Một bản danh sách những “trọng bệnh” trong giáo dục trẻ ở Việt Nam, trong đó có những “bệnh” như dạy trẻ con thành thiên tài, chạy đua vào trường top của Hoa Kỳ… được ông Nguyễn Tuấn Hải, chủ một số cơ sở đào tạo giáo dục cho trẻ em ở Hà Nội, đưa ra.

1. Dạy trẻ con thành thiên tài ở bậc phổ thông

Đây là “căn bệnh” số 1 trong nền giáo dục của chúng ta. Ngày ngày, chúng ta chứng kiến việc các em học sinh bị nhồi nhét từ bé để đua tranh vào các cái gọi là trường chuyên lớp chọn, như thể đó là cách duy nhất để có được tương lai xán lạn. 

{keywords}
Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Đây là hệ quả trực tiếp của kiểu đào tạo gà nòi. Vậy có nghĩa là phần đông các em học sinh không thể vào được trường chuyên lớp chọn sẽ không thể có được những cơ hội và cuộc sống tốt đẹp mà một giáo dục bình đẳng có thể mang lại cho chúng hay sao?

Hầu như tất cả các học sinh khá giỏi đều được cha mẹ nhắm vào luyện thi chuyên Toán hoặc chuyên Anh, vậy thì các môn học khác thì sao (ví dụ như Vật lý là môn khoa học tuyệt vời gắn bó với cuộc sống hàng ngày và cả những môn xã hội mà ra đời mới biết nó quan trọng và đặc biệt là nghệ thuật)? 

Biết bao nhiêu tài năng đã bị bỏ qua và lãng phí vì chính các em học sinh đã không được định hướng và tạo cơ hội phát triển đúng với thiên hướng và tiềm năng vốn có của chính mình. 

Chúng ta hãy nghĩ xem, số đông học sinh không vào được trường chuyên lớp chọn thì sẽ ra sao? Bị tước đi hầu hết các cơ hội khi còn ở phổ thông và phải chờ đợi các cơ hội ở trường đời?...

2. Người lớn muốn làm tỉ phú

Hãy nhìn cách mà người Việt tham gia giao thông: tất cả đều cố gắng lao lên phía trước để vượt người khác dù chỉ là một cái bánh xe máy. Cũng tương tự như vậy là cuộc đua trong giáo dục đại học và học nghề khi người ta chỉ muốn và chỉ thích học những nghành "làm ra tiền và kiếm được tiền". Tất cả chỉ phục vụ cho mục tiêu muốn làm tỉ phú, càng nhanh và càng sớm càng tốt. 

Các ngành nghề về khoa học và nghệ thuật hay phục vụ cộng đồng mất hết các tài năng đáng lẽ là của họ vào những ngành dễ kiếm tiền. Tư duy của sinh viên và của người đi làm là thành công phải là tiền bạc và địa vị. Các yếu tố về đam mê cống hiến, học hỏi và tài năng thật sự qua trui rèn đã bị bỏ qua không thương tiếc. 

Người ta đi học thạc sỹ hay tiến sỹ cũng chỉ vì những thứ gắn liền với định nghĩa thành công như trên.

Thật buồn là ngày nay chúng ta xuất khẩu nhiều thứ nhưng lại không thể xuất khẩu giáo sư và tiến sỹ đào tạo ở trong nước.

3. Về cách học - là một cuộc chạy đua học kiến thức rỗng và bỏ quên hoàn toàn kĩ năng và tư duy

Tại sao tôi lại gọi những gì học sinh học được ở Việt Nam là kiến thức rỗng?

Vì 2 điều:

Thứ nhất, với trẻ em thì học không đi đôi với hành. Chỉ chăm chăm nhồi nhét kiến thức mà không có thực hành và thí nghiệm. Tôi vẫn cho rằng một thí nghiệm khoa học thực hành thú vị mà nếu như trẻ có cơ hội thực hiện thì nó đáng giá hơn cả một chương lý thuyết suông. 

Và trong ngoại ngữ, đặc biệt là môn tiếng Anh, thì tôi cho rằng việc trẻ tự tin nói được một bài tranh luận và kể được một câu chuyện hoặc viết được một bài văn có giá trị gấp nhiều lần việc làm bài tập kiểu ngữ pháp – điều đang thống trị trong các trường học và các kì thi ngoại ngữ ở Việt Nam.

{keywords}
Ảnh Đinh Quang Tuấn

Thứ hai, với sinh viên thì vẫn chỉ là lên giảng đường chép lời thầy cô đọc từ một cuốn giáo trình mà học sinh để ngay bên cạnh mình. Không có tự học, tự đọc và tự nghiên cứu. Và tất nhiên cái gọi là học tập suốt đời là câu chuyện hoang đường.

Kết quả là các tư duy nền móng cho trí tuệ và văn minh như phản biện, hoài nghi, sáng tạo, tìm tòi... đều là thứ xa lạ.

4. Chạy đua vào các trường top của Hoa Kỳ

Khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào du học Mỹ trở nên sôi động bất ngờ cho dù nó đã là một dòng chảy từ lâu ở Việt Nam. 

Phong trào này hiện đang lên cao ở Hà nội và TP.HCM, và đều dùng chung một thông điệp: điểm các kỳ thi chuẩn hóa thật cao và vào được các trường top. 

Một số rất ít thiểu số học sinh đã làm được cả 2 điều trên. Phần còn lại của tảng băng chìm là số đông các em không làm được điều này. Và nhận trái đắng. Các em chỉ chạy đua vào các trường theo danh tiếng tên tuổi của trường mà quên đi một vấn đề cốt tử cho tương lai của mình là học cái gì quan trọng hơn rất nhiều việc học trường gì!

Và với kiểu dạy và học hiện nay, thực chất đây là một kiểu luyện gà chọi mới không hơn không kém.

Với các điểm số trên 1500/1600 thì ngay cả người Mỹ cũng bất ngờ. Họ bất ngờ không hẳn vì sao bạn giỏi thế (về điểm số) mà còn vì tại sao bạn phải làm thế?

Phần đông học sinh Mỹ, kể cả những tài năng sau này có thể trở thành các nhà khoa học lớn, đều không có điểm SAT cao như thế hoặc không chạy theo điểm thi cao như thế, cho dù họ thừa sức làm được nếu cày và luyện nó. Vì họ không thấy cần phải học theo cách như thế và không sẵn sàng đầu tư nhiều thời gian và cả tiền bạc chỉ để đạt điểm cao kiểu như thế.

Vâng, họ không sẵn lòng đánh đổi.

Vì họ biết các trường đại học Hoa Kỳ không cần họ phải có điểm SAT tới mức 1500 hoặc 1550.

Và tiếp theo nữa, họ biết là nếu chạy theo điểm số cao ở mức 1500 trở lên như ở... Việt Nam, họ sẽ bị mất hết thời gian cho những môn học và các hoạt động khác. 

Và sau cùng, học sinh Mỹ không chấp nhận kiểu học tủ và cày quốc thiếu sáng tạo đó.

Một bộ phận không nhỏ các em mang giấc mơ du học Mỹ hiện nay ở Việt Nam đang hy sinh tất cả thời gian để chạy theo điểm số SAT cao. Các em dành cả mấy năm trời theo đuổi điểm số cao cho SAT, nhưng những gì mà chúng ta thấy trên truyền thông rằng bạn này bạn kia điểm khủng và vào được Ivy League hoặc tương tự chỉ là thiểu số rất nhỏ nhoi. Tôi xin nhấn mạnh chữ nhỏ nhoi.

Ngay cả khi Ivy League cũng không yêu cầu phải có SAT cao như thế thì người Việt vẫn theo đuổi và đánh đổi. Đó là một điều đáng báo động.

Vậy các bạn có thể đặt câu hỏi: Có nhất thiết phải theo đuổi giấc mơ trường top hay không?

Câu trả lời của tôi là: Không nhất thiết phải như vậy.

Ở Mỹ có rất nhiều trường tốt, và ở các trường tốt ngoài Ivies vẫn đầy dẫy các tài năng lẫy lừng mà chính họ đã bị Ivy League từ chối. Một học sinh tài năng xuất chúng của tôi học Williams College có nói với tôi là: quan trọng nhất vẫn là lúc ra trường sống là làm việc thế nào. 

Và tôi xin khẳng định là nhiều người từ Harvard hay các trường top không coi bản thân mình là cái gì đó đặc biệt cả.

Nguyễn Tuấn Hải