- Tham nhũng tuyển sinh phổ biến ngay từ cấp học ban đầu, với chi phí hối lộ 3.000 USD để được vào một trường tiểu học danh tiếng và khoảng 300 - 800 USD cho một suất vào trường "thường thường bậc trung".

Mức phí 3.000 USD được so sánh "cao hơn thu nhập bình quân đầu người" của Việt Nam hiện nay.

Đây là thông tin vừa được đưa ra trong khảo sát về "tham nhũng trong giáo dục phổ thông" của nhóm cán bộ tổ chức Hướng Tới Minh Bạch tại Việt Nam.

{keywords}
Để đăng ký được một chỗ học cho con tại trường tiểu học có điều kiện giảng dạy tốt, các phụ huynh phải chen lấn ở cổng trường trong ngày phát đơn đăng ký nhập học để mua đơn. Ảnh: Văn Chung

'Tuy nhiên, tiền không thôi chưa đủ"- bản khảo sát lưu ý.

“Việc khoảng 30% phụ huynh tìm cách xin cho con vào học ở trường "điểm" trái tuyến dẫn tới sự hình thành một hệ thống ngầm có liên quan tới những người môi giới thứ ba xúc tiến cho quá trình này”.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân đầu tiên của tình trạng "chạy" trường là do nhu cầu lớn. Kết quả khảo sát cho thấy, việc "chạy" trường được nhiều người chấp nhận. Có 67% phụ huynh coi chuyện này là bình thường.

{keywords}

"Phí" chạy trường ở Việt Nam năm 2011. Nguồn: Cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, WDI và GDF, "GDP đầu người, USD", 20111

 

Một phụ huynh khi được hỏi cho biết, mức giá 1.000 USD để"chạy" vào một trường tiểu học hàng đầu là "hợp lý""chấp nhận được" bởi "mong muốn con cái được giáo dục tốt là bình thường""gia đình nào cũng mong con em mình được học ở môi trường danh tiếng".

Khảo sát trên 1.500 thanh niên ở 11 tỉnh, thành cũng cho thấy, thanh niên và người lớn tuổi đều sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng để được nhận vào một trường (hoặc công ty) tốt.

Phân tích sâu hơn, nhóm nghiên cứu cho rằng yếu tố cơ bản đằng sau nhu cầu trên là sự thiếu tin tưởng vào hệ thống giáo dục công ở Việt Nam.

"Hiện tượng hối lộ phổ biến trong các trường phổ thông và sự thừa nhận rộng rãi rằng học sinh bị buộc phải học thêm đại trà (nếu không sẽ có nguy cơ bị phân biệt đối xử khi đánh giá học tập) cho thấy cảm nhận chung của phụ huynh là "hệ thống trường công không có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu của học sinh" - báo cáo viết.

"Tham nhũng đang trở thành chuẩn mực"?

Nhóm nghiên cứu chỉ ra "tác động lớn nhất của tham nhũng trong tuyển sinh là làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục".

"Đưa hối lộ để được nhận vào trường "điểm" đã được coi là hiện tượng thông thường mà chỉ có các gia đình khá giả mới có điều kiện thực hiện, từ đó khiến cho trẻ em ở các gia đình nghèo phải chịu thiệt thòi" -báo cáo diễn giải.

Một nguy cơ khác mà báo cáo cảnh báo: Bản chất lan rộng của những hành vi như "chạy" trường khiến cho tham nhũng đang trở thành chuẩn mực xã hội hơn là ngoại lệ.

Nhóm nghiên cứu đánh giá các biện pháp hành chính (các văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở GD-ĐT) chỉ có tác dụng khiêm tốn và ngắn hạn.

Việc đầu tiên cần làm là chú trọng tới các biện pháp xã hội rộng hơn như truyền thông.

Đặc biệt, với vai trò "vừa là nạn nhân vừa là chủ thể chính", phụ huynh cần đồng lòng chấm dứt nạn "chạy trường".

Nghiên cứu cho thấy 80% các bà mẹ đóng vai trò quyết định trong việc chọn trường học cho con, và khả năng họ chạy trường hoặc đồng tình với hành động này cao hơn các ông bố.

Báo cáo cũng khuyến nghị tiếp tục cải cách lương giáo viên nhằm giảm bớt động cơ tham gia vào các hành vi tham nhũng của giáo viên.

Khảo sát "tham nhũng trong giáo dục phổ thông" là một trong bốn chủ đề của “Báo cáo tham nhũng toàn cầu: Giáo dục” do Tổ chức Minh Bạch quốc tế thực hiện.

Báo cáo có 442 trang với 5 phần, với các phân tích và khuyến nghị của 70 chuyên gia từ hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Báo cáo toàn cầu này được công bố ngày 1/10. Thông điệp được phát đi trong báo cáo:  "Giáo dục thế hệ trẻ sẽ không thể thành công khi tham nhũng làm hư hỏng các trường phổ thông và đại học".

Tham nhũng đang hủy hoại uy tín của ngành giáo dục ở nhiều quốc gia. Theo Phong Vũ biểu Tham nhũng Toàn cầu 2013 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), cứ khoảng năm người trên thế giới thì có một người đưa hối lộ cho dịch vụ giáo dục trong năm trước đó.

Ở những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, con số này lên tới một trên ba (cứ ba người lại có một người đưa hối lộ).

Báo cáo Tham nhũng Toàn cầu: Giáo dục cho thấy nhiều hình thức tham nhũng trong giáo dục, từ biển thủ công quỹ quốc gia dành cho giáo dục tới không công khai các chi phí trường học hay mua bán bằng giả.

TI là tổ chức xã hội dân sự toàn cầu đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Năm 2011, tổ chức này ra báo cáo phân tích về biến đổi khí hậu. Tiếp theo sau báo cáo về giáo dục, IT sẽ tập trung vào lĩnh vực thể thao.

  • Hạ Anh