Khi dùng smartphone cả ngày, bạn sẽ nghĩ rằng có màn hình cảm ứng thật tiện. Đây là linh kiện không thể thiếu trên di động, tablet hay thiết bị 2 trong 1. Nó cũng mang lại nhiều lợi ích trên màn hình lớn cho máy tính tất cả trong một đặt trong phòng khác. Dù vậy, bất chấp các nhà sản xuất chi bao nhiêu tiền cho tiếp thị để bán được sản phẩm cho bạn, một mẫu laptop truyền thống với màn hình cảm ứng là lựa chọn không hề đáng tiền chút nào.

Dưới đây là 5 lý do bạn nên nói “không” với laptop màn hình cảm ứng:

Giá thường đắt hơn

Hiện tại, laptop màn hình cảm ứng chưa được phổ biến rộng rãi. Các nhà sản xuất cũng cung cấp phiên bản laptop màn hình thường lẫn cảm ứng nhưng lựa chọn màn hình cảm ứng sẽ đắt hơn. Chẳng hạn, Lenovo sẽ tính thêm 240 USD cho mẫu ThinkPad T450s màn hình cảm ứng, còn Dell tính thêm 300 USD với mẫu XPS 13. Mẫu Chromebook C720 giá rẻ của Acer cũng tốn thêm 80 USD, tức là bằng 30% giá trị của chiếc máy.

Pin kém hơn

Dù bạn dùng nó vào mục đích gì, màn hình cảm ứng sẽ khiến pin hết nhanh hơn. Chẳng hạn, theo thử nghiệm của LaptopMag trên Dell XPS 13, bản màn hình thường dùng trong 11 tiếng 42 phút khi liên tục lướt Web qua Wi-Fi. Tuy nhiên, bản cảm ứng chỉ dùng được 7 tiếng 24 phút khi sử dụng tương tự. (XPS cảm ứng dùng màn hình Quad HD độ phân giải cao hơn, tốn năng lượng hơn màn hình full HD thông thường).

Khi so sánh ThinkPad X1 Carbon, sự khác biệt giữa thời gian sử dụng của bản cảm ứng (5 tiếng 52 phút) và bình thường (7 tiếng 45 phút) là 24%.

Điều không may là bạn không thể làm được gì để giải quyết vấn đề đó, ngay cả khi đã vô hiệu hóa tính năng cảm ứng. Kết quả gần như không thay đổi.

Máy dày hơn, nặng hơn

Nếu chọn laptop màn hình cảm ứng, bạn phải sẵn sàng với việc mang theo “gánh nặng” theo đúng nghĩa đen. Thông thường, laptop loại này sẽ nặng hơn bình thường từ 90 gram đến 180 gram. Ví dụ, Lenovo X250 bản bình thường nặng 1,3kg còn bản cảm ứng nặng hơn 1,45kg. Khác biệt về trọng lượng giữa Dell XPS 13 cảm ứng và không cảm ứng là 90 gram (1,27 kg so với 1,17 kg).

Tầm với đến bàn phím hạn chế

Khi dùng tablet hay smartphone, một điều tự nhiên là bạn sẽ đưa thiết bị sát mặt hơn. Dù vậy, khi dùng laptop, ngoài nhìn màn hình bạn còn phải gõ phím nữa. Chính điều đó tạo nên tình huống dở khóc dở cười cho người dùng.

Theo một chuyên gia về lao động học, bạn phải thực hiện nhiều thao tác hơn đó là vừa chạm màn hình vừa phải gõ bàn phím, gây ra các vấn đề về vai.

Windows 8 trang bị một số cử chỉ để hỗ trợ cảm ứng tốt hơn nhưng những thao tác đó bạn hoàn toàn có thể làm được bằng chuột hay phím tắt bàn phím.

Góc xem xấu hơn

Nếu muốn laptop có tác dụng như một chiếc gương soi, hãy mua laptop có màn hình cảm ứng. Tất cả màn hình cảm ứng đều làm từ vật liệu lóa, hạn chế góc xem và cho thấy rõ sự phản chiếu. Bản thân bạn vẫn xem nội dung tốt nhưng nếu người bên cạnh ngồi xa màn hình hoặc chéo góc 45 độ, họ chỉ nhìn thấy hình ảnh nhạt nhòa kèm theo gương mặt của họ hiện lên. Một số nhà sản xuất cam kết dùng công nghệ chống lóa nhưng chưa đủ.

Như vậy, khi chọn mua laptop cảm ứng, bạn phải đánh đổi nhiều thứ từ giá, pin, màn hình, sự tiện dụng. Không may, các nhà sản xuất vẫn tiếp tục phát triển laptop cảm ứng vì họ nghĩ rằng bổ sung tính năng này sẽ giúp bán hàng tốt hơn. Có thể trong tương lai, các nhược điểm kể trên sẽ được xử lý đến mức không ai nhận ra được. Tuy nhiên, ít nhất trong thời điểm hiện tại, hãy nghĩ đến lựa chọn truyền thống hơn khi cần mua laptop mới.