7 trường kỹ thuật bao gồm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Giao thông Vận tải, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Thủy lợi và Trường ĐH Xây dựng.
Các trường cùng ký biên bản hợp tác trong một số lĩnh vực. Cụ thể, trong tuyển sinh, 7 trường sẽ cùng phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp và xây dựng nhóm tuyển sinh, sử dụng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy, tiến tới cùng phối hợp tổ chức.
Trong đào tạo, các trường sẽ cùng hợp tác trong việc xây dựng chương trình đào tạo bậc đại học, chương trình đào tạo kỹ sư theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp... Đồng thời, xây dựng mô hình đồng hướng dẫn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong các đề tài, luận văn, luận án.
Trong kiểm định chất lượng, các trường nhất trí hợp tác về thực hiện tự đánh giá, đánh giá đồng cấp, đánh giá ngoài và chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục theo các tổ chức kiểm định trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, các trường phối hợp tổ chức hội nghị khoa học quốc tế, xây dựng và cùng triển khai các chương trình nghiên cứu liên ngành, liên trường, hợp tác quốc tế nhằm tăng cường các công bố khoa học quốc tế uy tín chung giữa các trường.
Đặc biệt, các trường thống nhất xây dựng các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, hình thành các công ty start-up chung trên cơ sở các hợp tác nghiên cứu đạt được.
7 trường kỹ thuật trên cả nước cùng “bắt tay” hợp tác về tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
PGS.Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc kết nối này có thể tập hợp sức mạnh của các trường trong khối kỹ thuật, đặc biệt trong vấn đề tuyển sinh và đào tạo.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến tới phối hợp để tổ chức kỳ thi chung. Các trường có thể sử dụng kết quả của bài thi này để tuyển những thí sinh có thiên hướng học các ngành khoa học, kỹ thuật vào trường mình”.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cũng kỳ vọng sự kết nối này sẽ tạp cơ hội cho các trường học tập lẫn nhau, chia sẻ thông tin, hướng tới việc các trường trong khối ngành kỹ thuật có thể sử dụng chung tài nguyên như các tài liệu, cơ sở vật chất, giảng viên, nhất là trong thời điểm Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số giáo dục.
“Thậm chí, chúng tôi đang hướng tới việc các trường sẽ công nhận tín chỉ lẫn nhau”, ông Vinh nói.
Tham gia buổi lễ ký kết, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá cao sáng kiến hợp tác của 7 trường. Ông Sơn cho rằng: “Từ trước tới nay, phần lớn các trường chú trọng hợp tác quốc tế mà bỏ quên mất một hướng đi không kém quan trọng đó là hợp tác trong nước. Tôi kỳ vọng sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho các trường tham gia mà còn tạo ra động lực phát triển cho toàn khối trường kỹ thuật và cả hệ thống giáo dục đại học.
Ví dụ, trong thời gian tới, 7 trường sẽ tiên phong tham gia xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các bậc cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ cho các ngành thuộc khối kỹ thuật”.
Thúy Nga
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2021
Ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết phương án tuyển sinh năm 2021 của trường sẽ ổn định như năm 2020.