- Bộ Tài chính vừa yêu cầu 6 doanh nghiệp sữa phải báo cáo rõ việc tăng giá sữa và lý do tăng trong thời gian từ đầu năm đến nay.

Danh sách các công ty này bao gồm: Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam); Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (sữa Abbot); Công ty TNHH sữa Nestle Việt Nam; Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến; Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam và Công ty Cổ phần thương mại và phát triển ORGANIC Việt Nam.

Yêu cầu này được đưa ra ngay sau khi Bộ Y tế ban hành Danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá, theo Thông tư số 30/2013/TT- BYT ngày 4/10/2013.

Cùng đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân phối sữa và các sản phẩm sữa trên cả nước phải kê khai giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, ngay khi Thông tư số 30 của Bộ Y tế có hiệu lực vào ngày 20/11/2013.

{keywords}

Chỉ trong chưa đầy 3 năm, giá sữa đã tăng đến 30 lần (ảnh LĐ)

Hạn chót cho việc nộp các báo cáo về giá sữa trên gửi về Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính là ngày 25/11/2013

Bộ Tài chính cũng đã có các công văn gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành, gửi các Sở Tài chính, đề nghị chính quyền các địa phương cần có chỉ đạo tăng cường việc kiểm soát thị trường sữa. Các Sở Tài chính chủ trì cuộc thanh tra, kiểm tra việc kê khai giá và niêm yết giá, rà soát các yếu tố tăng giá khi điều chỉnh giá sữa. Nếu phát hiện vi phạm thì xử lý theo thẩm quyền và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Theo thông báo gần đây nhất của Bộ Tài chính, vì được “thay tên đổi họ”, thoát khỏi danh mục hàng bình ổn, kể từ tháng 4, các doanh nghiệp sữa đã không còn gửi báo cáo kê khai giá tới Bộ Tài chính. Vì lý do này, Bộ Tài chính không thể kiểm soát, nắm bắt việc tăng giá sữa liên tục từ đầu năm.

Chỉ trong khoảng chưa đầy 3 năm, giá sữa đã tăng đến 30 lần. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, sữa tăng 4 lần, có hãng tăng liên tiếp 5 lần với mức tăng từ 7-15% tùy loại.

Sự việc chỉ khép lại sau khi Thủ tướng chỉ đạo 2 bộ này phải quản chặt lại giá sữa.

Phạm Huyền