HTML clipboard

- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hoà cho biết, Bộ này đã xây dựng phương án hỗ trợ tiếp theo đối với doanh nghiệp và người lao động trở về từ Libya và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới.

Dự kiến, tổng gói hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng và lấy từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Theo ông Hoà, phương án hỗ trợ được bàn bạc, cân nhắc, ưu tiên cho các đối tượng phải về nước trước thời hạn, lao động ở 62 huyện nghèo.

Doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần phí môi giới chưa được chủ sử dụng lao động Libya hoàn trả.

Sau "sự cố Libya", hơn 10.000 lao động và trên 10 doanh nghiệp khai thác thị trường này đều thiệt hại. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp đã tiến hành thanh lý hợp đồng theo qui định của Luật Đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu đối với những lao động đi được trên 1 năm.

HTML clipboard Dù đã về nước được hơn 3 tháng nhưng lao động đi Lybya vẫn chưa được thanh lý hợp đồng vì phải chờ phương án hỗ trợ của Chính phủ.

Còn với lao động mới đi, thời gian chưa được 1 năm, doanh nghiệp chậm thanh lý do còn vướng mắc trong việc thương lượng với chủ sử dụng lao động Libya về tiền lương, tiền môi giới…

Về tình hình hiện nay của lực lượng lao động từ Libya về nước trước hạn, ông Hòa cũng cho biết: Ban đầu khá nhiều doanh nghiệp nội địa đã đăng ký tuyển dụng lực lượng này. Tuy nhiên, kết quả đạt được không như mong muốn, nhiều doanh nghiệp đã không tuyển được lao động hay chỉ tuyển được số lượng rất ít.

Nguyên nhân là do phía người lao động không chấp nhận mức lương được trả ở nơi làm việc nội địa (khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/ tháng, trong khi làm việc ở ngoài nước họ được trả gấp đôi, thậm chí gấp 3) trong khi người lao động lại phải đi xa nhà. Do đó, nhiều người chấp nhận chờ để tiếp tục đi XKLĐ ở thị trường khác.

Trước nguyện vọng của nhóm đối tượng người lao động này, Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp tiến hành rà soát ưu tiên, tư vấn giới thiệu những thị trường mới, chi phí hợp lý như Saudi Arabia, Nga…

Cũng theo ông Hòa, hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước đang chú trọng phát triển thị trường Malaysia, khá phù hợp với lượng người lao động từ Libya, bởi chi phí thấp, yêu cầu về trình độ lao động vừa phải lại có tính chất ổn định, lâu dài với mức lương từ 300 - 600 USD/tháng.

Vũ Điệp