Bảo tồn và nâng cao giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia
Độc giả Nguyen Thach Lam cho rằng: “Hà Nội ngoài Nhà hát Lớn còn còn Nhà hát Hồ Gươm cũng rất hiện đại, nên TP.HCM đầu tư tu bổ Nhà hát Thành phố là cần thiết quá rồi”.
Bạn Bùi Văn tán thành: “Cần tu bổ thế nào để các dàn nhạc quốc tế muốn đến biểu diễn, khách du lịch muốn tới tham quan, người nghệ sĩ cảm thấy vinh dự khi được trình diễn trên sân khấu, người dân thấy tự hào khi tới thưởng thức nghệ thuật”.
“Đáng lẽ phải làm lâu rồi mới phải, thành phố hiện đại, thị trường âm nhạc sôi động nhất cả nước mà để Nhà hát thành phố xập xệ quá!”, bạn Đinh Linh Thư nhận định.
Bạn Hải Anh nhận xét: “Các công trình Pháp cổ rất có ý nghĩa trong làm du lịch”.
Độc giả Lê Hào đưa ra những đánh giá rất chi tiết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định tu bổ Nhà hát Thành phố của TP.HCM. Đây không chỉ là một dự án thông thường mà còn là bước quan trọng để bảo tồn và nâng cao giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Việc tu bổ này không chỉ tạo ra một không gian văn hóa mới mẻ mà còn giúp TP.HCM trở thành điểm đến hấp dẫn cho đoàn khách quốc tế và tổ chức các sự kiện lễ hội quan trọng. Sự đầu tư vào hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị cũng như việc phục dựng toàn bộ khối nhà chính là bước quan trọng để đảm bảo rằng nhà hát có đủ điều kiện tổ chức các chương trình nghệ thuật lớn.
Quan trọng hơn, cải thiện cơ sở vật chất của Nhà hát Thành phố không chỉ là vấn đề của cộng đồng nghệ sĩ mà còn liên quan đến sự thoải mái và trải nghiệm của khán giả. Việc xây dựng lại hệ thống điện, điều hòa, âm thanh, ánh sáng cũng như mở rộng không gian phục vụ cho nghệ sĩ là những động thái tích cực. Nếu dự án thành công, Nhà hát Thành phố sẽ không chỉ là trung tâm văn hóa mà còn là biểu tượng kiến trúc nghệ thuật đẳng cấp quốc gia. Đây là bước quan trọng để giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa, đồng thời thúc đẩy sự phát triển toàn diện của TP.HCM”.
Bạn đọc Thanh Sơn bày tỏ sự ủng hộ: “Dù chúng ta còn những hạn chế và khó khăn nhưng không thể để hạ tầng của nhà hát xuống cấp mãi như thế. Dự án có lịch trình rõ ràng từ nghiên cứu khả thi đến lắp đặt thiết bị. Lắp đặt theo hình thức cuốn chiếu cũng là một cách linh hoạt để kiểm tra cụ thể và rõ ràng.
Đây là một kế hoạch quan trọng và việc cải tạo cần đầy đủ các bước. Các ngành chức năng đã hiểu rõ tính nguyên trạng quan trọng của nhà hát nên đã scan 3D toàn bộ công trình để đảm bảo sự chính xác và hiệu quả trong quá trình tu bổ. Việc phục dựng tổng mặt bằng và đầu tư vào trang thiết bị, hệ thống điện, âm thanh, ánh sáng là cần thiết để đáp ứng đủ điều kiện cho các sự kiện và chương trình nghệ thuật lớn”.
Sửa sang nhà hát có là chuyện xa xỉ, lãng phí?
Ở chiều ngược lại, không ít độc giả lo ngại về kế hoạch này, thậm chí gay gắt cho rằng đây là việc không nên làm.
Bạn đọc ký tên Trung nêu vấn đề: “Hiện nay TP.HCM cần xây dựng dự án chống triều cường, người dân khổ bởi cảnh xe cộ chết máy, đường sá cũng đầy ổ gà ổ vịt, sình lầy… đợi mãi không thấy làm. Sửa sang nhà hát có là chuyện xa xỉ không?”.
Độc giả Ngoc Ninh Pham đặt câu hỏi tương tự: “Sao chưa thấy công trình trường học nào được đầu tư lớn như các nhà hát hàng trăm, hàng ngàn tỷ nhỉ?”.
Bạn đọc Minh Vũ thẳng thắn nói: “Cần ưu tiên cho các công trình thiết yếu cho cuộc sống của người dân như bệnh viện, trường học, giao thông...”.
Ý kiến của bạn Hoàng Sơn được nhiều người đồng tình: “Sử dụng 337 tỷ đồng để tu bổ Nhà hát Thành phố trong bối cảnh nền kinh tế và y tế đang gặp nhiều khó khăn có lẽ cần cân nhắc. Việc chi tiêu lớn có thể đầu tư vào những lĩnh vực khẩn cấp hơn như chăm sóc sức khỏe, giáo dục hoặc hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Trong khi đang phải đối phó với khó khăn kinh tế, ưu tiên cho việc tu bổ nhà hát không phản ánh nhu cầu thực tế của người dân. Cần minh bạch về việc quyết định và kinh phí để người dân có thể hiểu rõ hơn chính sách này. Tu bổ nhà hát mang ý nghĩa văn hóa, nhưng phải xem xét kỹ về thời điểm, thậm chí tham khảo ý kiến từ người dân thành phố”.
Độc giả Thanh Phi lại băn khoăn trước khoản kinh phí lớn 337 tỷ đồng: “Mặc dù việc bảo tồn và nâng cấp di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia là quan trọng, nhưng tôi cũng băn khoăn về chiều hướng và ưu tiên của dự án. Với số tiền lớn như vậy, liệu có những lựa chọn khác không, chẳng hạn như đầu tư vào các dự án xã hội hay hạ tầng công cộng, mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng? Việc chi tiêu ngân sách phải được cân nhắc một cách cẩn thận để đảm bảo rằng nó phản ánh nhu cầu và lợi ích chung.
Thứ hai, dự án có kế hoạch triển khai trong hơn 3 năm, thời gian kéo dài có thể tạo ra những rủi ro không mong muốn, từ sự thay đổi trong nhu cầu sử dụng đến biến động về giá vật liệu xây dựng.
Cuối cùng, vấn đề về quản lý chi phí và chất lượng cũng khiến tôi lo lắng. Việc đưa chi tiết kinh phí từng hạng mục dự án cho Trung tâm Bảo tồn di tích để lập dự án cụ thể có vẻ là một bước đúng đắn. Nhưng sự hạ giải trong quá trình sửa chữa có thể tạo ra những khó khăn không đáng có, đặc biệt khi liên quan đến các chi tiết kiến trúc và vật liệu nhập khẩu”.
Phân tích theo một khía cạnh khác, bạn Kim Ngân cho rằng: “Sự đảm bảo tính nguyên trạng của di tích cấp quốc gia là một thách thức lớn, đặc biệt khi công trình sẽ phải trải qua quá trình di dời và tái tạo các hệ thống kỹ thuật. Ngoài thời gian thực hiện dự án kéo dài hơn 3 năm và việc lắp đặt thiết bị, sưu tầm, trưng bày, tôi hơi lo lắng về khâu bảo dưỡng và duy trì các phòng chức năng vì diện tích nhà hát rất chật hẹp”.
Thiên Di