Khu vực chợ và chợ đêm Bến Thành (quận 1, TP.HCM) từ lâu đã được nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài đánh giá là nơi có giá thuê và sang nhượng đắt đỏ nhất thế giới.

Tuy nhiên, mặt bằng nơi đây vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và các tiểu thương vẫn tối tối miệt mài dọn hàng ra kinh doanh.

Giá sang nhượng lên đến hàng chục tỷ đồng

Cách đây 2 năm, trong báo cáo về thị trường bán lẻ chủ đề Truyền thống và hiện đại, Savills Việt Nam cho biết giá thuê cao nhất của nhóm bán lẻ truyền thống thuộc về chợ Bến Thành.

Chi phí thuê mặt bằng đạt ngưỡng 30-50 triệu đồng mỗi tháng đối với các ki-ốt ở vị trí đẹp. Các vị trí khác cũng có giá thuê lên đến 10-27 triệu đồng mỗi tháng.

Trong khi đó, chi phí sang nhượng một ki-ốt có diện tích 2-4 m2 khoảng 1,2-2,5 tỷ đồng. Một số ki-ốt nằm ở vị trí thuận tiện còn được rao bán với mức giá 8 tỷ đồng. Thậm chí, “khu vực VIP” chỉ các gian hàng ở cửa Tây hướng đường Phan Chu Trinh chuyên bán các mặt hàng được khách du lịch ưa chuộng còn có giá trên chục tỷ đồng.

Đáng chú ý, một số tiểu thương cho biết mức giá này đã hạ nhiều nếu so với việc thanh toán bằng vàng trước đây. Giá sang nhượng một ki-ốt ở góc ngã tư sở hữu 2 mặt tiền lộ giới khoảng 2 m, diện tích 1,5x1 m được mua cách đây 10 năm với giá 250 lượng vàng. Một ki-ốt đôi có diện tích 1,5x3,6 m nằm trong hẻm nhỏ được mua tới 450 lượng vàng.

Với những mức giá này, chợ Bến Thành được đánh giá là một trong những khu chợ “đắt giá” nhất hiện nay.

{keywords}
Các gian hàng ở chợ đêm Bến Thành có giá lên đến hàng tỷ đồng. Ảnh: Văn Nguyện.

Dù mức giá thuê và sang nhượng chính xác ở chợ đêm Bến Thành (nằm trên đường Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu sát bên hông chợ Bến Thành) không được tiết lộ, nhưng một số tiểu thương cho biết xấp xỉ giá trong chợ ban ngày.

Ngoài chi phí thuê mặt bằng, các tiểu thương ở đây còn phải bỏ ra nhiều khoản tiền lớn để thuê nhân viên, thuê kho bỏ hàng, thuế khoán…

Mức lương của các nhân viên bán hàng thông thạo ngoại ngữ ở chợ đêm Bến Thành đạt trung bình 7 triệu đồng/tháng, trong đó mỗi đêm làm việc 4 tiếng. Còn chi phí thuê đội ngũ lắp đặt gian hàng cũng lên đến 3 triệu đồng/tháng dù mỗi ngày chỉ làm việc trong vòng 30 phút kể cả lắp đặt và xếp dỡ.

Bán chợ đêm kiếm lời khủng?

Tuy nhiên, các tiểu thương cho biết hiếm có tháng nào lỗ, bởi chợ đêm Bến Thành luôn có tên trong hầu hết tour du lịch tại TP.HCM. Ước tính mỗi đêm có hàng chục nghìn lượt khách du lịch ghé thăm, đặc biệt là người nước ngoài.

Hiện nay, với việc xây dựng tuyến Metro đoạn gần khu vực chợ, lượng khách đến đây đã sụt giảm phần nào.

Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các tiểu thương. Theo ghi nhận, trung bình mỗi đêm, các gian hàng thu về 3-5 triệu đồng tùy mặt hàng buôn bán. Vào các ngày cuối tuần hoặc dịp lễ, một số gian hàng còn đạt mốc 8 triệu đồng.

{keywords}
Nhiều người tiêu dùng cho rằng tiểu thương chủ yếu nhập hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ và bán ra với mức giá cao. Ảnh: Văn Nguyện.

Lý giải cho khoản lợi nhuận khủng này, nhiều người tiêu dùng cho rằng tiểu thương chủ yếu nhập hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ và bán ra với mức giá cao.

Thực tế, rất dễ bắt gặp những đôi giày Nike, dép Tommy Hilfiger, ví Gucci, túi Prada… được hét giá từ 300.000-1.000.000 đồng nhưng không có nhãn mác chứng minh xuất xứ, hoặc đi kèm nhãn mác của các công ty không có dấu hiệu liên quan đến các thương hiệu này.

Trong khi đó, du khách vẫn liên tục phàn nàn về tình trạng chặt chém giá cả. “Giá cả là một trở ngại lớn của chúng tôi. Bởi họ báo một mức giá nhưng rồi chúng tôi vẫn phải mặc cả thêm. Chúng tôi không bao giờ biết được đã trả đúng giá hay chưa”, chị Judit – một du khách Tây Ban Nha chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bách - Quyền cục trưởng Quản lý thị trường TP.HCM, thừa nhận gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra chợ đêm Bến Thành, do đây là mô hình mới và hoạt động ngoài giờ hành chính.

Hiện tại, Sở Du lịch TP.HCM đang lấy ý kiến góp ý cho đề xuất phát triển sản phẩm du lịch về đêm, trong đó có giải pháp kéo dài thời gian hoạt động của chợ Bến Thành nhằm tăng nguồn thu từ khách du lịch.

Tuy nhiên, trước tình trạng thiếu chặt chẽ trong quản lý như hiện nay, liệu phương án này có thực sự mang lại hiệu quả kinh tế và du lịch như kỳ vọng, hay lợi nhuận vẫn chủ yếu được “rót” vào túi tiểu thương?

(Theo Zing)