sinh tồn cơ bản nhất của con người nên khi bị lạc, điểm nổi bật nhất là hành động không ngừng tìm kiếm thức ăn và ăn bất cứ khi nào tìm thấy. Bạn hãy nhớ rằng ăn sống gặp rất nhiều rủi ro. Thực phẩm sống có rất nhiều kí sinh trùng và vi khuẩn, chẳng hạn như Escherichia coli, Salmonella, Campylobacter, Listeria. Hậu quả của ăn sống là dễ bị ốm, tiêu chảy, nôn mửa, mất nước, suy kiệt thể lực và dẫn tới cái chết.

Bạn phải xem xét ăn đang thuộc ưu tiên như thế nào. Quy tắc “3 vàng” để tồn tại trong môi trường hoang dã là: 3 phút không có không khí sẽ chết, 3 ngày không có nước uống sẽ chết, 3 tuần không có thức ăn sẽ chết. 

Theo thống kê, đa số nạn nhân chết do nhiễm trùng nhiễm độc, chết cóng, chết khát, nhưng hiếm khi thấy chết đói vì khả năng sống sót của cơ thể do đói nhiều khi vượt quá ngưỡng tưởng tượng. Vì vậy, trong trường hợp sinh tồn hoang dã, việc có không khí để thở, giữ nhiệt để cơ thể không bị chết cóng, có nước để uống, đó mới là “nhu cầu ưu tiên thực sự”. Ngay cả khi khiệt sức, chưa vội tìm thức ăn, hãy tìm nguồn nước sạch để uống. 

Thức ăn cần làm chín bằng lửa: Ngay như cá dưới nước hay chim trên trời cũng nhiễm khuẩn và kí sinh trùng. Các loài côn trùng, ốc ếch, bò sát, gặm nhấm đều rất nguy hiểm vì thế cần nướng chín khi ăn. Theo đó, bạn luôn phải có phương tiện tạo ra lửa trong những chuyến đi có nguy cơ bị lạc ở nơi hoang dã.

Sai lầm 3: Chui vào bất kì hang động nào

Về lí thuyết, một hang động có thể che mưa gió. Nhưng bạn cần chú ý các mỏ bỏ hoang hay hang động tự nhiên có thể nhiều khí độc chết người, không khí loãng gây ngạt thở, bị cào xước khi chui ra chui vào, nhiễm các vi khuẩn virus từ dơi hay các loài vật khác trong hang.

Kỹ năng tồn tại: Có 5 điều quan trọng nhất để tồn tại trong tự nhiên theo thứ tự ưu tiên: An toàn – Gọi cứu trợ (SOS) – Nhiệt độ - Nước uống – Thực phẩm.

An toàn

Điều quan trọng đầu tiên là phải tránh khỏi nơi nguy hiểm: tránh xa đám cháy, tránh xa bờ sông hay dòng suối sau cơn mưa để không bị dòng lũ bất ngờ cuốn trôi, tránh xa sườn núi có đá rơi hay nguy cơ lở đất, tránh xa miệng núi lửa, tránh xa cây chết.

SOS

Bạn cần gửi tín hiệu cứu hộ càng sớm càng tốt, đảm bảo sắp xếp ngôn ngữ rõ ràng và ngắn gọn, bước này rất quan trọng nên cần suy nghĩ chuẩn bị cẩn thận.

Nếu có điện thoại di động còn nguồn, bạn tắt hết các chức năng không liên quan như Bluetooth, đưa màn hình về chế độ tối nhất để tiết kiệm điện. Nếu có nhiều điện thoại di động, chỉ bật từng cái một, cần thận trọng với cuộc gọi để tiết kiệm pin, nếu điện thoại có định vị GPS càng tốt.

Ví dụ so sánh tin nhắn hoặc cuộc gọi.

✓ Tin nhắn không tốt: Cứu tôi với, tôi bị rơi xuống vực ở chùa Đồng!

✓ Tin nhắn tốt: Bốn người rơi xuống vực ở chùa Đồng, rơi từ đoạn đường gần chùa, tại vị trí có biển cảnh báo nguy hiểm. Một người bị gãy xương đùi. Một người bị vế thương sâu chảy máu nhiều ở chân đã băng tạm.

Có thể thông báo chính xác vị trí bị nạn bằng cách sử dụng các ám hiệu, ví dụ như đốt lửa vào ban đêm, đốt cỏ hay lá cây khô để tạo khói vào ban ngày.

 Nhiệt độ

Sau khi phát tín hiệu SOS, điều quan trọng nhất để sinh tồn là giữ thân nhiệt, trừ khi ở nơi nắng nóng vào mùa hè thì không cần quan tâm đến giữ thân nhiệt.

Ví dụ bị rơi xuống vực ở trên đỉnh chùa Đồng, nơi có độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, theo hiệu ứng phơn thì ở sườn có gió. Cứ lên cao 100m, nhiệt độ sẽ hạ 0,6 độ C, còn ở sườn có gió lên cao 100m sẽ hạ 1 độ C. Vậy nếu rơi xuống ở sườn không gió, vào đêm mặt đất 18 độ C, trên đỉnh núi là 8 độ, nên bắt buộc phải ưu tiên giữ thân nhiệt đầu tiên.

Hạ thân nhiệt dẫn đến suy giảm chức năng sinh lí các cơ quan một cách nhanh chóng, gây rối loạn, cuối cùng là tử vong vì chết cóng.

Có hai yếu tố gây hạ thân nhiệt cần lưu ý là gió và nước: Gió lấy nhiệt của cơ thể thông qua đối lưu; nước bám trên da lấy nhiệt cơ thể thông qua dẫn truyền, đồng thời sự bay hơi của nước trên da cũng lấy đi nhiệt. Gió và nước gặp nhau thì thật là phiền phức. Vì nước bám trên da, khi gặp gió sẽ bay hơi rất nhanh, làm cho nhiệt càng hạ nhanh hơn. Vì thế mà không để cơ thể bị ướt, tức là tránh mưa, tránh sương, quần áo ướt phải cởi bỏ phơi cho khô, đồng thời tránh gió.

Có hai cách giữ nhiệt cơ thể là tạo một nơi trú ẩn và đốt lửa: Cả hai công việc này rất khó khăn, đôi khi bất khả thi, tức là không thể làm nổi trong điều kiện hoang dã. Những cách tạo lửa bằng khoan gỗ bùi nhùi trong các clip không có tác dụng. Để tạo ra lửa trong điều kiện hoang dã cực khó, hầu như không làm nổi, nếu làm được cũng tốn rất nhiều sức lực. Vì thế, mỗi chuyến đi xa có nguy cơ bị lạc nơi hoang dã, tốt hơn hết là mang theo mình 2-3 bật lửa, đá lửa, diêm để tạo lửa. Khi bạn có những vật dụng này rồi cũng vẫn khó. Bởi cỏ cây xung quanh không phải là dễ cháy, nhất là những ngày trời mưa hay ẩm ướt, chưa kể số lượng củi khô và lá sẽ cần số lượng rất nhiều.

Nước uống

Nước uống rất quan trọng vì không có nước 3 ngày là chết, nhưng vẫn không quan trọng bằng giữ thân nhiệt. Có nhiều cách lấy nước: suối, lạch, khe nước, đá thấm, vũng nước, mưa, hốc cây, nước dừa, trái cây.

Cẩn thận khi uống nước tiểu. Thành phần của nước tiểu khoảng 95% là nước, 5% còn lại chứa một lượng lớn chất thải chuyển hóa của con người, bao gồm axit uric, urê, urobilirubin, amonic, chất điện giải, muối, một lượng nhỏ enzym và một lượng rất nhỏ hormone. Uống nước tiểu để tồn tại có thể dẫn đến tình trạng mất nước thêm do có muối natri trong nước tiểu khá cao. Nếu không được bổ sung nước ngọt, nước tiểu càng ngày càng cô đặc, lượng natriclorua ngày càng cao, dẫn đến uống nước tiểu càng dẫn đến mất nước nghiêm trọng hơn.

Nếu thực sự ở trong môi trường khắc nghiệt, nước tiểu là nguồn nước duy nhất và muốn uống nước tiểu, bạn cần phải sử dụng một số phương pháp để thanh lọc, chẳng hạn như chưng cất.

Thực phẩm

Thực phẩm cũng quan trọng, nhưng con người chỉ cần uống nước vẫn sống được đến 7 ngày, quá 21 ngày nguy cơ tử vong. Vì thế mà nước uống quan trọng hơn thực phẩm. Thực tế khi sống trong môi trường hoang dã, có nhiều thứ để ăn được, nhưng cần chú ý một số nguyên tắc.

- Những thứ có màu sắc sặc sỡ thường là độc (nấm, côn trùng, họ nhà ếch, rắn…)

- Cây có nhựa trắng ở thân và lá, màu sắc sặc sỡ, có các hình đốm, hình kì dị, mọc những khối u, mọc ngược, mùi hăng, mùi cay và nghẹt thở, mùi hôi, gây nhức đầu và hắt hơi, thường là độc.

- Thức ăn động vật nên nướng trước khi ăn.

Bác sĩ Trần Văn Phúc (Trung tâm Kĩ thuật cao và Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)