- 6.700 tấn chất thải rắn thải ra mỗi ngày là mối đe dọa thường trực với tình hình môi trường tại TP.HCM hiện nay khi các công nghệ xử lý, tái chế rác thải còn lạc hậu.
Ngày 18/2, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho hay, hiện mỗi ngày thành phố thải ra trên 6.700 tấn chất thải rắn đô thị, trong đó trung bình có 1.500 -2.000 tấn chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại cần xử lý, tái chế.
Hiện Sở đã kết hợp với Quỹ Trung tâm môi trường toàn cầu (GEC) và Hiệp hội Giải pháp về Nước và Môi trường đô thị thành phố Osaka (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo "Quản lý tổng hợp chất thải rắn tại TP. Hồ Chí Minh” nhằm tăng cường công nghệ.
Chất thải rắn là sự đe dọa với cuộc chiến bảo vệ môi trường tại TP.HCM
Trước đó, trong chương trình hợp tác ký kết vào tháng 7/2011, các chuyên gia Nhật Bản đã giới thiệu các công nghệ tiên tiến liên quan đến xử lý chất thải, thu hồi năng lượng từ lò đốt, xử lý nước rỉ rác, chất thải y tế để TP.HCM tham khảo.
Song song đó, Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh cũng tổ chức đoàn tham quan thực tế các bãi chôn lấp chất thải rắn, lò đốt rác y tế, nhà máy chế biến phân compost và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố để các chuyên gia Nhật Bản góp ý.
Hiện nay, việc xử lý chất thải rắn tại TP.HCM đang được tiến hành trên công nghệ lạc hậu. Mới đây, các nhà khoa học tại thành phố đang xem xét một dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma do Trisun và KGC trình bày.
Theo thông tin khả quan, nếu dự án này triển khai thì 1 tấn chất thải rắn có thể sản xuất được 815KWh điện, tạo ra năng lượng sạch, an toàn và hiệu quả thông qua công nghệ khí hóa plasma.
Đánh giá của các chuyên gia công nghệ cho rằng dự án này hoạt động tốt sẽ tiến tới loại bỏ hoàn toàn các bãi chôn lấp rác thải hiện tại ở vùng ven gây ô nhiễm môi trường.
Ông Từ Ngọc Ẩn, Chủ tịch Hội đồng quản trị KGC cho biết: “Dự kiến nguồn tài chính cho dự án này vào khoảng 400 triệu đô-la Mỹ. Nếu dự án được chấp thuận về chủ trương, KGC sẽ cùng các đối tác khảo sát, lập dự án trình Chính phủ phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, trong vòng 36 tháng chúng tôi sẽ đưa nhà máy vào vận hành”.
Quốc Quang