Nam Định là tỉnh duyên hải phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, vùng đất có lịch sử lâu đời, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng hào hùng.
Với gần 1.700 km2 diện tích tự nhiên, dân số gần 2 triệu người, 10 đơn vị hành chính (gồm 09 huyện và thành phố Nam Định) với 226 xã, phường, thị trấn; là tỉnh có bờ biển dài với 72 km, hệ thống đường giao thông đa dạng khoảng 7.000 km đường bộ, trên 400 km đường sông và đường biển, 42 km đường sắt, rất thuận tiện cho việc phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa giữa Nam Định với các tỉnh trong khu vực và cả nước.
Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng dựng nước và giữ nước, Nam Định tự hào là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích Vương triều Trần - Vương triều hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, với Quốc Công tiết chế Hưng Đạo đại vương 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông.
Nơi đây là cái nôi của phong trào công nhân những năm đầu thế kỷ XX, là một trong những địa phương có tổ chức Đảng ra đời sớm nhất. Từ phong trào đấu tranh cách mạng, nhiều người con ưu tú của Nam Định trưởng thành và làm rạng danh cho quê hương đất nước.
Nam Định cũng là tỉnh có nhiều di sản văn hóa, trong đó nổi bật là những di sản văn hóa có giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống như lễ hội Đền Trần, Phủ Dầy hay những vùng văn hóa dân gian cổ truyền và nhiều làng nghề truyền thống…, nơi lưu giữ nhiều giá trị tư tưởng đạo đức, giàu tính nhân văn được bảo tồn ở 2.160 thôn, xóm, tổ dân phố. Đặc biệt, Nam Định còn được coi là nơi phát sinh, hội tụ, lan tỏa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với tiềm lực và khả năng nội sinh của mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định từng là một trong 3 trung tâm công nghiệp nhẹ của cả nước.
Khắc ghi lời Bác dạy
Nam Định là một trong những địa phương được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm và dành tình cảm đặc biệt.
Sinh thời, Người đã có 5 lần về thăm Nam Định (vào các năm 1946, 1957, 1958, 1959, 1963), trực tiếp nói chuyện với tập thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà; nhiều lần gửi thư, điện, viết bài biểu dương, khen ngợi tập thể, cá nhân ở Nam Định lập được thành tích trên các lĩnh vực; biểu dương tinh thần dũng cảm và khí thế sôi sục cách mạng của quần chúng; theo dõi quan tâm từng bước trưởng thành của Đảng bộ, nhân dân và góp nhiều ý kiến để hướng dẫn, uốn nắn phong trào cách mạng đi đúng mục tiêu...
Trong lần về thăm thứ 5 của Người cách đây 60 năm (ngày 21/5/1963), khi về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V diễn ra tại Hội trường Nhà máy Dệt Nam Định (nay là Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định), với tình cảm thân ái, bao dung, Người đã chỉ ra nhiều vấn đề sâu sắc và toàn diện, trên nhiều lĩnh vực. Cũng trong lần về thăm này, Người đặt niềm tin vào nỗ lực của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, Người căn dặn: “Xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc”.
Với tình cảm, niềm tự hào và lòng kính yêu vô hạn đối với Bác, tại thời điểm đó và 60 năm qua, sự quan tâm, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí vẫn luôn là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với phong trào cách mạng và thi đua ái quốc trên quê hương đất học Thành Nam; là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh đoàn kết, cùng nhau nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vững bước tiến lên trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương.
Từ năm 1963 đến trước đổi mới, Đảng bộ, quân và dân Nam Định cùng với cả nước góp sức vào công cuộc xây dựng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh phải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Suốt chặng đường vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã không chỉ làm tròn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương, mà còn làm tròn trách nhiệm của hậu phương lớn, huy động cao nhất sức người, sức của cho kháng chiến với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Hàng nghìn thanh niên Nam Định tham gia quân đội, hàng vạn người tham gia thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến bảo vệ Tổ quốc.
Những năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Nam Định cùng với cả nước đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ khủng hoảng kinh tế, tiến hành công cuộc đổi mới và đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Sau đổi mới, Nam Định đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chủ động nắm bắt và tạo dựng thời cơ, phấn đấu rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế so với tốc độ, trình độ chung của vùng, đưa thành phố Nam Định trở thành đô thị loại I. Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, huy động sức mạnh của toàn dân tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và triển khai toàn diện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh luôn bám sát các chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa bài bản bằng các nghị quyết, các chương trình hành động để tranh thủ thời cơ, khai thác tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức trước mắt cũng như lâu dài, đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Bằng tư duy năng động, sáng tạo, quyết tâm, đổi mới, khát vọng phát triển tỉnh giàu mạnh, văn minh, xây dựng tỉnh thành nơi đáng sống, Đảng bộ tỉnh Nam Định đã cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ; đề ra nhiều chủ trương và giải pháp trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết, xây dựng một số mục tiêu cốt lõi nhằm xây dựng và phát triển Nam Định giàu mạnh, văn minh.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XX đã lựa chọn 3 khâu đột phá, đề ra 6 nhiệm vụ trong tâm để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Đồng thời xác định rõ động lực tăng trưởng là chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng. Tỉnh chủ trương lấy phát triển công nghiệp để đầu tư trở lại cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; phấn đấu để mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển của tỉnh.
Để tiếp tục cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 06 nghị quyết chuyên đề toàn khóa cùng với kế hoạch thực hiện cụ thể có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của tỉnh trong nhiệm kỳ mới. Đặc biệt, với quan điểm văn hóa là động lực để phát triển kinh tế, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa và người dân được hưởng những thành quả từ phát triển kinh tế, những năm qua, Nam Định đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách quan trọng để cụ thể hóa đường lối văn hóa của Đảng và phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, con người phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày 09/6/2016, Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU “Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định” góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, ngày 14/12/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Kết luận số 75-KL/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đang tích cực triển khai, thực hiện nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, triển khai nhiều phong trào hành động sâu rộng trong xã hội nhằm tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc, tiến bộ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nam Định hôm nay đang trở nên giàu mạnh, văn minh
Thấm nhuần lời dặn của Bác, mỗi thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, tiền phong, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.
Ở mỗi giai đoạn, thời điểm lịch sử đều có những thăng trầm nhưng dù ở bất cứ giai đoạn, thời điểm nào, với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của nhiều thế hệ, qua nhiều nhiệm kỳ, Nam Định vẫn luôn nắm chắc thời cơ, vận hội, thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh luôn quán triệt sâu sắc, nghiêm túc quan điểm lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, là trung tâm của sự nghiệp đổi mới.
Sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là từ khi tái lập tỉnh (01/01/1997), Đảng bộ và nhân dân Nam Định đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, đạt được những kết quả quan trọng. Từ một tỉnh nông nghiệp còn nhiều khó khăn, đến nay Nam Định đã vươn mình phát triển với tâm thế mới, diện mạo mới, sức sống mới.
Kinh tế của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô kinh tế không ngừng mở rộng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thường xuyên được nâng lên. Nam Định tự hào là một trong những điểm sáng của cả nước về xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm gần đây, tổng sản phẩm GRDP tăng bình quân khoảng 7,5%/năm, nhất là năm 2022 tăng 9,07% cao nhất từ trước đến nay. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản.
Năm 2022, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ 80,61%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 19,39%; GRDP (giá hiện hành) đạt gần 92,0 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách từ kinh tế địa phương đạt gần 8.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 50,075 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2021; tổng giá trị hàng xuất khẩu vượt mốc 3 tỷ USD...
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn 1,5 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và sớm hơn 11,5 năm so với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng, ngay sau khi trở thành tỉnh nông thôn mới, Nam Định đã chuyển trọng tâm sang xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn tỉnh đã có 182/204 (bằng 89,2%) xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 23 xã, thị trấn đang hoàn thiện tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh đã có 329 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư có nhiều đổi mới theo hướng chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Tỉnh đã mời đại sứ quán các nước, các hiệp hội, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tham quan, giới thiệu đầu tư sản xuất kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp tại tỉnh. Hiện đã có một số tập đoàn lớn đến từ các nước khu vực Đông Bắc Á quan tâm, khảo sát đầu tư tại tỉnh.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tỉnh huy động tối đa các nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, có tính chiến lược lâu dài về giao thông, các khu, cụm công nghiệp… Diện mạo đô thị, nông thôn đổi thay rõ rệt theo hướng phát triển bền vững, đồng bộ, hiện đại, mở rộng về quy mô, cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội khang trang, đặc biệt là điểm nhấn các công trình văn hóa xã hội, khu đô thị mới, công trình xây dựng, giao thông trọng điểm.
Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng trọng điểm, góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tạo diện mạo mới, tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý; Quốc lộ 21 đoạn Nam Định - Thịnh Long; Quốc lộ 37B; Quốc lộ 38B; Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua địa phận huyện Ý Yên; tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ
10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào; đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ; tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I); Tỉnh lộ 490C từ thành phố Nam Định - Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng...
Hiện tỉnh đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh: Tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II); tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; Khu đô thị mới phía Nam sông Đào; Công trình phòng, chống lụt, bão đê Hữu sông Hồng và đê Tả sông Đào; Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích Lịch sử - Văn hóa thời Trần; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nghĩa Hưng...
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Nam Định còn đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chăm lo sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh tiếp tục được đầu tư cả bề rộng, chiều sâu. Quy mô giáo dục được mở rộng, chất lượng giáo dục ở các cấp học, ngành học không ngừng được nâng cao.
Ngành giáo dục và đào tạo giữ vững thành tích 28 năm liên tục trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Trong 8 năm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, có 6 năm xếp thứ nhất, 2 năm xếp thứ nhì toàn quốc về điểm bình quân các môn thi. Tỷ lệ các trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học phổ thông đều cao hơn mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy. Tỉnh Nam Định có 9 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nhiều di sản văn hoá vật thể đã được công nhận là di tích quốc gia, đặc biệt Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và chùa Phổ Minh, Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Hành Thiện được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, tỉnh Nam Định có 05 hiện vật được công nhận “Bảo vật quốc gia”.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh, đều khắp, thu hút được sự đồng tình tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Toàn tỉnh đã có trên 93% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 97% thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; trên 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Huyện Hải Hậu liên tục trên 40 năm đạt danh hiệu điển hình văn hóa - thông tin cấp huyện của cả nước, 4 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân tiếp tục được chú trọng. Đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Nam Định được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một trong 3 tỉnh đứng đầu toàn quốc về hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,32%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,2%.
Nam Định là một trong các tỉnh đi đầu trong cả nước triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, xếp thứ 2 toàn quốc trong kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Đảng bộ tỉnh đã luôn chú trọng xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khoá XI, Khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương của Đảng, Đảng bộ tỉnh và cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành và trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đồng thời tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Với những thành tựu xuất sắc đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định đã vinh dự, tự hào được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; nhiều tập thể, cá nhân được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; Hàng nghìn bà mẹ được tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng… Nhiều đoàn công tác các tỉnh trong cả nước về tham quan, học hỏi kinh nghiệm, cách làm. Đó vừa là niềm tự hào, vừa là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phấn đấu giành kết quả to lớn hơn trong giai đoạn mới.
Những con số “biết nói” về thành tựu tăng trưởng đã phản ánh sinh động và đầy thuyết phục những sắc thái tươi mới trên bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của Nam Định hôm nay. Có được kết quả đó là do sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; sự liên kết, phối hợp của các địa phương trong cả nước; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao của nhiều thế hệ lãnh đạo; sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã chung tay, giúp sức để phấn đấu xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Nam Định hôm nay đang phát triển năng động, đứng trước nhiều vận hội mới. Với quyết tâm trở thành tỉnh khá của cả nước và khôi phục vị thế một trong ba thành phố lớn khu vực phía Bắc của thành phố Nam Định, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Nam Định đang quyết tâm đổi mới, vươn lên, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khói óc, chính mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình. Khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh toàn diện. Nâng cao hiệu lực hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông để tăng cường giao thương và liên kết vùng. Tập trung xây dựng phát triển các vùng kinh trọng điểm, khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển và phát triển trung tâm công nghiệp, dịch vụ thành phố Nam Định. Đẩy mạnh chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng hiện đại, xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động.
Củng cố vững chắc quốc phòng, chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tạo môi trường an toàn, lành mạnh, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.