Hướng đến thay đổi thói quen “chuộng” thuốc ngoại

Trong giai đoạn 1 (2012-2016) của đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, sau 4 năm thực hiện đề án, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 50% cho công tác phòng, chữa bệnh với 520 hoạt chất trên tổng số 953 hoạt chất hiện đang lưu hành trên thị trường.

Tuy nhiên tỉ lệ sử dụng thuốc nội tại các BV tuyến tỉnh chỉ tăng 1,5% lên mức 35,4% so với trước khi triển khai đề án. Đặc biệt, tỉ lệ sử dụng thuốc nội tại BV tuyến trung ương rất thấp và có xu hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2013, tỉ lệ này là 11,57%; năm 2014 là 11,31% và đến năm 2015 chỉ còn 10,02%.

Nhiều BV lớn sử dụng dưới 6% thuốc nội (năm 2015): Phụ sản TƯ (3,14%); BV K (3,3%); Bạch Mai (3,97%); Bệnh viện Việt Đức (5,87%); Tai mũi họng TƯ (5,63%)…

Bộ Y tế đánh giá, người dân nói chung và không ít thầy thuốc nói riêng vẫn còn có quen dùng thuốc ngoại đắt tiền để chữa bệnh trong khi hiệu quả so với thuốc sản xuất tại Việt Nam là tương đương.

Chính những thói quen này gây tốn kém, lãng phí kinh phí cho chữa bệnh rất lớn, vì thuốc nhập ngoại thường có giá thành đắt hơn nhiều trong khi đó thuốc sản xuất tại Việt Nam thì được sử dụng rất thấp.

{keywords}
Bên trong một nhà máy thuốc đạt tiêu chuẩn GMP tại Việt Nam

Theo mục tiêu của Bộ Y tế, đến năm 2020, tỉ lệ sử dụng thuốc Việt trong các BV tuyến TƯ đạt 22%, trừ một số bệnh viện chuyên khoa; 50% ở bệnh viện tuyến tỉnh (tăng 2% - 4%/năm) và 75% ở bệnh viện tuyến huyện.

Mục tiêu chung, thuốc sản xuất trong nước sẽ đáp ứng 70% nhu cầu điều trị và giá trị thuốc Việt Nam xuất khẩu mỗi năm tăng từ 5 - 10% so với năm trước.

Bộ Y tế cho rằng, khi nhận thức đúng về chất lượng, hiệu quả thuốc sản xuất tại Việt Nam và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp dược tại Việt Nam qua đó sẽ làm thay đổi thói quen sử dụng thuốc ngoại bằng thuốc sản xuất trong nước. Điều này cũng góp phần giảm gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình và xã hội, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam.

4 nhóm giải pháp cơ bản

Để thực hiện mục tiêu nói trên, trong 3 năm qua, ngành y tế đã đề ra 4 nhóm giải pháp cơ bản: Giải pháp về cơ chế chính sách; Giải pháp đối với cơ sở y tế và thầy thuốc; Giải pháp đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc và giải pháp về truyền thông.

Về cơ chế chính sách, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ/Ngành liên quan trình Quốc Hội/Chính phủ ban hành các văn bản quy định theo hướng ưu tiên thuốc sản xuất trong nước như Luật Dược sửa đổi 2016, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật đấu thầu, Chiến lược Quốc gia về phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030...

Đặc biệt, để ưu tiên trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập, Bộ Y tế đã ban hành Danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu; thuốc sản xuất trong nước được phân nhóm để đấu thầu riêng, đồng thời được tham gia tất cả các nhóm đấu thầu khác khi đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật.

Về phía cơ sở y tế, việc triển khai Đề án đã được lãnh đạo các tỉnh/thành, Sở Y tế chỉ đạo sát sao. Nhiều bệnh viện đã chỉ đạo xây dựng danh mục thuốc đấu thầu với chính sách ưu tiên thuốc sản xuất trong nước. Năm 2018 tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng 57,03%, nếu tính cả tuyến huyện và tỉnh thì tăng 63,53%.

Ngành y tế cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế và người dân thông qua các buổi tọa đàm, tập huấn, phóng sự với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”...

Nhờ những giải pháp đồng bộ trên, tỉ lệ giá trị và số lượng thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã tăng dần qua từng năm.

Đến năm 2018, theo báo cáo của các sở y tế, tỉ lệ trung bình giá trị thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện có sự tăng nhanh qua các năm, từ mức 46,62% năm 2013 tăng lên 63,53% năm 2018.

Riêng tuyến tỉnh, trong thời gian qua tỉ lệ dùng thuốc sản xuất trong nước đã tăng từ 34,1% (năm 2013) lên 57,0% (năm 2018), vượt mức mục tiêu đề ra năm 2020 là 50%; đối với tuyến huyện đạt 76,62% năm 2018 vượt mức mục tiêu đến năm 2020 là 75%.

Điển hình, một số tỉnh có tỉ lệ thuốc trong nước sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cao như: Phú Yên (87%), Quảng Bình (76,9%), Tuyên Quang (76,46%)…

Hiện Việt Nam cũng đã sản xuất được sản xuất được 12/13 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Cũng theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 200 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S. Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.

(Nguồn Cục Quản lý Dược)