“5 lần đi ăn theo đánh giá trên mạng thì tới 3 lần phải bỏ về. Có quán trông xập xệ hơn ảnh, có quán vừa đắt vừa chẳng ngon, lại không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó, mình ‘chừa’, không dám tin các reviewer đồ ăn nữa”, Minh Anh (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ với Zing.
Minh Anh không phải người duy nhất thất vọng khi tới trải nghiệm các quán ăn do những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực ẩm thực giới thiệu.
Thực tế, bên dưới những bài đăng chia sẻ hàng quán trên mạng xã hội, không ít người để lại bình luận tố cáo tình trạng “ăn không nói có”, nhận tiền quảng cáo để giới thiệu địa điểm ăn uống sai sự thật của các food reviewer.
Trải nghiệm và đánh giá món ăn trở thành một nghề nghiệp mới của giới trẻ. Ảnh: Alexander Spatari/Getty Images. |
Hái ra tiền nhờ "ăn thử hộ thiên hạ"
Food reviewer, hay còn được mệnh danh nghề “ăn thử hộ thiên hạ”, là những người tự trải nghiệm và đưa ra nhận xét với các món ăn trên mạng xã hội.
Công việc hấp dẫn này nổi lên cùng thời điểm Internet phổ biến tại Việt Nam và nhanh chóng trở thành trào lưu, được giới trẻ đón nhận nhiệt tình.
Với niềm đam mê với ẩm thực và mong muốn giới thiệu quán ăn ngon tới người theo dõi, những nhà phê bình ẩm thực thường tìm đến các hàng quán ít người biết tới, hoặc được đánh giá cao hay gây tranh cãi để kiểm chứng và đưa ra cảm nhận thật.
Hầu hết bài đánh giá đều dựa trên trải nghiệm cá nhân về không gian quán xá, hương vị món ăn, giá thành, thái độ phục vụ và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khi cộng đồng đánh giá ẩm thực ngày càng mở rộng, các quán ăn, nhà hàng cũng dần quan tâm tới hình thức chia sẻ trải nghiệm ăn uống online. Họ mời những người có ảnh hưởng tới dùng bữa thử và trả tiền để viết bài chia sẻ trên mạng xã hội.
Việc các nhà hàng, quán ăn sử dụng người có ảnh hưởng để tiếp cận tập khách hàng tiềm năng không còn là chuyện lạ trong thời đại 4.0. Ảnh: Wirestock/Freepik. |
Với mức thù lao hậu hĩnh, nghề food reviewer được nhiều người trẻ coi như một công việc toàn thời gian, sẵn sàng dành cả ngày đi ăn uống, viết cảm nhận và chia sẻ lên các nền tảng mạng xã hội.
“Đã coi là công việc thì phải kiếm ra tiền. Khi sở hữu lượng người theo dõi ổn định, họ sẽ chỉ nhận các bài quảng cáo thay vì chủ động tìm kiếm quán, ăn thử và viết nhận xét”, Phương Anh (23 tuổi), một chuyên viên marketing ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) có nghề tay trái là food reviewer, nói với Zing.
Mức thù lao phụ thuộc vào hình thức đăng bài viết và lượng người hâm mộ của người đánh giá ẩm thực, dao động từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu VND.
Theo khảo sát của Zing, một tài khoản chuyên về hàng quán ăn ở TP.HCM, sở hữu hơn 30.300 người theo dõi, báo giá 1-3 triệu VND cho tùy gói quảng cáo trên mạng xã hội.
Một kênh khác viết về các quán cà phê ở Hà Nội và TP.HCM có hơn 202.000 người theo dõi đưa ra mức giá 3 triệu VND cho gói quảng cáo gồm một bài đăng kèm 2 video story trên Instagram.
"Mức giá phổ biến mà mình nắm được trong ngành là 5-15 triệu VND", Phương Anh nói.
Tình trạng "ăn không nói có"
Khi bày tỏ cảm nghĩ về đồ ăn trở thành “cần câu cơm”, những lời đánh giá của nhà phê bình ẩm thực không còn giữ được tính chất khách quan như ngày đầu.
Không còn những bài viết khen chê thẳng thắn, các người có ảnh hưởng trong lĩnh vực ẩm thực vừa phải đáp ứng yêu cầu của các chủ nhà hàng, vừa bày tỏ cảm nghĩ cá nhân.
Food reviewer phải lựa chọn từ ngữ phù hợp để vừa hài lòng phía nhà hàng, vừa đảm bảo tính trung thực. Ảnh: Markus Winkler/Unsplash. |
“Giờ đây, mình phải chọn lựa từ ngữ, cách diễn đạt cẩn thận hơn. Điểm chưa vừa ý thì nói thế nào, ưu điểm thì cần nhấn mạnh ra sao để làm hài lòng đối tác và giữ tinh thần review trung thực ban đầu. Chẳng dễ chút nào!”, một nữ reviewer ẩn danh cho biết.
Thậm chí, nhiều người đánh giá ẩm thực còn chấp nhận “ăn không nói có” để làm hài lòng bên thuê.
Một food reviewer sở hữu hơn 10.000 người theo dõi mới đây chia sẻ bài viết khen nức nở quán Chè bưởi cô Yến trên phố Bà Triệu (Hà Nội) trên một nhóm đánh giá đồ ăn.
Khác hẳn với những gì được đề cập, chẳng hạn như “lớp cốt dừa sệt sệt bùi bùi”, “đậu xanh khá mát”..., mục bình luận xuất hiện không ít người lên tiếng phản đối nội dung bài đăng.
“Ăn chán kinh lên được mà khen ngon. Bỏ bao tiền để lên bài vậy? Cốt dừa thì cho nhiều bột quá, ăn cứ dính dính như đờm. Khuấy lên thấy cốt dừa đi đằng cốt dừa, chè đi đằng chè”, tài khoản có tên Mai Phan Anh bày tỏ sự phẫn nộ.
Gần 600 bình luận khác cũng đều xoay quanh sự dở tệ của quán chè này: “Ăn được vài thìa là thấy buồn nôn”, “Vì review mà đến đây, nhưng mình ăn chẳng ngon gì cả”, “Chắc lại mới thuê viết bài, chứ quán này cô bán hàng vừa khó tính ăn vừa chán”...
Đăng chưa được bao lâu, người viết bài phải khóa vội mục bình luận do có quá nhiều lời chê bai. Đáng chú ý, bài viết về quán chè với nội dung và hình ảnh tương tự vẫn được người này sao y bản chính ở nhiều hội nhóm review đồ ăn khác trên mạng xã hội.
Người đăng thì khen ngon, tự nhận “mẹ mình hay mua của cô đều đặn hàng tuần”, còn thực khách - những người từng ăn thử món chè bưởi kia - tiếp tục la ó, phản đối.
Những bài viết không đúng sự thật sẽ gây mất niềm tin ở thực khách. Ảnh: ST Channel/Seventeen. |
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại một bài đăng khen ngợi quán bún riêu đậu tóp mỡ ở Kim Mã (Hà Nội). Người viết bài dành cho món ăn này nhiều lời có cánh như “giá thành rẻ, tô bún đầy đặn”, đính kèm là những bức hình long lanh.
Thế nhưng, ngay dưới bài đăng là vô số bình luận chỉ trích từ thực khách, khẳng định rằng “hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa”.
“Bát bún thường có giá 32.000 VND, tưởng đầy đặn ra sao mà chỉ có một miếng giò trong bát. Nước dùng không chua chua, thanh thanh như review mà đầy mỡ, khó nuốt lắm”, tài khoản Nguyễn Yến Nhi phản bác.
Thực khách mất lòng tin
Sau nhiều lần tin tưởng reviewer nhưng lại không hề ưng ý, không ít dân mạng quyết định quay lưng với những sao mạng này.
Từ những trải nghiệm không mong muốn, Minh Anh cho biết cô không còn tin tưởng các bài đăng đánh giá như trước nữa.
Mai Hoàng (20 tuổi, TP.HCM) cũng cho biết cô hiếm khi tin lời những người có ảnh hưởng trên mạng mà sẽ nghe lời khuyên từ bạn bè vì “không tin người ngoài”.
“Mình cũng không biết tiêu chí đánh giá của họ thế nào nên khó tin lắm. Chỉ có bạn bè, người thân mình nói thì mới cảm thấy chân thật”, cô nói.
Nghề phê bình ẩm thực online đang dần bị bão hòa. Ảnh: Aaron Choe/Flickr. |
Dù số lượng người dấn thân vào nghề ngày càng tăng, hiếm reviewer nào thực sự để lại ấn tượng với người theo dõi và duy trì được quan điểm nhận xét như thời điểm ban đầu.
Nhiều người cũng nhận định rằng thị trường influencer trong lĩnh vực ẩm thực đang dần “bão hòa”.
"Không dễ gì để gặp được một trang đánh giá đồ ăn chất lượng vì hiện tình trạng quảng cáo lố nhiều, thành ra người đọc cũng không còn tin nhiều nữa", food reviewer Phương Anh chia sẻ với Zing.
"Mình từng nhận được lời mời dùng thử sản phẩm của một số nhà hàng lẩu hoặc quán đồ uống. Tuy nhiên, mình không nhận tiền quảng cáo từ họ, mà đơn thuần đến trải nghiệm và tự viết đánh giá thôi. Như vậy cũng là một cái lợi vì mình không bị đặt nặng bắt buộc phải khen sản phẩm của người ta", cô nói.
(Theo Zing)
Lộ tin nhắn nghi của admin hội review đồ ăn, bảo "nướng cho bánh cháy đi" để đăng bài "bóc phốt" một cửa tiệm pizza ở Thanh Hóa
Theo chia sẻ từ T.Nga, nhóm admin của 1 hội review đồ ăn tại Thanh Hoá đã dùng thủ đoạn tự nướng cháy bánh bằng lò vi sóng nhằm gây ảnh hưởng đến uy tín cửa hàng pizza. Chiêu trò này thể hiện qua đoạn chat nghi là của 2 admin trong hội, khiến nhiều người ngỡ ngàng.