- Ngày hôm qua 13/7, nhóm xét tuyển miền Bắc gồm 57 trường đại học (ĐH) các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra đã chạy thử phần mềm xét tuyển của nhóm với dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh trong đợt 1.
Hai vấn đề còn vướng mắc
Trao đổi với báo chí sau buổi tập huấn, ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết qua chạy thử phần mềm cho thấy việc xét tuyển, lọc ảo của nhóm vẫn còn 2 vướng mắc cần giải quyết.
Thứ nhất là vướng mắc liên quan tới tiêu chí phụ của các trường. Vấn đề này không phải lớn và nhóm đang tiến hành xử lý.
Tiêu chí phụ được sử dụng trong trường hợp các thí sinh có mức điểm bằng nhau ở cuối danh sách nhưng với số thí sinh có mức điểm bằng nhau này thì số thí sinh trúng tuyển sẽ vượt mức chỉ tiêu mà trường đăng ký trước đó.
Theo ông Tớp, nếu tiêu chí phụ đã được đưa vào đề án tuyển sinh của các trường đăng ký với Bộ GD-ĐT thì phần mềm có thể xử lý được. Tuy nhiên, có nhiều trường không đưa ra tiêu chí phụ.
Trong trường hợp này, các trường buộc phải quyết định với phán đoán của chuyên gia, và phải chấp nhận tuyển thiếu hoặc thừa vào ngưỡng cận kề của chỉ tiêu.
Chẳng hạn một ngành chỉ tiêu là 300 thì các trường phải chấp nhận tuyển 290 thí sinh hoặc 310 thí sinh. Còn nếu có tiêu chí phụ phần mềm sẽ lọc được để trường tuyển đủ chỉ tiêu.
Nhiều vấn đề nảy sinh từ các trường qua buổi "tập dượt" đã được đưa ra thảo luận sôi nổi. Ảnh: Lê Văn. |
Vướng mắc thứ hai liên quan tới việc một mã ngành có nhiều tổ hợp xét tuyển nhưng tỉ lệ chỉ tiêu cho từng loại tổ hợp là khác nhau.
Chẳng hạn một ngành tuyển sinh với 2 tổ hợp, nhưng các trường muốn 1 tổ hợp chỉ lấy 40% chỉ tiêu, tổ hợp còn lại lấy 60% chỉ tiêu. Vì thế, mức điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp là khác nhau.
Ông Tớp cho biết về nguyên tắc, điều này có thể giải quyết bằng cách tách 2 tổ hợp ra xét độc lập như 2 ngành với tỉ lệ chỉ tiêu định trước. Tuy nhiên, để làm được thì điều này phải có trong đề án tuyển sinh của các trường. Còn nếu đề án tuyển sinh không đưa ra mã ngành thì tới giờ thí sinh sẽ không tìm kiếm kịp nữa.
Ông Tớp đề xuất nếu các trường vẫn muốn thực hiện tuyển chỉ tiêu khác nhau cho từng tổ hợp thì phải thực hiện điều chỉnh đề án tuyển sinh với Bộ, và phải điều chỉnh ngay để thí sinh có thể đăng ký được. Phương án thứ 2 là sẽ xét bình đẳng, không phân biệt giữa các tổ hợp.
Theo ông Tớp, đây là vấn đề mà tổ chuyên môn của các trường không thể quyết định được. Vì vậy, vào tuần tới, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có thể tổ chức thêm buổi họp giữa các chủ tịch hội đồng tuyển sinh các trường nếu thấy cần thiết.
Một trường ra một trường vào
Nhóm xét tuyển các trường phía Bắc được hình thành với sự khuyến nghị của Bộ GD-ĐT nhằm giúp các trường lọc ảo tốt hơn, vì khi ở trong nhóm các trường sẽ biết được thí sinh trúng tuyển vào trường mình thì còn trúng tuyển vào trường nào khác.
Theo ông Trần Văn Tớp, tới hiện tại nhóm đã có 57 trường ĐH, học viện tham gia nhóm xét tuyển chung.
Trước đó, Trường ĐH Luật Hà Nội đăng ký tham gia. Tuy nhiên, do phương thức xét tuyển đã đăng ký trong đề án tuyển sinh của trường này sử dụng 30% là điểm từ học bạ, 70% điểm là từ kết quả thi THPT quốc gia nên việc xét tuyển theo nhóm phức tạp hơn. Vì vậy, Trường ĐH Luật Hà Nội đã rời khỏi nhóm.
Hiện tại, nhóm xét tuyển phía Bắc bổ sung thêm một trường mới là Trường ĐH Y Dược Hải Phòng. Vì vậy, tổng số trường tham gia nhóm vẫn là 57.
Năm nay, phần mềm xét tuyển của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho phép các trường thực hiện xét tuyển trên web chứ không phải tập trung về ĐH Bách khoa Hà Nội.
Dự kiến, 2 nhóm phía Bắc và phía Nam sẽ tiến hành chạy phần mềm để đưa ra mức điểm chuẩn dự kiến sau đó gửi lên Bộ để chạy lọc ảo một lần nữa trước khi công bố điểm chuẩn chính thức vào ngày 1/8 tới đây.
Cả nước có 2 nhóm xét tuyển, trong đó nhóm phía Bắc có 52 trường tham gia và nhóm phía Nam có 72 trường tham gia. Giữa tháng 6 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 cho các tỉnh phía Nam (từ Quảng Bình trở vào). |
Lê Văn