- Với năng lực hiện tại của Chính phủ, phải mất tới 320 năm mới có thể rà phá hết diện tích bị ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn cho hay.

Theo thông tin Trung tướng Nguyễn Đức Soát, thống kê chưa đầy đủ cho thấy, số lượng bom đạn còn sót lại ở Việt Nam sau chiến tranh lên tới 800 ngàn tấn trên địa bàn 58 tỉnh thành trong cả nước.

{keywords}
Phải mất tới 300 năm mới có thể rà phá hết bom mìn trôi nổi ở Việt Nam.

"Theo tính toán khoảng 20% diện tích đất tự nhiên của Việt Nam, ước tính khoảng 6,6 triệu ha đang bị ô nhiễm bom mìn", Trung tướng Soát thông tin. "Trước đây những thành phố như Hà Nội không được tính vào khu vực bị ô nhiễm bom mìn. Tuy nhiên, sau vụ nổ Văn Phú vừa qua có thể nói là cả 63 tỉnh thành Việt Nam vẫn có bom mìn còn sót lại".

Theo Trung tướng Soát, hiện nay, nhà nước mỗi năm huy động các nguồn lực tiến hành ra phá được khoảng 200 ngàn ha. Như vậy, nếu muốn rà phá toàn bộ 6,6 triệu ha thì phải mất 320 năm nữa mới rà phá hết được.

Việc tồn tai một số lượng khổng lồ bom đạn trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam đang gây ra những hậu quả thương tâm. Rất nhiều người dân chết và bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Theo thống kê tới năm 2002, cả nước có khoảng 40 ngàn người chết và hơn 60 ngàn người bị thương vì bom mìn sau chiến tranh. Tới nay, sau 13 năm, con số này có thể còn tăng cao hơn nữa.

Trung tướng Soát cho biết, nhiều nạn nhân của bom mìn sau chiến tranh là trụ cột lao động trong gia đình khiến hoàn cảnh gia đình các nạn nhân rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn.

"Có lần chúng tôi hỗ trợ nạn nhân một con bò. Thấy họ loay hoay chuẩn bị chuồng cho con bò trong khi nhà thì tới một nửa không có mái. Chúng tôi lại phải huy động anh em quyên góp hỗ trợ họ lợp lại mái nhà", Trung tướng Soát kể.

Điều đáng nói, hiện những nạn nhân của bom mìn sau chiến tranh không có chế độ hỗ trợ đặc biệt nào từ nhà nước. Họ chỉ được coi như những người bị thương tật bình thường giống như những người bị tai nạn giao thông.

"Trong khi nạn nhân chiến tranh, tham gia chiến đấu có chế độ thương binh. Những nạn nhân chất độc da cam cũng có chế độ hỗ trợ riêng nhưng nạn nhan bom mìn thì hoàn toàn không có chế độ gì", Trung tướng Soát nói. "Điều này là không công bằng".

Chính quyền địa phương phải vào cuộc

Trước câu hỏi vì sao công tác tuyên truyền sự nguy hiểm của bom mìn trôi nổi đã được tiến hành từ lâu nhưng tới nay vẫn có hiện tượng có những người mang bom ra cưa giữa thủ đô Hà Nội? Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho biết, công tác tuyên truyền vẫn chưa sâu sát và đặc biệt là chưa có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở.

{keywords}
Cần có sự vào cuộc sâu sát của chính quyền cơ sở để nâng cao nhận thức của người dân về bom mìn.

"Có lần chúng tôi vào khu vực Điện Bàn, Quảng Nam để hỗ trợ nạn nhân kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bom mìn. Một tuần sau, chúng tôi nhận được tin một người dân nơi đây tử vong vì cưa một quả đạn nhặt được", Trung tướng Soát kể. "Tôi nghe tôi buồn lắm".

Theo Trung tướng Soát, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bom đạn, cần phải kết hợp với các tổ chức xã hội như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, đặc biệt là thông qua hệ thống giáo dục để việc tuyên truyền dễ tiép cận tới người dân hơn nữa.

Ngoài ra, điều quan trọng là phải nâng cao được vai trò của chính quyền địa phương ở các cơ sở. "Công việc này cần phải có sự vào cuộc của những chủ tịch phường, xã, những cán bộ xã đội mới có thể làm hiệu quả được", Trung tướng Soát khẳng định.

Trung tướng Soát cũng khẳng định, thời gian tới, bản thân Hội Hỗ trợ Khắc phục hậu quả bom mìn cũng sẽ mở rộng chi hội để đẩy mạnh tuyên truyền đồng thời tích cực làm việc với các tổ chức quốc tế để huy động tài trợ đẩy nhanh công tác rà phá bom mìn tại Việt Nam.

"Vụ việc ở Văn Phú vừa qua là một tiếng chuông cảnh báo để chúng tôi phải hoạt động tích cực, mạnh mẽ hơn nữa để đạt được những mục tiêu đặt ra", Trung tướng Soát khẳng định.

Vụ nổ ở Văn Phú: Có thể là bom của Mỹ

Liên quan tới vụ nổ ở Văn Phú khiến 5 người chết, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhận định, vật liệu nổ mà nạn nhân Phạm Văn Cường dùng đèn khò để "cưa" gây ra vụ nổ hôm 19/3 có thể là bom của Mỹ.

{keywords}

Trung tướng soát cho rằng, căn cứ trên những thông tin do báo chí đăng tải thì vật thể lạ được anh Cường mang đi cưa bằng đèn khò có hình trụ, dài khoảng 80cm, đường kính 30-45cm và nặng hơn 100kg. Bên cạnh đó, vụ nổ đã tạo thành hố rộng 4m, sâu 2m, sóng xung kích khiến cửa kính các nhà xung quanh vỡ. Từ những thông tin trên có thể khẳng định vật liệu nổ gây ra vụ nổ này là một quả bom Mỹ.

"Quả bom này đã được tháo ngòi rồi mới đem bán. Nhưng khi dùng đèn khò để cắt ra thì nhiệt lượng lên rất cao và gây nổ", Trung tướng Soát nhận định.

Trung tướng Soát cũng cho biết, trước đây, Hà Nội không được xác định là một khu vực ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh. Tuy nhiên sau sự việc này, Hà Nội cũng sẽ được Hội Hỗ trợ Khắc phục hậu quả bom mìn đưa vào danh sách để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bom mìn trôi nổi.

"Vùng nông thôn của Hà Nội rất lớn, do đó cần phải tổ chức tuyên truyền để người dân nhận biết sự nguy hiểm của bom mìn", Trung tướng Soát nói.

Trung tướng Soát cũng cho biết, Hội Hỗ trợ Khắc phục hậu quả bom mìn sau khi nắm thông tin đã đến thăm hỏi, chia sẻ với những người bị thương nặng đan nằm trong bệnh viện điều trị đồng thời cũng tới thăm cháu bé 10 tuổi là con trai của chị Toản, người mẹ đã tử vong khi chở con đi học ngang qua.

Lê Văn