Những quy tắc đơn giản tưởng chừng ai cũng biết nhưng đôi khi vẫn bị lãng quên. Trong một số trường hợp, sự bất cẩn nhỏ có thể gây ra thiệt hại lớn.


Nói chuyện điện thoại trong lúc lái xe nguy hiểm ngang với điều khiển phương tiện khi say rượu.

1. Không cài mật khẩu bảo vệ smartphone

Đôi khi người dùng smartphone để điện thoại ở nơi công cộng mà không có mật khẩu bảo vệ. Bất cứ lúc nào, điện thoại của bạn đều có nguy cơ bị bỏ quên hoặc lấy trộm, người khác có thể lục lọi thiết bị, truy cập phần mềm và xâm phạm email, lịch sử trình duyệt.. Đừng chỉ vì lười nhập password trước khi sử dụng mà để điện thoại của bạn rơi vào nguy cơ bị xâm phạm.

2. Truy cập thông tin ngân hàng từ smartphone

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều cho phép trường dùng truy cập tài khoản bằng smartphone thông qua ứng dụng tải về, tuy nhiên, đây không hoàn toàn là ý tưởng hay. Đầu năm nay, một cuộc khảo sát cho thấy trong nhiều trường hợp, các ứng dụng ngân hàng thiếu tính năng bảo mật cần thiết để đảm bảo an toàn. Tốt nhất người dùng nên truy cập tài khoản trên website của ngân hàng từ máy tính ở nhà.
 
3. Tải các ứng dụng từ nguồn không rõ ràng

Nhiều người dùng điện thoại Android đã gặp rắc rối vì tải về các chương trình từ nguồn thiếu tin cậy. Các ứng dụng này có nguy cơ sẽ “rước malware” về thiết bị.

4. Chia sẻ thông tin cá nhân qua mạng kém an toàn

Nhiều người dùng có quan niệm smartphone không chạy Windows có nghĩa là họ được an toàn. Không phải như vậy. Ví dụ khi kết nối mạng Wi-Fi công cộng, không thể chắc chắn dữ liệu truyền qua các mạng này chắc chắn được an toàn. Tội phạm ảo ngày càng tinh vi và lùng sục khắp mọi nơi. Hãy cẩn thận! Những kết nối mạng thiếu an toàn, đặc biệt ở những nơi công cộng là mục tiêu hacker luôn chú ý. Tương tự, bạn cũng không nên truy cập các thông tin đặc biệt quan trọng trên các mạng này như email của công ty, tài liệu dự án cần bảo mật v.v.

5. Không áp dụng các quy tắc bảo mật cơ bản như đối với máy tính để bàn

Tương tự như lý do kể trên, một số người rất cẩn thận khi dùng PC chạy Windows: Không nhấp chuột và các đường liên kết đáng nghi ngờ trên mạng xã hội, không duyệt các trang web thiết an toàn, không mở email lạ.. Tuy nhiên, họ sẵn sàng làm những việc tương tự trên smartphone vì nghĩ rằng hệ điều hành di động an toàn hơn. Đó là quan niệm sai lầm!

6. Thường xuyên tiết lộ vị trí qua mạng xã hội

 
Ngày càng nhiều người có thói quen chia sẻ thông tin về địa điểm trên mạng xã hội qua smartphone.
 
Với các dịch vụ mạng xã hội như Facebook và Foursquare đang trở nên ngày càng phổ biến, rất nhiều người bắt đầu có thói quen chia sẻ thông tin về địa điểm trên điện thoại di động. Trong những trường hợp này, họ đã đồng thời thông báo cho người khác biết mình đang đi vắng. Đây có thể là sơ hở để kẻ trộm ghé thăm nhà bạn.

7. Gọi điện hoặc nhắn tin trong lúc lái xe

Nhiều người coi điều này là “sự thật hiển nhiên ai cũng biết”. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông nhiều nhất hiện nay. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nói chuyện điện thoại trong lúc lái xe nguy hiểm ngang với điều khiển phương tiện khi say rượu.

Không phải vô cớ mà mới đây, ngày 13/12, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB) của Mỹ đã bỏ phiếu đề nghị tất cả các bang ra lệnh cấm người dân sử dụng điện thoại di động khi lái xe nhằm ngăn chặn tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra khi tài xế mất tập trung nghe, gọi điện thoại hoặc nhắn tin.
 
Ngoài ra, NTSB cũng đề nghị cấm cả các hình thức gọi điện không dùng tay như sử dụng tai nghe điện thoại, vốn thường được nhiều người dùng để đàm thoại khi đang lái xe.
 
(Theo BĐVN/Eweek)