Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng có chung một mong mỏi: Con mình tránh xa khỏi rắc rối, học hành giỏi giang ở trường và gặt hái thành công khi đi làm.

{keywords}
Hillary và Chelsea Clinton

Dù chưa có bất cứ công thức tối thượng nào cho việc nuôi dạy nên những đứa trẻ thành đạt, các nghiên cứu tâm lý vẫn xác định được một vài yếu tố có thể mang đến hiệu quả không ngờ cho các bậc phụ huynh.

1. Kỳ vọng cao

Sử dụng dữ liệu từ một cuộc khảo sát quy mô quốc gia với 6600 trẻ sinh năm 2001, Giáo sư Neal Halfon của Đại học California (Mỹ) và các đồng nghiệp phát hiện thấy, sự kỳ vọng của cha mẹ dành cho con cái của họ sẽ có ảnh hưởng cực kỳ lớn đến sự trưởng thành của trẻ.

"Nhiều ông bố bà mẹ đặt mục tiêu rằng con họ bắt buộc phải đỗ đại học trong tương lai. Mọi sự nuôi dạy, vun đắp hiện tại của họ đều hướng đến mục tiêu đó, bất chấp thu nhập và điều kiện tài chính của gia đình ra sao", ông Halfon cho biết.

6600 đứa trẻ đã làm cùng một bài kiểm tra kiến thức: trong nhóm kết quả tệ nhất, chỉ có 57% được bố mẹ định hướng vào đại học, ngược lại, trong nhóm kết quả tốt nhất, có tới 96% số trẻ được định hướng vào đại học.

"Thường thì trẻ sẽ biến kỳ vọng của bố mẹ thành kỳ vọng của chính mình và cố gắng hoàn thành kỳ vọng đó", Giáo sư Halfon giải thích. 

2. Địa vị kinh tế - xã hội cao

Thật đáng buồn khi 20% trẻ em tại Mỹ lớn lên trong nghèo khổ, một điều kiện hạn chế nghiêm trọng tiềm năng của chúng. Một nghiên cứu đã cho thấy, bố mẹ có thu nhập càng cao thì điểm thi SAT của con cái họ cũng càng cao.

Và tình hình càng ngày càng tồi tệ hơn. Theo chuyên gia Sean Reardon của Đại học Stanford, khoảng cách về thành công của những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có thu nhập cao và thu nhập thấp hiện nay lớn hơn từ 30-40% so với cách đây 25 năm.

3. Trình độ học vấn cao

Một nghiên cứu vào năm 2014 của nhà tâm lý học Sandra Tang (Đại học Michigan, Mỹ) nhận thấy những bà mẹ tốt nghiệp phổ thông hoặc Đại học sẽ có khả năng nuôi dạy con đến cùng trình độ học vấn với mình.

Khảo sát một nhóm 14.000 trẻ đi mẫu giáo trong giai đoạn 1998 - 2007, bà Tang nhận thấy những em bé có mẹ tuổi tên (18 tuổi hoặc trẻ hơn) có tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông hoặc vào đại học thấp hơn hẳn so với chúng bạn.

Một trong những lý do được chỉ ra là trẻ thiếu một tấm gương hoặc cảm hứng học tập từ những người thân trong gia đình, bà Tang nêu giả thiết.

4. Cung cấp cho trẻ những kỹ năng học thuật từ sớm

Một cuộc nghiên cứu quy mô rộng với 35.000 trẻ lớp chồi tại Mỹ, Canada và Anh vào năm 2007 đã nhận thấy, việc bố mẹ phát triển kỹ năng toán học cho các bé từ sớm sẽ giúp trẻ có được lợi thế cực kỳ lớn.

Nếu như trẻ biết về các con số, thứ tự số và các khái niệm toán học cơ bản từ trước khi đi học - chúng sẽ cơ hội học giỏi hơn trong tương lai, không chỉ riêng môn toán mà là trình độ học vấn và mức độ thành công nói chung nữa.

5. Chăm sóc và quan tâm

Một nghiên cứu năm ngoái với 243 người "nghèo" cho thấy, những đứa trẻ nhận được sự chăm sóc và yêu thương trong 3 năm đầu đời không chỉ hoàn thành các bài kiểm tra kiến thức tốt hơn khi con nhỏ, mà đến năm 30 tuổi, chúng còn có mức độ thành đạt cao hơn và sống hạnh phúc hơn.

Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, những bậc phụ huynh chăm chút cho con cái thường "đáp ứng với các nhu cầu của con cái một cách phù hợp" và tạo ra tâm lý yên ổn, an tâm cho trẻ mạnh dạn khám phá thế giới.

6. Không ở bên trẻ chỉ để cho có

Theo một nghiên cứu mới đăng tải trên Washington Post, thực ra việc bà mẹ ở cạnh trẻ bao nhiêu giờ không mấy ảnh hưởng đến hành vi, thể trạng cũng như mức độ thành công sau này của chúng.

Thay vào đó, việc bám rịt lấy con quá lâu, giám sát quá đà có khi còn gây ra tác dụng ngược.

Tương tự, nếu người mẹ đang stress vì công việc thì họ hoàn toàn có thể làm "lây nhiễm" tâm trạng đó sang cho trẻ.

7. Dạy trẻ cố gắng và phấn đấu

Việc trẻ nghĩ thành công đến từ đâu sẽ giúp dự đoán mức độ thành đạt sau này của chúng.

Qua nhiều thập kỷ, nhà tâm lý học Carol Dweck của Đại học Stanford đã nghiên cứu và nhận thấy, thường thì trẻ (và cả người lớn) đều nghĩ về thành công theo 2 cách. Một "nguồn cố định" bao gồm tính cách, trí tuệ, khả năng sáng tạo - tức là những yếu tố mà ta khó thay đổi được. Và thứ hai là "Nguồn phát triển được", bao gồm khả năng đương đầu với thách thức, coi thất bại là dịp để trưởng thành và hoàn thiện hơn khả năng của mình.

Nếu như bạn nói với trẻ rằng chúng đạt điểm cao trong kỳ thi là do trí thông minh có sẵn, điều đó sẽ tạo thành một tư duy "cố định". Còn nếu như bạn khen chúng thành công vì đã nỗ lực và cố gắng, đó sẽ là tư duy "phát triển".

Trong một nghiên cứu khác, Dweck đã cho trẻ chọn giữa ô chữ khó và ô chữ dễ. Những đứa trẻ với "tư duy cố định" sẽ chọn ô chữ dễ hơn để chứng minh năng lực của mình, trong khi những đứa trẻ thuộc tư duy phát triển sẽ chọn ô chữ khó, bởi chúng coi đó là cơ hội để học hỏi thêm.

Do đó, khi khen ngợi con cái, bạn đừng chỉ khen chúng vì thông minh, mà hãy biểu dương vì chúng đã thật chăm chỉ, cố gắng và phấn đấu.

Trọng Cầm