50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân.
Sáng 22/9, tại hội trường Bộ Tư lệnh Hải quân (thành phố Hải Phòng) diễn ra hội thảo khoa học “Đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam” do Bộ Quốc phòng tổ chức.
Phát biểu khai mạc, Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã một lần nữa giới thiệu về sự ra đời của con đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho cách mạng miền Nam; quá trình thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân - lực lượng vận tải quân sự chiến lược trên con đường này theo chủ trương của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương cách đây tròn 50 năm.
Kỳ tích vĩ đại
Tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã họp Hội nghị Trung ương 15 (khóa II), xác định: “Nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà phải được thấu suốt trong tất cả các chủ trương công tác, chính sách của Đảng, Nhà nước và hành động của nhân dân trên miền Bắc” - miền Bắc trở thành hậu phương chiến lược - nhân tố quyết định nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Những con người của con đường huyền thoại năm xưa. |
Theo đó, để vận chuyển sức người, sức của từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam, sau khi thành lập tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên bộ, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập tuyến vận tải quân sự chiến lược trên biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời đáp ứng kịp thời và hiệu quả nhu cầu vũ khí cho những địa bàn chiến trường trọng điểm miền Nam: duyên hải miền Trung, cực nam Trung Bộ và Nam Bộ - những nơi mà tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn chưa vươn tới được.
Trong tham luận của mình, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Có thể nói, việc quyết định mở tuyến vận tải chiến lược trên biển và quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết định táo bạo thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, Quân đội và nhân dân ta.
Đó vừa là sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, đồng thời vừa là sự sáng tạo độc đáo, tạo nên những giá trị nghệ thuật quân sự đặc sắc trong những thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến. Đó còn là biểu hiện của ý chí độc lập tự do, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân trong tham luận của mình nói rõ: “Có thể khẳng định rằng đường Hồ Chí Minh trên biển là một kỳ tích vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là sản phẩm của ý chí sắt đá, tinh thần dũng cảm và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; nó góp phần phát huy sức mạnh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa - nhân tố quyết định nhất, kết hợp với sức mạnh tại chỗ của cách mạng miền Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn của toàn dân tộc, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.
Việc mở Đường Hồ Chí Minh trên biển - thành lập Đoàn 759 - Đoàn 125 thực sự là “một thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược” của Đảng Lao động Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong tham luận đọc tại hội thảo, Đại tá Phùng Văn Chải, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng cũng nhấn mạnh: “Con đường mang tên Bác là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, là thành quả, ý chí, nghị lực của dân tộc, biểu tượng anh hùng của cách mạng, hậu phương vững chắc cho miền Nam…”.
Tuyến vận tải quân sự chiến lược xuất sắc
Đây là nội dung chính, được khẳng định và trình bày rõ ràng trong tham luận của các tác giả Trần Phi Hổ, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Châu Thanh, Nguyễn Vĩnh Phú, Bùi Tiến Thành… Theo các tác giả này, có thể nói, về số lượng vũ khí và hàng hoá mà Đoàn 125 vận chuyển bằng đường Hồ Chí Minh trên biển so với số lượng vận chuyển của đường Hồ Chí Minh trên bộ thì ít hơn nhiều; nhưng nó lại có ý nghĩa thật lớn lao.
Đúng như phân tích của tác giả Nguyễn Văn Hiến: “Vận tải biển tuy có gian nan, nguy hiểm hơn đường bộ nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian: nếu vận chuyển đường bộ mất hàng mấy tháng trời hàng mới tới nơi, thì vận chuyển đường biển chỉ độ hơn một tuần, mà tỷ lệ tổn thất về hàng hoá chỉ 7% (93% hàng đã tới đích).
Chi phí vận tải cho mỗi tấn hàng trên biển đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với vận tải đường bộ: cứ 100 tấn vũ khí vận chuyển bằng đường biển chỉ cần 10 - 15 cán bộ, chiến sĩ, nếu vận tải đường bộ thì cần đến một sư đoàn mang vác, nếu vận tải bằng cơ giới thì lượng xăng dầu tốn gấp hàng trăm lần so với vận tải đường biển.
“Không có gì vinh quang hơn, vẻ vang hơn được làm người lính của con đường huyền thoại". |
Ngoài ra vận tải đường biển còn thường được đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng đó là vận chuyển những “hàng hóa đặc biệt" có tính sống còn đối với cuộc kháng chiến - đó là các loại vũ khí trang bị lớn, đặc chủng, những cán bộ cao cấp của Đảng, những chuyên gia đặc biệt bổ sung cho chiến trường”.
Tính từ năm 1961 đến tháng 4 năm 1975, Đoàn 759 - Đoàn 125 đã vận chuyển được 44.324 tấn vũ khí, trang bị, hàng hoá chi viện cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ.
Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thực hiện Chỉ lệnh "thần tốc" của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, phải vận chuyển thật nhanh những vũ khí hạng nặng và hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ vào miền Tây, kịp thời hiệp đồng tác chiến với các cánh quân đường bộ, Đoàn 125 đã thực hiện thành công 130 lần với 143 chuyến tàu, chở 8.741 tấn vũ khí hạng nặng gồm 50 xe tăng và pháo cỡ lớn; đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ vượt 65.721 hải lý để kịp thời tham gia chiến đấu, giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo phía Nam thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đường Hồ Chí Minh thực sự là một chiến trường ác liệt. Những chiến sĩ trên các con “tàu không số” không chỉ thường xuyên đối mặt với dông bão, sóng dữ của biển cả, mà còn phải đối phó với những âm mưu, hành động ngăn chặn, đánh phá ác liệt của quân thù; mưu trí, dũng cảm trong từng cử chỉ, hành động để tìm cách đưa những con tàu đến đích. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với mọi khó khăn, thử thách; ra đi là xác định cảm tử.
Có những chuyến đi, bị địch bao vây bốn phía, khi thấy không thể thoát khỏi sự truy lùng của địch, để giữ bí mật cho tuyến đường, họ đã biến con tàu thành một khối thuốc nổ khổng lồ lao vào tàu địch. Sự trung thành với cách mạng, sự hy sinh vô cùng anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho chiến trường, mỗi khi nhắc tới họ, không thể không quên những tấm gương sáng như: Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu, Hồ Đức Thắng, Đặng Văn Thanh, Bông Văn Dĩa và biết bao những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh cùng con tàu mãi mãi nằm lại với biển khơi.
Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 nói rằng: “Không có gì vinh quang hơn, vẻ vang hơn được làm người lính của con đường huyền thoại, và lòng ta sẽ thanh thản biết bao nhiêu khi nghĩ rằng những huyền thoại đó đều mang dấu ấn của đồng đội và nhân dân”.
Theo Quân đội nhân dân