Là một bậc thầy về sáng tạo nhưng không phải lúc nào những sản phẩm do thầy phù thủy nhúng tay vào cũng mang đầy tính ma thuật. Dưới đây là 7 sản phẩm từng thất bại về mặt thương mại, hoặc thất bại về tính năng dưới triều đại của Steve Jobs.


1. Apple III (1981)



Là hậu duệ của dòng máy tính Apple II rất được ưa chuộng, Apple III nhắm riêng đến người dùng doanh nghiệp và có mức giá cao tương ứng. Thật không may, phần cứng của máy rất hay trục trặc và thiếu độ tin cậy. Cũng vì thế mà Apple đánh mất thị trường doanh nghiệp vào tay IBM PC - dòng máy được tung ra thị trường cùng năm đó.

2. Lisa (1983)



Góp mặt trong cả hai danh sách Những sản phẩm tiêu biểu và Những sản phẩm sai lầm trong cuộc đời Steve Jobs, Lisa là một trường hợp khá thú vị. Dòng máy tính này đáng được nhớ đến vì nó lần đầu tiên giới thiệu với người dùng về giao diện đồ họa với các biểu tượng, cửa sổ và con trỏ chuột. Tuy nhiên, giá thành của nó lại lên tới 9995 USD khi xuất xưởng, một mức giá khiến cho việc "thương mại hóa" chẳng khác gì điệp vụ bất khả thi của tài tử Tom Cruise. Không có gì khó hiểu khi Lisa nhanh chóng bị lấp bóng bởi đàn em Macintosh ra mắt sau nó 1 năm, với giá thành rẻ hơn rất nhiều.

3. NeXT Computer (1989)



Công ty mà Jobs lập ra sau khi bị sa thải khỏi Apple đã thiết kế nên loại máy tính trạm vượt trước thời đại ở rất nhiều khía cạnh. Nhưng cũng giống như Apple III và Lisa, nó quá đắt để có thể cất cánh với người dùng đại trà.

4. Puck Mouse (1998)



Dòng máy tính iMac mới là sản phẩm quan trọng đầu tiên được thiết kế sau khi Jobs quay trở lại chèo lái Apple vào năm 1996 và nó đã thành công rực rỡ, bất chấp con chuột hình tròn bé tí tẹo đi kèm. Con chuột máy tính này chính là điểm trừ lớn nhất ở iMac: với kích cỡ lọt thỏm trong tay, người dùng rất khó sử dụng. Hơn nữa nó cũng không thật nhạy khi chỉ hướng.

5. The Cube (2000)



Dòng máy tính để bàn nhỏ nhắn này được đặt bên trong một vỏ máy hình khối vuông trong suốt đẹp mắt. Nó đã dành được nhiều giải thưởng về thiết kế nhưng lại ế sưng ế sỉa trên các kệ hàng do giá thành "bóp cổ". Bên cạnh đó, nó cũng không trang bị tính năng gì nhiều nhặn hơn so với các phiên bản Macs khác. Đúng là các thiết kế của Apple mang tính biểu tượng, nhưng không phải lúc nào người dùng cũng sẵn sàng móc ví trả bộn tiền chỉ riêng cho thiết kế.

6. Điện thoại iTunes (2005)



Ít ai còn nhớ được rằng, iPhone không phải là lần phiêu lưu đầu tiên của Apple vào địa hạt điện thoại di động. Quả táo từng hợp tác với Motorola để tung ra dòng dế ROKR vào cuối năm 2005. Nếu xét từ góc độ ĐTDĐ thì ROKR cũng không đến nỗi nào, nhưng với tư cách một máy nghe nhạc số tích hợp thì nó thua xa iPod. ROKR chỉ có khả năng lưu trữ 100 ca khúc và việc bắn ca khúc từ máy tính sang điện thoại chậm đến phát điên. Ngoài ra, ROKR còn bị chỉ trích vì không cho phép người dùng tải nhạc thông qua mạng di động, một điểm hạn chế mà ngay cả iPhone đời đầu cũng mắc phải.

7. Apple TV (2007)



Nỗ lực tấn công không gian giải trí gia đình của Apple là một nỗ lực nửa mùa, bị bỏ dở giữa chừng vì hãng loay hoay không biết triển khai tiếp thế nào cho phải. Sau này, bản thân Jobs cũng phải thừa nhận Apple TV là một "sở thích" nhất thời của ông. Đó là một chiếc hộp nhỏ kết nối với TV và máy tính Mac gia đình. Một chiếc điều khiển từ xa bé xíu cho phép chủ nhân nghe nhạc, xem phim lưu trong bộ nhớ PC trên màn hình của TV. Vấn đề là giá thành của nó quá đắt (249 USD) và rất khó cài đặt cũng như sử dụng. Các bộ phim mua từ iTunes có độ phân giải thấp và xem rất nhòe nhoẹt trên màn hình HDTV. Năm 2010, Apple đã giới thiệu một phiên bản Apple TV đời mới, cải tiến hơn và giá cũng rẻ hơn, có thể kết nối thẳng với mạng Internet.

Trọng Cầm
(Theo AP)