“Chiến tranh” đôi khi không phải là xấu, nó giúp hai vợ chồng học được cách lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau.
Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt không phải là điều xa lạ với các cặp vợ chồng. Tất nhiên, ai cũng muốn gia đình mình được hòa thuận, êm ấm, nhưng “chiến tranh” không phải lúc nào cũng xấu. Đôi khi tranh luận lại giúp vợ chồng hâm nóng tình cảm và thấu hiểu nhau hơn.
Tuy vậy, trong những cuộc “chiến đấu” này, nếu làm căng quá thì người chịu thiệt thòi phần nhiều là phụ nữ. Bởi vậy, các bà vợ nên hiểu một số quy tắc khi tranh luận với chồng để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Đừng bao giờ cãi nhau trước mặt người ngoài
Đây là quy tắc quan trọng nhất. Chuyện giữa hai vợ chồng thì về nhà đóng cửa bảo nhau, không nên "vạch áo cho người xem lưng". Nhiều người có suy nghĩ là cãi nhau trước mặt người khác thì sẽ giúp bạn có thêm “hậu thuẫn”, nhưng thực tế đó là một quyết định hết sức sai lầm.
Khi cãi nhau trước mặt người ngoài, bạn đã vô tình đưa mọi người vào một tình huống lúng túng, thường những người đứng giữa cũng sẽ không biết nên bênh vực bên nào. Hơn nữa đàn ông thích sỹ diện, cãi nhau trước mặt người ngoài dễ chạm đến tự ái của chồng, có thể không giải quyết được vấn đề mà còn gây phản tác dụng.
Không nên “chiến tranh” trước mặt con cái
Nếu bạn có con, đừng biến con thành nhân chứng thời điểm nóng nảy giữa bạn và chồng, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý của con trẻ. Trẻ em rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, chắc chắn con bạn sẽ rất sốc khi nhìn bố mẹ mình – những “hình tượng mẫu” trong lòng chúng lộ ra khuyết điểm. Mà khi “máu nóng” đã bốc lên, hai người dễ bị mất bình tĩnh và cũng khó kiểm soát được lời nói, hành vi của mình. Lối sống, những lời nói sai trái được con trẻ ghi nhận rất nhanh, có khi trở thành nỗi ám ảnh cả đời của con trẻ, hoặc thậm chí chúng sẽ bắt chước và học theo thái độ “xấu xí” đó.
Ảnh minh họa |
Cũng có không ít trường hợp bố mẹ cãi nhau lôi con cái ra làm bình phong, hoặc đem con cái thành trách nhiệm đùn đẩy khiến con bị tổn thương và gây ra những chuyện dại dột mà bố mẹ phải ân hận cả đời. Vì thế, người lớn nên học cách kìm chế bản thân trước mặt con cái.
Tranh cãi nhưng không được tổn thương người khác
Khi bạn giận dữ, cái tôi của bạn có xu hướng “ngự trị” lý trí và bạn rất dễ hành động theo bản năng, đôi khi bạn sẽ có những lời nói hoặc cử chỉ khiến chồng bạn bị tổn thương, mà có những tổn thương cả về tâm lý sẽ không thể nào lành lặn được. Cũng giống như việc bạn đóng một cái đinh len ván gỗ vậy, dù sau này bạn có nhổ được cái đinh đi thì vết đinh vẫn tồn tại.
Những lời nói làm đau người khác, dù thời gian có làm mờ vết thương nhưng sẽ vẫn để lại sẹo. Do đó, ngay cả trong lúc nóng giận, bạn vẫn phải luôn suy nghĩ đó là người bạn yêu mến nhất trong cuộc sống và hạnh phúc của gia đình nằm trong tay bạn. Hãy “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Đừng lôi quá khứ ra để chỉ trích hiện tại
Trong những khoảnh khắc “nảy lửa”, bạn dễ dàng lôi hết những lỗi lầm của chồng trong quá khứ ra để làm luận điểm “kết tội” chồng. Tuy nhiên, người ta cũng nói "đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại", nếu chuyện đã không thể thay đổi trong quá khứ thì cũng đừng nên nhớ tới.
Những luận điểm “ngày xưa” khó làm chồng bạn tâm phục khẩu phục, thậm chí anh ấy có thể cố ý lặp lại lỗi lầm cũ để thách thức bạn nếu bạn cứ “nhai đi nhai lại” mãi vấn đề đó.
Hãy chắc chắn rằng những lý do khiến bạn “chiến đấu” với chồng là chính đáng
Đừng vì những chuyện “lông gà vỏ tỏi” mà tranh cãi với chồng bạn, bởi những điều vụn vặt khó chịu trong cuộc sống quá nhiều, nếu suốt ngày tranh cãi vì những chuyện như vậy sẽ khiến hôn nhân của bạn vô cùng ngột ngạt và tình cảm của hai người cũng dần bị mài mòn sau những lần tranh cãi không đâu.
Có rất nhiều cách để chia sẻ với chồng điều bạn không hài lòng, “chiến tranh” chỉ là hạ sách. Còn nếu đó là vấn đề thực sự nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình bạn, hoặc là những tói xấu dai dẳng bạn đã góp ý nhiều lần mà chồng bạn không chịu thay đổi thì hãy dùng đến “chiến tranh” – nóng hay lạnh tùy từng trường hợp. Tuy nhiên, hãy nhớ, nên hạn chế những cuộc “chiến tranh” giữa hai vợ chồng, biện pháp này chỉ nên sử dụng khi không còn cách nào tốt hơn.
(Theo Dân Việt)