- Đái dầm là chứng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, khi ngủ trẻ tiểu ướt quần mà không biết, một đêm trẻ thường đái dầm 1 đến 2 lần, có khi 3 hoặc 4 lần.
Theo đông y, đái dầm là do khí hóa của thận và tam tiêu suy yếu, hạ nguyên không vững chắc, bàng quang bị lạnh, sự co bóp bị rối loạn mà gây nên.
Để chữa trẻ nhỏ bị đái dầm, có thể dùng một trong các bài thuốc sau.
1. Tổ bọ ngựa
Tổ bọ ngựa trên cây dâu (tang phiêu tiêu) 4-12g, phá cố chỉ 4-12g, thố ty tử (hạt tơ hồng) 2-8g, đảng sâm 4-12g, ích trí nhân 2-8g, ba kích (dây ruột gà) 2-8g.
Đun sôi với 400ml nước sắc còn 60-100ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
2. Củ mài
Củ mài (hoài sơn) 4 phần, sao vàng, ô dước 3 phần, ích trí nhân (quả ré) 3 phần. Sấy khô 3 thứ, tán mịn, luyện với hồ nặn thành viên bằng hạt ngô, sấy khô rồi bảo quản trong lọ sạch.
Trẻ em tùy tuổi, mỗi lần cho uống 4-8g, ngày uống 2 lần với nước ấm vào lúc đói bụng.
3. Màng mề gà
Màng mề gà (kê nội kim) sao vàng, tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2-6g với nước ấm, vào lúc đói bụng.
Có thể phối hợp với tang phiêu tiêu, lượng bằng nhau 4-12g, đun với 400ml nước sắc còn 60-100ml, chia 2 lần uống trước ăn.
Có thể dùng một bộ ruột gà (theo kinh nghiệm dân gian: con trai dùng ruột gà mái, con gái dùng ruột gà trống) rửa thật sạch, phơi khô, đốt tồn tính, mẫu lệ (vỏ con hàu nung) 24g, quế chi 24g, kê nội kim một cái phơi khô, sao vàng.
Bốn thứ hợp lại tán bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2-4g, uống với nước ấm trước bữa ăn.
Cách chế màng mề gà: Khi mổ gà, bóc lấy màng mề gà, rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô tới độ ẩm dưới 12%. Khi dùng, đem sao với cát cho phồng lên. Lấy ra rây sạch cát là được.
Có khi người ta sao màng mề gà với lửa to cho tới khi thấy có màu vàng sẫm, vẩy vào một ít giấm, lấy ra đem phơi khô. Bảo quản nơi khô ráo, kín gió.
4. Dế mèn đen
Dế mèn đen nhúng vào nước sôi, lấy ra phơi khô hoặc sấy khô. Đông y gọi là tất xuất. Dùng một con dế mèn đen tán bột, quấy với nước ấm cho uống.
Trẻ ít tuổi uống một con, mỗi ngày tăng thêm một con. Theo kinh nghiệm thường uống tới 11 con thì khỏi bệnh đái dầm.
5. Mang cua biển
Mang cua biển tức là lớp trắng xốp ở trong, nấu canh hoặc chưng cách thủy, tùy tuổi của trẻ mà cho ăn ngày 1-3 lần.
6. Bong bóng lợn
Lấy một bong bóng lợn (bỏ phao), rửa sạch, nấu với gạo nếp cho chín nhừ, thêm ít hạt tiêu. Bỏ gạo nếp, lấy bong bóng lợn xắt nhỏ.
Tùy tuổi cho ăn ngày 1-3 lần, mỗi lần 20-50g vào lúc đói bụng.
7. Dạ dày lợn
Dạ dày lợn (bỏ đỗ) một cái rửa thật sạch, dồn hạt sen (bỏ vỏ và tim sen, tẩm rượu 2 đêm, sấy khô), 100-150g. Nấu chín tùy tuổi cho ăn ngày 1-3 lần.
8. Gan gà trống
Gan gà trống (luộn chín), nhục quế (tán bột mịn). Hai thứ lượng bằng nhau, quết nhuyễn, làm viên bằng hạt đậu xanh.
Mỗi lần cho uống 5-15 viên tùy tuổi, ngày uống 2-3 lần với nước ấm vào lúc không no không đói quá.
Đối với trẻ gái bị bệnh đái dầm, cần lưu ý tẩy giun định kỳ cho trẻ, vì có thể giun kim là nguyên nhân gây ra.
Ngoài ra, một số thực phẩm cần được hạn chế trong thực đơn của trẻ như sôcôla, chất cà phê, nước soda, các trái cây thuộc họ cam, quýt. Cho trẻ uống sữa và nước với lượng thích hợp, tạo cho trẻ thói quen đi tiểu đúng giờ sẽ giúp cải thiện được tình trạng bệnh đái dầm.
Thái Thị Hậu