Như ICTnews đã thông tin, tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực CNTT theo chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản” được Trung tâm đào tạo VITEC - Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Cục phát triển CNTT Nhật Bản (IPA) tổ chức mới đây, TS. Phạm Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện CNTT-TT, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã cho biết, sau 10 năm triển khai chương trình đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao phục vụ thị trường Nhật Bản, đến nay các kỹ sư tốt nghiệp chương trình CNTT Việt Nhật của trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã được biết đến rộng rãi và được đón nhận tại thị trường Nhật.
Hàng năm, có khoảng 30 lượt công ty CNTT Nhật sang tuyển dụng trực tiếp các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và làm các thủ tục để sang Nhật làm việc ngay sau khi nhận bằng. Theo thống kê, hiện nay, các khóa sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo CNTT Việt Nhật đều có hơn 50% sinh viên vừa giỏi chuyên môn vừa thành thạo tiếng Nhật, được tuyển sang Nhật làm với mức lương như kỹ sư CNTT Nhật, tương đương 50-60 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, trong báo cáo về lương và hành vi của người tìm việc tại Việt Nam được tổng hợp từ số liệu mức lương của trên 45.000 vị trí đăng tuyển trên website VietnamWorks.com nửa đầu năm 2016 mới được VietnamWorks công bố ngày 30/9, cùng với việc đưa ra nhận định CNTT là ngành có mức lương cạnh tranh nhất tại Việt Nam, trang web chuyên về việc làm này cũng cho rằng, chính sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và Internet những năm gần đây đã khiến cho nhu cầu tìm kiếm các kỹ sư công nghệ tăng đột biến trong khi nguồn nhân lực tại Việt Nam chưa đáp ứng đủ.
“Chính sự chênh lệnh giữa cung và cầu cũng như vấn đề làm thế nào để thu hút được đội ngũ kỹ sư công nghệ chất lượng là các yếu tố chính làm tăng mức lương các doanh nghiệp tại Việt Nam phải trả cho các ứng viên ngành CNTT”, VietnamWorks nhận định.
Chia sẻ tại sự kiện Vietnam IT Day 2016 diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản vào trung tuần tháng 2/2016, Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC) Nguyễn Đoàn Hùng đã cho hay, trong vòng 4 năm tới, Nhật Bản có nhu cầu tuyển 30.000 kỹ sư CNTT người nước ngoài làm việc tại Nhật chủ yếu từ Ấn Độ và Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực tìm cách hợp tác với các trường của Nhật Bản và Việt Nam để có thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn này, tiêu biểu như FPT Software với chương trình đào tạo 10.000 Kỹ sư CNTT nói tiếng Nhật, hay Rikkeisoft với mục tiêu 1.000 kỹ sư CNTT phục vụ thị trường Nhật.
Đề cập đến nhu cầu sử dụng nhân lực CNTT để phục vụ thị trường Nhật Bản, ông Trần Xuân Khôi, Giám đốc Phát triển nguồn lực của FPT Software cho hay, FPT Software hiện đang là doanh nghiệp phần mềm lớn tại Việt Nam với tổng số gần 10.000 nhân viên. Theo ông Khôi, doanh nghiệp phần mềm này dự kiến sẽ “cán mốc” 10.000 nhân viên vào tháng 11 tới.
Ông Trần Xuân Khôi cũng cho biết, trong năm nay, thị trường Nhật chiếm tới 60% doanh số của FPT Software, điều này đồng nghĩa với việc FPT Software đang có gần 6.000 người làm cho thị trường Nhật. Trong đó, tại Nhật Bản hiện nay số nhân viên FPT Nhật Bản đã lên đến 760 người.
“Thị trường Nhật là thị trường quan trọng số 1 của FPT Software, với mức tăng trưởng tối thiểu hàng năm là 40%. Vì thế, số lượng nhân lực CNTT làm cho Nhật của FPT Software hàng năm cần tăng lên tương ứng khoảng 40%. Dự kiến với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì trong thời gian từ nay đến năm 2020,dự kiến hàng năm chúng tôi sẽ phải tuyển khoảng hơn 10.000 nhân viên”, ông Khôi chia sẻ.
Để giải quyết tình trạng số lượng thí sinh đăng ký dự thi cũng như đạt các chứng chỉ kỹ sư CNTT theo chuẩn của Nhật còn thấp trong thời gian qua, một cán bộ của Viện CNTT-TT thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội đã đề xuất các doanh nghiệp CNTT cần siết chặt hơn nữa khâu tuyển dụng, đơn cử như các doanh nghiệp có thể yêu cầu chỉ tuyển dụng các ứng viên có chứng chỉ kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng của Nhật Bản.
Phản hồi ý kiến đề xuất nêu trên, ông Khôi thẳng thắn chỉ rõ, thực tế là trong thời gian từ nay đến hết tháng 12/2016, FPT Software cần tuyển hơn 1.000 nhân viên mà hiện vẫn đang không có đủ các hồ sơ đủ điều kiện. “Do đó, nếu quy định nhân sự tham gia tuyển dụng vào FPT Software phải có các chứng chỉ kỹ sư CNTT theo chuẩn Nhật Bản thì “chết”. Tuy nhiên, chúng tôi có thể cam kết sẽ ưu tiên tuyển dụng các ứng viên có chứng chỉ CNTT theo chuẩn Nhật Bản; đồng thời những nhân sự có chứng chỉ này tại FPT Software sẽ có thu nhập cao hơn những người khác”, ông Khôi nói.
Là công ty thành viên của FPT được thành lập năm 1999, đến nay sau 17 năm phát triển, FPT Software đã trở thành công ty phần mềm lớn nhất của Việt Nam và có tên trong Top 100 Nhà cung cấp dịch vụ Outsourcing toàn cầu do International Association of Outsourcing Professionals (IAOP) đánh giá. FPT Software cung cấp các dịch vụ phát triển phần mềm và bảo trì, triển khai ERP, QA, chuyển đổi ứng dụng, hệ thống nhúng, điện toán di động, điện toán đám mây… trong nhiều lĩnh vực như: Tài chính ngân hàng, Viễn thông, Y tế, Chế tạo, Công nghiệp xe hơi, Dịch vụ công…
FPT Software hiện đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 400 khách hàng là các tập đoàn lớn trên phạm vi toàn cầu, trong đó có 40 khách hàng nằm trong danh sách Fortune Global 500. Doanh nghiệp phần mềm này đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, FPT Software có nhu cầu tuyển dụng nhân sự rất lớn trong giai đoạn sắp tới.
Trong bối cảnh chênh lệch giữa cung và cầu về nhân lực CNTT hiện nay, FPT Software coi việc hợp tác với các trường đại học, cao đẳng trong cả nước là một trong những kênh quan trọng tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường nhân lực CNTT nói chung và cho chính công ty nói riêng. Cụ thể, FPT Software đã thiết lập quan hệ hợp tác với các Học viện, trường đại học có uy tín trong đào tạo ngành CNTT như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Công nghệ….