Giáo sư Vũ Đình Hòe - một trí thức yêu nước nổi tiếng sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, rất nghèo. Vượt qua khó khăn, do được sự chăm lo tận tình của bà mẹ đảm đang, tần tảo, mặt khác ông cố gắng tự bươn chải để không bị đứt đoạn trên con đường học vấn.

Để học xong trung học, ông nhận làm gia sư "gõ đầu trẻ" tại tư gia. Để có điều kiện theo đuổi Đại học Luật, khóa đầu tiên ở Đại học Đông Dương (1932 - 1935), ông xin dạy ở các trường tư - từ trường tiểu học Hoa Kiều đến các trường trung học Thăng Long, Gia Long nổi tiếng. Ông kiếm tiền không phải chỉ để lo cho bản thân, mà còn góp phần nuôi bố mẹ, nuôi em, vợ lẽ của bố, đóng họ trả nợ và... cưới vợ.

Suốt những năm đi học, kể từ trường Tiểu học Trí Tri đến Đại học Luật khoa, ông nổi tiếng học giỏi, thi đỗ luôn thuộc loại "tối ưu".

{keywords}
Giáo sư Vũ Đình Hòe

Cái "chí" của ông cũng rất đáng trân trọng. Ông quyết tâm học giỏi, đỗ đạt cao không phải để "vinh thân phì gia", mưu giàu sang phú quý cho riêng mình. Ông sớm xác định một lý tưởng sống cao đẹp, mà những thanh niên ưu tú thuộc thế hệ ông đã hướng về, vươn tới: bằng vốn văn hóa hiện đại và nhiệt tình của tuổi trẻ, đẩy mạnh việc nâng cao dân trí, góp phần đưa đất nước thoát cảnh lầm than, nô lệ.

Với bằng cử nhân luật khoa, và rất có uy tín trong giới trí thức lúc ấy (những năm 1935 - 1945), thực dân sẵn sàng đưa ông vào hàng ngũ công chức, quan lại cao cấp, nhưng ông đã tiếp tục đi con đường mà mình đã chọn. Để kiếm sống nuôi vợ con, Vũ Đình Hòe tiếp tục dạy học ở hai trường trung học Gia Long và Thăng Long. Cùng các giáo sư đồng nghiệp như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Ngọc... ông đã góp phần đào tạo lớp lớp thanh niên từ hai mái trường này đến với chiến khu Việt Bắc. Trong những lần họp mặt cựu học sinh của hai trường này, không ít học trò cũ đã xúc động nhớ lại những giờ lên lớp hết sức cuốn hút cả về kiến thức văn chương và về tình cảm yêu nước nồng nàn sâu lắng của ông.

Ngay từ lúc ngồi trên giảng đường đại học, ông đã dành một lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động xã hội, cụ thể đã tham gia vào các hoạt động của Tổng hội sinh viên. Lúc dạy học ở hai trường Gia Long và Thăng Long, ông là đồng chủ tịch Hội Ánh sáng, cùng với nhà văn Nhất Linh ( Nguyễn Trường Tam) và Tôn Thất Bình; là thành viên nhiệt tình, sau đó là phó chủ tịch Hội truyền bá chữ quốc ngữ, mà cụ Tố - một già một trẻ đi các địa phương kiên nhẫn xây dựng các chi hội, chỉ mong sao dân mình ngày càng nhiều người thoát nạn mù chữ. Ông gia nhập đảng Xã hội Pháp (S.F.L.O), cùng hoạt động với nhiều nhân vật nổi tiếng khác như Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Phan Anh.

Tháng 5/1941, ông cùng một nhóm bạn bè tâm huyết (hai tiến sỹ luật khoa Vũ Văn Hiền, Phan Anh, nhà doanh nghiệp Hoàng Thúc Tấn, nhà báo Lê Huy Vân), may mắn mua được giấy phép ra báo của nhà nho Sở Bảo Doãn Kế Thiện. Tờ Thanh Nghị ra đời, lúc đầu là nguyệt san, một thời gian ngắn sau tiến lên bán nguyệt san, cuối cùng đổi sang tuần báo. Kèm theo đó, các ông cho ra đời tờ Thanh Nghị trẻ em, chấp nhận lỗ to về tài chính nhưng lãi lớn về tinh thần, và đã thiết thực đem lại cho thế hệ thiếu niên một món ăn lành mạnh về văn hóa, đều đặn 10 ngày một số.

Đã có thời gian khá dài tờ báo nổi tiếng này bị đánh giá nặng nề là "không nhận rõ được thời bệnh của văn hóa Việt", "chưa vượt được lập trường cải lương tư sản", "rơi vào cạm bẫy cách mạng quốc gia của Pestain - Decoux, có ảo tưởng về thứ độc lập giả hiệu trong tay Nhật" .v, v... Giờ đây bình tĩnh nhìn lại, nhận định chắc chắn phải khác đi, ông chủ nhiệm báo Vũ Đình Hòe không phải đã ngẫu nhiên tập hợp được một lực lượng trí thứ của cả thế hệ cao niên (như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Đạo Thúy, Đặng Thai Mai...) và tráng niên như ( Xuân Diệu, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Tuân, Nghiêm Xuân Yêm, Vũ Văn Cẩn, Ngụy Như Kontum, Tô Ngọc Vân, Đinh Gia Trinh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Đức Dục...) và hàng trăm cộng tác viên khác - những người không lâu sau đó đều hòa nhập vào con đường lớn, hướng tới ngọn cờ đại nghĩa, trở thành những nhân tố nòng cốt trong nhiều ngành quan trọng của chính quyền cách mạng.

Về tôn chỉ mục đích, có thể thấy sự chuyển biến hết sức tích cực của báo. Sau 8 tháng đầu "hiền khô", chuyên về "nghị luận - văn chương - khảo cứu", từ số tết năm Nhâm Ngọ (1942), người đọc chứng kiến một khuôn mặt báo mới, dồi dào sức sống, vững vàng và đúng đắn về quan điểm tư tưởng. Lần đầu tiên báo Thanh Nghị có mục xã luận, và bài xã luận đầu tiên ấy mang tiêu đề "Tết Nhâm Ngọ với thanh niên". Tiêu đề thì hiền lành, nhưng nội dung lại mạnh mẽ. Bài báo kêu gọi thanh niên " MẠNH - ĐỒNG TÂM - ĐỂ PHỤNG SỰ" (Nguyên văn chữ viết hoa).

Phụng sự ai? Phụng sự cái gì? Bài báo diễn giải: " Phụng sự một ý tưởng chung, một ước mơ chung, một hồn chung: HỒN ĐOÀN THỂ" không thể đòi hỏi trong hoàn cảnh cả Pháp và Nhật đang đè đầu cưỡi cổ dân ta, ông nhủ nhiệm Vũ Đình Hòe nói rõ ràng, toạc móng heo" ra được.

Đây là lúc báo Thanh Nghị đăng những bài thơ như Triều Nhạc  của Huy Cận

Hồn ta hỡi, ta từ trái đất
Dây buồn thương buộc uất tim đau
Đêm dài nhìn vói canh thâu
Vui chung vũ trụ, nguôi sầu nhân gian

Những câu thơ ấy, ý thơ kín đáo như muốn người lắng lòng mình để nghĩ về HỒN NƯỚC.

Bước ngoặt lịch sử của báo diễn ra trong tháng 1/1945, số báo Tết Ất Dậu, 250 trang, dày gấp 5 lần bình thường, không có thơ, không có truyện, 23 bài viết phục vụ một chủ đề như báo đã quảng cáo "Vài vấn đề Đông Dương", phân ra 6 lĩnh vực: chính trị (chẳng hạn bài "Địa vị và tương lai của nước ta" của Vũ Văn Hiền); kinh tế (như bài "Vấn đề chấn hưng nông nghiệp ở xứ ta" của Tảo Hoài), xã hội (tiêu biểu cho 6 bài viết của Dương Đức Hiền: Mối liên quan giữa thanh niên trí thức và dân quê), giáo dục ("Một nền học bình dân" của Nguyễn Văn Tố; "Việc xây dựng một nền giáo dục Việt Nam" của VH - tên viết tắt của ông chủ nhiệm báo Vũ Đình Hòe) và văn hóa ("Địa vị văn hóa Trung Quốc trong văn hóa Việt Nam" của Đặng Thai Mai, "Địa vị văn hóa Âu Tây trong văn hóa Việt Nam" của Đinh Gia Trinh). Toàn những vẫn đề cốt yếu của văn hóa, rộng ra, của vận mệnh đất nước.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, gông xiềng nô lệ mà dân tộc ta phải chịu đựng đằng đẵng 87 năm đã bị bẻ gẫy, trước ngày công bố Tuyên ngôn Độc Lập ở quảng trường Ba Đình (2/9/1945), giáo sư Vũ Đình Hòe được mời tham gia chính phủ và giữ chức Bộ trưởng giáo dục.

Chỉ trong 6 tháng ở cương vị này, ông đã làm được nhiều việc quan trọng, đáng chú ý nhất là 3 việc được Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn tán thành, ủng hộ, quyết định cho làm ngay:

1. Quyết tâm thanh toán nạn mù chữ trong vòng một năm - một kế hoạch đầy tham vọng nhưng hết sức cần thiết đúng với tinh thần Bác Hồ sắp xếp thứ tự đối tượng cần chống: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

2. Thực hiện việc dạy học ở tất cả các cấp kể cả đại học bằng tiếng Việt.

3. Nhanh chóng thực hiện kế hoạch cải cách giáo dục "thay thế hẳn nền giáo dục nhồi sọ, phù phiếm trước đây của thực dân Pháp bằng nền giáo dục của Chính phủ nhân dân cách mạng theo phương châm: Dân chủ, Dân tộc, Khoa học (Hồi ký Vũ Đình Hòe).

Bộ mặt của ngành giáo dục cách mạng non trẻ vì thế, ngay từ những ngày đầu độc lập này đã hoàn toàn đổi mới, dồi dào sức sống, tác động tích cực đến toàn thể nhân dân.

Chỉ tiếc, sau 6 tháng tại vị, ông được điều sang một lĩnh vực khác, cũng "nóng" lúc ấy - lĩnh vực tư pháp, vẫn với cương vị Bộ trưởng. Trong hơn mười năm phụ trách phần việc này, ông cũng đã có những đóng góp xuất sắc.

Gợi lại, rất sơ lược, những trang đời rất đẹp của giáo sư Vũ Đình Hòe, tôi ngờ là thế hệ trẻ hôm nay có thể học hỏi nhiều điều bổ ích. 

Hà Yên

Ảnh: Thảo Hiền