UBND tỉnh Lào Cai vừa báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Sở Khoa học và Công nghệ cơ quan chủ trì thực hiện Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 12/4/2021 của UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập số liệu, thông tin nhằm đánh giá thực trạng và nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Quá trình thu thập thông tin, dữ liệu được thực hiện bằng phương pháp khảo sát, điều tra thông qua mẫu phiếu thu thập thông tin về nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với 55 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đã tổ chức các đoàn thẩm định công nghệ, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ nghệ sản xuất cho 10 nhà máy trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp được khảo sát chủ yếu sản xuất chè xanh, chiết xuất tinh dầu quế, các sản phẩm chế biến nông lâm sản. Tại thời điểm tiến hành điều tra, 0/55 đơn vị áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế; 55/55 đơn vị áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; 55/55 đơn vị đã thực hiện việc công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm hàng hóa; 5/55 đơn vị thực hiện việc công bố sản phẩm hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chứng nhận sản phẩm hàng hóa phù hợp theo tiêu chuẩn; 2/55 đơn vị đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điều tra thực tế 55 doanh nghiệp, hợp tác xã, kết quả có 33 lượt có nhu cầu đăng ký áp dụng các công cụ về cải tiến về năng suất chất lượng, trong đó có một số doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký áp dụng từ 1 đến 7 công cụ như: Hệ thống an toàn và sức khỏe nghề nghiệp 3 OHSAS 18001, Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015, Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, Hệ thống tăng cường hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị TPM, Hệ thống áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng LEAN, Hệ thống quản lý môi trường 14001, Hệ thống tiết kiệm năng lượng ISO 50001.

Theo tỉnh Lào Cai, vẫn còn một số tồn tại và vướng mắc như tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế nên chưa mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại, mở rộng lĩnh vực sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư vốn vào việc sử dụng các công cụ quản lý, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm, hàng hoá. Chi phí cho việc sản xuất còn khá cao (vì các doanh nghiệp tiêu tốn khá nhiều kinh phí không cần thiết cho việc quản lý điều hành, quản lý sản xuất, khắc phục sai lỗi của sản phẩm). Doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, quảng bá, chiến lược marketing, xây dựng thương hiệu và khả năng thu hút khách hàng.

UBND tỉnh đưa ra các phương hướng, giải pháp thực hiện chương trình năm 2023 và các năm tiếp theo. Chẳng hạn, tổ chức các hội nghị, hội thảo để phổ biến, giới thiệu về các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá; thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ; công cụ hỗ trợ cho sản suất thông minh, dịch vụ thông minh vào doanh nghiệp.

Đào tạo, tập huấn về năng suất chất lượng. Hàng năm, tổ chức từ 1 đến 2 khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tiêu chuẩn hóa, năng suất chất lượng, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, sở hữu trí tuệ và ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ cho đội ngũ công chức và cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và người lao động.

Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; Hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản; đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố; Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.