Một thời thế giới bị đe dọa hủy diệt bởi bom nguyên tử, chiến tranh hạt nhân. Khi tiếng còi báo động vang lên, người dân bình thường chỉ có một việc duy nhất để làm: Nhặt nhạnh những thứ có thể nhặt được, tập trung cả gia đình và chạy xuống hầm trú ẩn. 60 Seconds! được xây dựng dựa vào ý tưởng đó. Đây là một game để xả stress rất tốt với những game thủ không quá cầu kỳ khó tính.

Ted - một ông bố cùng người vợ và hai đứa con phải đối mặt với thảm họa hạt nhân. Khi 60 Seconds! bắt đầu, người chơi chỉ có 60 giây để điều khiển Ted chạy quanh căn nhà, thu thập những vật dụng cần thiết để sinh tồn như thực phẩm, súng đạn, radio, mặt nạ phòng độc trước khi chui xuống căn hầm trú ẩn. Kể từ đây, 60 Seconds! sẽ chuyển sang hình thức giống thể loại game phiêu lưu point and click khi người chơi đọc cuốn nhật ký nói về những sự kiện xảy ra trong ngày, tình trạng của các nhân vật để rồi đưa ra quyết định sẽ làm gì tiếp theo.

 Trailer 60 Seconds!

60 Seconds! có 4 chế độ: Atomic Drill, Apocalypse, Scavenge và Survival. Cả bốn chế độ này đều rất dễ hiểu và có chung một mục tiêu: nhặt nhạnh mọi thứ và sinh tồn. Atomic Drill là chế độ tập luyện (tutorial). Nếu người chơi vẫn chưa mường tượng được trong đầu nên làm gì trong 60 Seconds, hãy chơi qua chế độ này trước khi thử các chế độ khác. Với một màn hướng dẫn kéo dài khoảng 10 ngày (nửa tiếng), người chơi sẽ hình dung được nên nhặt những thứ gì, phân phối lương thực, thực phẩm ra sao, đối phó với tình huống trước mắt như thế nào.

Mỗi loại vật dụng trong 60 Seconds! đều rất hữu ích. Mặt nạ phòng độc để tránh tình trạng nhiễm phóng xạ có thể gây bệnh (thậm chí cả đột biến), hộp cứu thương để dành cho trường hợp khi có người bị thương trong lúc ra ngoài tìm nhu yếu phẩm, radio sẽ cho biết tình hình bên ngoài như thế nào, khi nào quân đội bắt đầu đến cứu dân thường bị kẹt ở thành phố. Tóm lại, bí quyết đầu tiên trong 60 Seconds! là nhặt tất cả những gì có thể nhặt được và nhanh tay vứt xuống hầm, nhưng nhất thiết phải có radio và lương thực, nếu không tình thế sẽ rất khó khăn về sau. Tuy nhiên, khả năng mang vác của Ted có giới hạn, vì thế mỗi lần anh chỉ có thể mang được tối đa một người cộng hai vật dụng hoặc bốn vật dụng tất cả. Vì thế hãy cố gắng chạy thật nhanh để tiết kiệm thời gian nhiều nhất có thể.

Giai đoạn 1: 60 giây nhặt đồ.

 

Ba chế độ còn lại khá giống nhau. Apocalypse giống y hệt như Atomic Drill, chỉ khác ở chỗ diễn tập sẽ trở thành tình huống thực tế. Scavenger thực chất chỉ có nửa phần đầu tiên của game – nhặt nhạnh mọi thứ trong 60 giây rồi nhảy xuống hầm, sau đó game sẽ tự đưa ra kết luận có thể sống sót hay không. Trong chế độ Survival, phần 60 giây sẽ bị bỏ đi, người chơi sẽ được cung cấp vật phẩm ngẫu nhiên và dựa vào đó để sinh tồn trong một thời gian khá dài trước khi được cứu mạng.

Giai đoạn 2: Sống sót trong hầm.

 

Sau khi kết thúc giai đoạn 60 giây nhặt đồ, người chơi sẽ chuyển sang cảnh trong hầm trú ẩn. Công việc của game thủ lúc này là quản lý lượng đồ hộp, nước uống, cử người ra bên ngoài, đối phó những tình huống ngẫu nhiên. Giai đoạn ban đầu khá thú vị nhưng chỉ sau từ hai đến ba lần chơi, hầu hết mọi người sẽ cảm thấy phát chán vì tính chất lặp đi lặp lại của nó. Tương tác của người chơi hầu hết là với quyển nhật ký. Trước hết, thông tin đầu tiên hiện ra là những việc đã xảy ra trong ngày, sau đó là ghi chép các thành viên gia đình cần những thứ gì. Tiếp đến, người chơi cần phải phân công ai sẽ đi ra bên ngoài. Cuối cùng, sự kiện ngẫu nhiên có thể xảy ra, game thủ có thể lựa chọn phản ứng lại sự kiện ấy hay không, chẳng hạn như có tiếng gõ cửa ở bên ngoài, đó có thể là người của quân đội đến giải cứu, nhưng cũng có thể không phải như vậy. Lựa chọn mở cửa hay không là do người chơi tự quyết định.

Hầu hết thời gian sẽ chỉ là tương tác với sổ ghi chép.

 

Ý tưởng của 60 Seconds! khá hấp dẫn nhưng tất cả đã bị phá hỏng chỉ vì lý do: quá ít các sự kiện ngẫu nhiên. Hơn nữa, cứ mỗi lần chơi, game thủ lại gặp lại những tình huống na ná như nhau, đọc đi đọc lại những thứ tương tự như vậy, chưa kể nhịp độ của game khá đơn điệu khiến người chơi nhanh chóng bị nản. Cách sử dụng vật phẩm trong game cũng khá thiếu tự do và nhất quán. Chẳng hạn, người chơi có thể hơ nóng chiếc rìu để làm sạch vết thương nhưng họ chỉ có thể làm như vậy khi có một sự kiện ngẫu nhiên xảy ra và hậu quả một người trong gia đình của Ted qua đời vì không có bộ sơ cứu. Ít nhất vẫn còn một điểm gỡ gạc lại là khả năng tìm kiếm được nhu yếu phẩm khá thực tế. Mặc dù có những sự kiện cố định dẫn đến việc cả gia đình Ted được quân đội đến giải cứu và người chơi biết rõ cần phải có những vật phẩm nào mới dẫn đến được sự kiện ấy. Nhưng cả gia đình chỉ có thể hi vọng rằng người được cử đi tìm nhu yếu phẩm có thể sống sót trở về và mang theo đúng những thứ đó mà thôi.

Đôi lúc mọi thứ có thể không như ý muốn.

 

Tất nhiên, game vẫn có những điểm sáng nhất định. Phong cách đồ họa của game khá đơn giản, nhẹ nhàng và vui nhộn, khiến người chơi có thể liên tưởng đến những bộ phim hoạt hình 2D của cách đây vài năm. Ngoài ra, kịch bản của game được đầu tư khá tốt, tất cả những thứ có thể tưởng tượng được trong một bối cảnh hậu thảm họa đều xảy ra trong game: gián đột biến trong hầm, người đột biến vì bị nhện đột biến tấn công, các cuộc tấn công bất ngờ từ bên ngoài, chết vì thiếu nước uống, lương thực. Tuy nhiên, âm nhạc lại là một điểm yếu khác vì chỉ có đúng một đoạn duy nhất lặp đi lặp lại.

Kết cục: hoặc sống sót, hoặc là chết hết.

 

Robot Gentleman đã có một ý tưởng khá thông minh tuy nhiên họ chưa thể tận dụng được nó để kéo dài một màn chơi nhiều hơn một tiếng hay khiến game thủ có động lực để chơi lại. Tuy vậy, với những game thủ không có nhiều thời gian và không quá khó tính, 60 Seconds! vẫn là một game đáng để thử qua, nhất là khi trong thời gian tới, nhà phát triển sẽ bắt đầu phát hành game trên tất cả các hệ máy smartphone.

Ưu điểm

- Đồ họa game đơn giản, vui nhộn.

- Xây dựng cốt truyện tốt.

Nhược điểm

- Gameplay thiếu tính đột phá, lặp đi lặp lại nhàm chán.

- Chỉ có một bản nhạc duy nhất trong game.

Theo gamethu