Lâu nay, người dân tại Hồng Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) tin rằng, dưới chân núi Ngũ Nhạc chính là nơi cất giữ kho báu của người Tàu, nên nơi đây đã bị nhiều người nhòm ngó trong thời gian dài, nhiều vật báu đã bị lấy mất trong một đêm mưa bão.
Xung quanh đó là những câu chuyện mang đậm màu sắc liêu trai về quán thiêng, hang Dơi...
Tấm bản đồ dựa theo ánh mặt trời?
Đến bây giờ, người dân xã Hồng Sơn cũng không biết cái tên Ngũ Nhạc có từ khi nào và càng không thể lý giải được vì sao kho báu lại được chôn ngay dưới chân núi. Theo lời kể của các cụ cao niên, núi Ngũ Nhạc có từ nghìn năm nay, nó được hợp từ 5 ngọn núi và có thể đi xuyên trong bóng tối từ ngọn núi này sang ngọn núi kia.
Tuy nhiên, một điều ít ai biết đến, núi Ngũ Nhạc chính là hệ thống hang động kỳ bí, nó như một kho báu hàng triệu năm còn lưu lại. Trước đây, vẻ đẹp của núi Ngũ Nhạc được ví như bông hoa năm cánh.
Ông Lê Hồng Lữ (74 tuổi, tại xã Hồng Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) người cũng đã cất công đi tìm hiểu về sự kỳ bí của núi Ngũ Nhạc cho biết: "Khi tôi lớn lên đã thấy 5 ngọn núi sừng sững, hùng vĩ, mỗi ngọn núi lại tạo một thế riêng. Tôi được biết rằng, trong 5 ngọn núi có núi hang Dơi rộng, đẹp nhất. Gọi nó là núi hang Dơi là vì ngày xưa, trên ngọn núi này có rất nhiều dơi ngựa trú ngụ. Thấy dơi đến ở đông, các cụ già trong làng hô hào người dân lên núi, dùng những cây tre dài để đuổi lũ dơi, sau đó dùng lửa đốt chết chúng, mang chúng về chia cho dân làng.
Kho báu bị người Tàu đánh cắp tại núi hang Dơi |
Núi hang Dơi cũng ẩn chứa rất nhiều câu chuyện lạ. Chính vì hang Dơi rộng, nên những năm kháng chiến Xưởng công binh Phan Đình Phùng có về đặt máy móc ở đó một thời gian. Họ đặt máy móc để sản xuất vũ khí, họ cũng chính là người xây những bậc thang lên xuống từ núi Kẹm đến núi hang Dơi".
Ông Lữ kể lại, mỗi ngọn núi đều có tên riêng của nó và chứa đựng những huyền bí mà không ai có thể lý giải được. Chỉ nhớ rằng, các cụ già có kể, ngày trước khi người trong làng đi xuyên từ núi Kẹm (ngọn núi đầu tiên) đến núi hang Dơi và phát hiện ra ở trong hang có một tấm bia in trên vách núi đá, những dòng chữ được khắc trên bia biến dạng không thể đọc nổi. Ban đầu, người dân cho rằng đó là chữ nho nhưng sau đó khi xem lại thì không phải. Từ đó, bia đá trên vách núi cùng những dòng chữ lạ không mấy ai quan tâm đến.
Bỗng một hôm, có người trong làng nói buổi tối họ thường nhìn thấy một ánh sáng lạ phát ra từ núi hang Dơi kèm theo đó là những lời đồn rằng dưới chân núi Ngũ Nhạc có vàng, mà hang Dơi chính là nơi chôn vàng.
Vài năm sau, người Tàu về làng, họ nói giúp chúng ta xây dựng nhà máy xi măng và khai thác 5 ngọn núi. Thời gian đầu, dân làng không thấy có động tĩnh gì của công cuộc khai thác và xây dựng nhà máy, chỉ thấy rằng, buổi tối có 5 người đàn ông thường xuyên mang đèn vào hang Dơi, họ nói lên đó để bắt chim, đốt dơi.
Ông Nguyễn Văn Hợp (81 tuổi, một người dân tại thôn Thanh Lợi, xã Hồng Sơn) tiết lộ: "Tôi còn nhớ, ngày đó các cụ trong làng kháo nhau rằng, bia đá trên vách núi chính là của người Tàu, họ chôn vàng dưới chân núi để trấn yểm.
Khi đoàn gồm 5 người đàn ông lạ tìm đường lên núi, trên tay cầm theo một tấm bản đồ cũng có những ký hiệu lạ giống như trên vách núi. Họ bảo nhau quyết tìm kho báu theo tấm bản đồ theo cách khi mặt trời điểm 12h trưa, họ sẽ lên đỉnh ngọn núi hang Dơi quan sát. Khi ánh mặt trời chiếu thẳng vào chỗ nào trong hang Dơi thì đó chính là nơi chôn vàng?
Cũng theo sự chỉ dẫn của bản đồ cùng những điểm nghi vấn được khoanh vùng, họ vẽ những ký hiệu lạ lên trên vách núi đá. Vào một đêm mưa lớn, dân làng thấy một ô tô lạ xuất hiện đón 5 người đàn ông đó đi. Người dân trong làng bàn tán rằng, 5 người đàn ông đó đã đào được kho báu. Nhiều người không tin rằng chuyện kho báu là có thực, theo họ, 5 người đàn ông lạ mặt đó vì không chịu được thời tiết nên mới bỏ đi. Câu chuyện về kho báu dưới chân núi Ngũ Nhạc có thực hay không, 5 người đàn ông lạ có lấy được kho báu hay không vẫn là một bí ẩn".
Quán thiêng giữ núi
Người dân tại đây cho biết, do bị khí hậu và nước mưa tác động, chính thiên nhiên đã tạo ra những hang động và hình thù kỳ lạ làm cho 5 ngọn núi có những sắc thái đặc thù mang vẻ linh thiêng. Các cụ cao niên trong làng kể lại, trước đây, trên núi có rừng cây rậm rạp, muốn tới được núi Ngũ Nhạc phải đi men theo con đường rừng nhỏ hẹp.
Ông Lữ cũng chia sẻ: "Xưa kia, núi Ngũ Nhạc là nơi để Xưởng công binh Phan Đình Phùng đặt máy móc sản xuất và để người dân tránh lũ mỗi khi nước dâng cao. Những năm trước, làng Hồng Sơn thường xuyên bị lũ lụt, người dân thường chạy lên núi để tránh.
Sau nhiều lần như vậy, dân làng đã xây một quán tại núi Kẹm để thờ các vị thần linh, thổ địa. Vì nhiều lần phải trú ngụ trong núi thời gian dài, các cụ trong làng đã nghĩ ra việc đục những lỗ to trên vách núi để giã gạo sinh sống. Kỳ lạ thay, một thời gian sau có một cây đa mọc lên, bao lấy quán, từ đó dân làng tin rằng quán vô cùng linh thiêng".
Kể đến đây, ông Lữ lắc đầu, chỉ tay về phía núi Ngũ Nhạc: "Bây giờ, Ngũ Nhạc không còn nguyên vẹn như trước nữa, nó bị mất đi hai ngọn núi rồi. Cũng nhờ có quán thiêng mà dân làng chúng tôi mới giữ lại được ngọn núi Kẹm này.
Thời gian trước, có công ty đến khai thác quanh núi Ngũ Nhạc. Khi họ khai thác đến khu vực núi Kẹm và có ý muốn xin chính quyền phá quán thiêng đi nhưng chính quyền xã không đồng ý nên họ không thể khai thác thêm được nữa. Và nghe đâu những người này sau đó đều gặp họa, chính vì vậy bây giờ không có ai dám đụng nên mấy ngọn núi này nữa".
Những ngọn núi còn lại của dãy núi Ngũ Nhạc |
Không phải đến bây giờ, mà rất lâu rồi, núi Ngũ Nhạc và quán thiêng trên núi khoác lên mình bao câu chuyện kỳ bí. Ông Nguyễn Anh Chiến, thủ nhang tại đình làng và quán thiêng trên núi Kẹm cho biết: "Quán trên núi Kẹm vô cùng linh thiêng, quán thờ các vị thần linh và thờ vái vọng bàn Thành hoàng làng công chúa Liễu Hạnh. Trước đây có truyền lại một câu chuyện rằng, có người cưỡi ngựa qua quán, nhưng vì không biết sự linh thiêng của quán nên không xuống ngựa hành lễ. Ngựa cũng không bước qua nổi con đường đó. Sau khi người này biết, liền xuống ngựa xin các vị thần thứ lỗi về sự bất kính của mình. Dù là ai, già trẻ trai gái khi đi qua quán đều phải ngả nón cung kính”.
Người dân xung quanh quán cũng cho biết, trước đây, vài đứa trẻ chăn trâu vì tinh nghịch và hiếu động đã tự ý lên quán lấy bát hương rước sang bên kia sông. Trò đùa của con trẻ đã xúc phạm đến các vị thần. Chính vì vậy, những đứa trẻ sau khi nghịch đêm đến là gặp ác mộng, có người mặc quần áo trắng về đòi mà không hiểu lý do gì. Gia đình những đứa trẻ lo sợ, thời gian sau mới phát hiện ra con mình đã lấy bát hương ở quán đi nghịch. Họ phải làm lễ đến xin các ngài tha lỗi.
Chính vì vậy, trong tâm tưởng người dân Hồng Sơn luôn coi quán trên núi Kẹm linh thiêng và núi Ngũ Nhạc là vật báu trời dành tặng cho dân làng.
Trao đổi với PV, ông Đặng Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn cho biết: "Những câu chuyện về núi Ngũ Nhạc có kho báu bị đánh cắp hay quán thiêng trên núi Kẹm được lưu truyền trong dân gian từ lâu nhưng không có cơ sở để kiểm chứng thực hư. Núi Ngũ Nhạc là vật báu, nhưng do thời gian và tác động của con người, núi Ngũ Nhạc đã bị phá hủy rất nhiều".
(Theo Đời sống pháp luật)