- Trong số 15.523 phạm nhân được đặc xá năm nay, có 4 trường hợp phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Đó là các phạm nhân: Dương Đức Phong, Hoàng Hưng Quyền, Y Kõn Niê và Y Huông Niê.
Sáng nay, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức buổi
họp báo công bố quyết định đặc xá năm 2013 của Chủ tịch nước.
Đặc xá được thực hiện nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, dân chủ. Ảnh: Cẩm Quyên |
Có tổng cộng 15.523 phạm nhân được đặc xá (1.842 nữ), trong đó đặc xá tha tù trước thời hạn cho 15.446 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, 72 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, 5 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Với các hình phạt bổ sung khác như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm rời khỏi nơi cư
trú, phạt tiền... các phạm nhân sau khi được đặc xá vẫn phải chấp hành đầy đủ
theo đúng quy định của pháp luật.
Trả lời câu hỏi của hãng thông tấn Reuters về việc đặc xá cho các tù nhân chính
trị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ luật Hình sự
của Việt Nam không có quy định về phạm tội chính trị mà chỉ có quy định về phạm
tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Ông Vương thông tin: Theo quyết định đặc xá của Chủ tịch nước năm 2013, có 4
trường hợp phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia được đặc xá trong đợt
này.
4 phạm nhân này gồm: Dương Đức Phong (sinh năm 1960 tại Hà Giang, thi hành án
trại giam Nam Hà), phạm tội gián điệp, được đặc xá trước thời hạn 3 tháng 20
ngày.
Phạm nhân Hoàng Hưng Quyền (sinh năm 1934 tại Hải Hà, Quảng Ninh, thi hành án
trại giam Nam Hà), phạm tội gián điệp, được đặc xá trước thời hạn 4 tháng 7
ngày.
Phạm nhân Y Kõn Niê và Y Huông Niê (Đắk Lắk) phạm tội phá hoại chính sách đoàn
kết, thi hành án trại giam Xuân Phước, được đặc xá trước thời hạn (lần lượt) là
1 năm 10 tháng 7 ngày và 1 năm 9 tháng 12 ngày.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết có 16 người nước ngoài cũng được
đặc xá trong đợt này, gồm 5 người Trung Quốc, 2 người Đài Loan (Trung Quốc), 4
người Campuchia, 2 người Malaysia, 1 người Mỹ, 1 người Bỉ và 1 người Úc.
Một trong những điều kiện để được đặc xá là phạm nhân phải thực hiện xong các
nghĩa vụ tài chính (như án phí dân sự, án phí hình sự, tiền phạt, bồi thường,
….) và các nghĩa vụ dân sự khác.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết hầu hết số phạm nhân được đặc xá lần này đã
chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ trên. Người phải nộp nhiều tiền nhất cho các nghĩa
vụ trên (bồi thường, án phí) trước khi được đặc xá là một phạm nhân phạm tội lừa
đảo. Mức tiền phải nộp là hơn 3 tỷ đồng. Người nộp ít nhất là 50 ngàn đồng.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước
Giang Sơn cho biết việc đặc xá là sự thể hiện và ghi nhận kết quả cải tạo chấp
hành tốt các nội quy, quy chế của phạm nhân và cũng là sự thể hiện, ghi nhận kết
quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân ở các trại giam, trại tạm giam và
của toàn xã hội.
“Việc đặc xá tha tù trước thời hạn cho phạm nhân là chính sách nhân đạo của Đảng
và Nhà nước. Chính sách nhân đạo đó không chỉ dừng lại ở việc đặc xá tha tù mà
còn thể hiện ở việc tạo điều kiện để những phạm nhân được đặc xá tái hòa nhập
cộng đồng”, ông Sơn khẳng định.
Ông khẳng định việc đặc xá được thực hiện theo nguyên tắc: nghiêm minh, chặt
chẽ, công khai, dân chủ, đảm bảo công bằng, đúng đối tượng và đúng điều kiện đã
quy định.
Việc tạo điều kiện để người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng là một vấn đề
nhận được sự quan tâm của các phóng viên trong buổi họp báo. Theo thượng tướng
Lê Quý Vương, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội hiện ở mức thấp (0,83%). Hiện
nay, có những địa phương (như Thanh Hóa) thực hiện việc tái hòa nhập cộng đồng
cho người ra tù rất tốt.
Ông Giang Sơn cho biết các cấp ủy Đảng và UBND các địa phương chỉ đạo các ngành,
các cấp không phân biệt với người được tha tù về địa phương trong việc thực hiện
các chính sách xã hội như việc làm, vay vốn để kinh doanh, sản xuất, xóa đói
giảm nghèo.
Cẩm Quyên