YouTube dù gây ra nhiều tranh cãi trong các năm, đây vẫn là một kênh giải trí và kiếm tiền không thể bỏ qua. Tuy nhiên, trước khi “nhảy” vào cuộc chiến này, bạn cần cân nhắc nhiều thứ để tối ưu hóa cơ hội thành công. Không có gì bảo đảm bạn khi nói về YouTube.
1. Động lực
Động lực của bạn khi mở kênh YouTube là gì? Có thể bạn muốn dạy ai đó về lập trình web hay viết ứng dụng di động, có thể bạn muốn kể những câu chuyện tuyệt vời qua phim ngắn, hoặc đơn giản là chơi và đánh giá game.
Bạn cần xác định được 3 yếu tố chính, đó là: nội dung bao trùm, đối tượng mục tiêu và lý do họ nên xem video của bạn. Chẳng hạn, kênh YouTube về thủ thuật sẽ bao gồm đánh giá thiết bị, thủ thuật công nghệ dành cho người muốn tăng kiến thức về lĩnh vực này và nó được thể hiện qua các video vui nhộn đến mức trẻ em cũng thích xem.
Bạn phải tìm ra những thứ này trước khi mở kênh YouTube nếu không sẽ chỉ là một kênh bình thường khác và không thu hút được lượt xem hay thành công dài hạn.
2. Tần suất
Một khi đã làm được điều thứ nhất, bạn cần quyết định về lịch trình sản xuất. Bạn sẽ ra mắt video mới trong bao lâu? Điều này còn phụ thuộc vào loại nội dung. Chẳng hạn, với các vlogger, có thể là hàng ngày; với nội dung nghiên cứu, có thể hàng tuần; với kỹ năng cao cấp, có thể là hàng tháng.
Hãy thực tế và nghĩ lâu dài. Bạn có thể háo hức ra video mới mỗi ngày nhưng liệu có giữ nhiệt huyết cho 6 tháng hay 1 năm hay không? Bạn muốn xem đây là công việc toàn thời gian hay chỉ là thú vui khi rảnh rỗi? Nếu thay đổi tần suất giới thiệu video mới, bạn có thể khiến người theo dõi cảm thấy không hào hứng và bỏ theo dõi.
3. Phong cách
Chìa khóa dẫn đến thành công chính là nội dung và phong cách. Người xem YouTube “yêu” bằng mắt và nếu bạn dọn cho họ một bữa ăn dù lành mạnh nhưng buồn tẻ, nhiều người sẽ bỏ đi. Trong số nhiều yếu tố dẫn đến một kênh YouTube thành công, có 3 thứ liên quan đến phong cách, đó là: tựa đề thông minh, định dạng nhất quán và ảnh nhỏ (thumbnail).
Nếu video có âm thanh, bạn nên luyện giọng chuẩn, tự tin, không vấp váp, tránh các tạp âm không mong muốn, tránh lên giọng khó chịu. Nếu lên hình, bạn nên ngồi thẳng, nhìn vào camera, mỉm cười, không bồn chồn…Bạn cũng cần biết kỹ thuật dựng video cơ bản.
4. Thiết bị
Để thành công, bạn cần mua một số thiết bị cơ bản để tạo ra video chất lượng cao. May mắn là việc này không tốn quá nhiều tiền. Về camera, bạn không cần mua DSLR hay máy ảnh không gương lật đắt đỏ mà có thể chỉ cần tới webcam độ phân giải cao hoặc smartphone. Vật dụng tiếp theo là chân máy để giữ máy ảnh/smartphone không bị rung. Bạn nên mua microphone rời và ghi âm riêng biệt, sau đó lồng vào video trong khâu biên tập. Ngoài ra, bạn nên sử dụng phần mềm chụp ảnh màn hình nếu video liên quan đến các thủ thuật máy tính hay game…
5. Quảng bá
Bạn có thể dành cả năm trời để sản xuất các video mới hàng ngày nhưng lại không có nổi 1.000 người theo dõi. Đó là tình trạng “đất chật người đông” trên YouTube. Việc này không đơn giản chỉ là làm video là có người xem.
Để thành công, bạn phải quảng bá bản thân trên các phương tiện như: mạng xã hội (hãy thực hiện tặng quà cho người theo dõi nếu có điều kiện), diễn đàn (tìm một diễn đàn con có liên quan đến nội dung bạn làm rồi chia sẻ các nội dung tốt nhất, đừng chia sẻ quá thường xuyên nếu không muốn bị cấm vì spam), cộng tác với người khác để mở rộng mạng lưới và liên hệ.
Nên nhớ, quảng bá là cuộc chơi dài hạn, có thể mất hàng tháng, hàng năm để kênh của bạn được chú ý. Kiên nhẫn là một đức tính của các tác giả YouTube thành công.
6. Kiếm tiền
Hiện tại, kiếm tiền trên YouTube khó hơn trước đây khá nhiều nhưng không phải là không thể. Bạn có thể kiếm tiền từ quảng cáo nhưng để làm giàu, bạn sẽ cần tới các phương thức: quảng cáo sản phẩm; dịch vụ tư vấn; quảng cáo trực tiếp (không phải adsense); diễn thuyết công khai; nhận tiền quyên góp từ người theo dõi.
7. Thành quả
Cách nhan nhất để nản chí khi trở thành nhà sáng tạo nội dung YouTube là gì? Đó là so sánh bản thân với người khác. Trước khi mở kênh YouTube, bạn nên đặt ra một số mục tiêu trong khả năng để giúp tập trung trên đường phát triển, giúp bạn biết được đã đi được bao xa và quan trọng là giúp bạn biết cần làm gì khi cảm thấy thất vọng.
Mục tiêu hiệu quả cần đo đếm được, cần có hạn chót, cần kiểm soát được. Chẳng hạn, bạn có thể đặt mục tiêu sản xuất 10 video trong tháng đầu tiên. Sản xuất video là hành động bạn thực hiện, còn “đạt 1.000 người xem” là một kết quả. “Kiếm 50 USD tháng này” không phải mục tiêu mà “tìm được một nhà tài trợ” mới là mục tiêu.
Tiếp tục đặt ra các mục tiêu mới khi đã hoàn thành các mục tiêu cũ, bạn sẽ thấy ngạc nhiên vì những tiến bộ mình đã đạt được.