Từ năm 2016 - 2018, ngân sách trung ương bố trí 5.730 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng.

Chăm lo bữa ăn, nơi ở cho HS

Hiện nay trên cả nước, hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú có 975 trường (338 trường Phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học, 578 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở và 59 trường phổ thông dân tộc bán trú liên cấp tiểu học và trung học cơ sở). Tỷ lệ học sinh bán trú hoàn thành cấp tiểu học đạt 98,9%, cấp trung học cơ sở đạt 92%; có 15,2% số trường Phổ thông dân tộc bán trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Bắc Cạn là một trong những địa phương tiêu biểu thực hiện giải pháp “Trường là nhà” với mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) nhằm giảm tỷ lệ bỏ học của các em học sinh.

Trước đây, cuộc sống thiếu thốn, muốn đến trường phải mất hàng giờ đi bộ nên nhiều HS ở Bắc Cạn đã bỏ học. Tuy nhiên, với những ngôi trường phổ thông dân tộc bán trú kiên cố, an toàn nên nhiều em học sinh đã yên tâm học tập, nhiều năm đạt học sinh khá.

Như tại Trường PTDTBT THCS Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, hơn 40 em HS người dân tộc thiểu số được bố trí ở bán trú tại trường. Các em không chỉ giảm bớt thời gian đi học vất vả, mỗi tháng các em còn được hỗ trợ tiền ăn hơn 500 nghìn đồng/học sinh, 15 kg gạo/học sinh, hỗ trợ tiền điện, hợp đồng người nấu ăn tập trung. Trường miễn hoàn toàn học phí cho học sinh nghèo, giảm 70% học phí cho các em thuộc vùng khó khăn. Nhờ vậy, trường không còn học sinh bỏ học, chất lượng dạy và học được nâng lên.

Hiện tại Bắc Cạn có 16 trường PTDTBT, gồm 3 trường tiểu học, 1 trường tiểu học và THCS, 12 trường THCS ở năm huyện vùng cao là Pác Nặm, Na Rì, Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Ðồn cùng sáu trường phổ thông dân tộc nội trú huyện. Năm 2017, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 95,69%, tỉnh có thêm tám trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 80 trường.

{keywords}
 

Miễn và hỗ trợ học phí

Ngoài bố trí nơi ăn, chốn ở, chính sách miễn và hỗ trợ học phí là điều kiện quan trọng đưa HS vùng dân tộc thiểu số, vùng hoàn cảnh khó khăn đến trường. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, từ năm 2016 - 2018, ngân sách trung ương bố trí 5.730 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng.

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 145/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Nghị định số 145/2018/NĐ-CP bổ sung thêm đối tượng được miễn học phí là: Trẻ em học lớp mẫu giáo 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền.

Ngoài việc được miễn giảm học phí, trẻ em mẫu giáo 5 tuổi ở những vùng nói trên cũng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa. Chính sách miễn học phí này sẽ được thực hiện từ năm học 2018 - 2019.

D.A - Ngọc Trâm